18/01/2022 11:59 GMT+7

Quần quật làm thêm, săn học bổng đến giảng đường

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Sớm mất cha mẹ nhưng trên chặng đường dài học tập, dù khó nghèo luôn là lực cản lớn nhất nhưng hai nữ tân sinh viên không côi cút.

"Giờ Quyên đã vào vào đại học, cả nhà mừng lắm..." - Video: TRUNG TÂN - THẾ THẾ - HUỲNH VY - TRINH TRÀ

Quần quật làm thêm, săn học bổng đến giảng đường - Ảnh 2.

Quyên làm thêm tại xưởng làm cơm cháy gần nhà - Ảnh: THẾ THẾ

Bên cạnh nghị lực của các bạn thì vẫn còn hơi ấm đôi bàn tay nội, những chén cơm sẻ chia của cậu, của dì...

"Alô anh, mình có một trường hợp đáng thương lắm. Mất cha, vắng mẹ, ở với nội đau yếu nhưng rất muốn đến trường. Báo Tuổi Trẻ giúp được không?". Nhận điện thoại từ một cô giáo huyện vùng sâu Krông Bông (Đắk Lắk), chúng tôi lên đường tìm gặp ngay nữ tân sinh viên này.

Tin đậu đại học đến, vừa mừng vừa lo

Giữa trưa, khi nghe chúng tôi hỏi đường đến nhà tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM Nguyễn Thị Quyên (18 tuổi, trú thôn Hòa Xuân, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông), một phụ nữ trung niên nhanh nhẹn: "Nó đang làm ở xưởng sản xuất cơm cháy ở cuối đường đó. Cái nhà có đống củi to, khói đang bốc lên kìa".

Nguyễn Thị Quyên rụt rè, nhưng đôi tay ép cơm vừa nấu để tạo hình, đóng bịch sản phẩm hoàn thiện... nhanh thoăn thoắt. "Con làm đây từ khi còn nhỏ, cũng kiếm được 20.000 - 30.000 đồng, phụ nội tiền cơm nước mỗi ngày", Quyên tâm sự.

Ba mất vì bệnh phổi khi Quyên đang ẵm ngửa, người chị (hiện là sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM) được 3 tuổi. "Con dâu ở được hai năm thì bỏ lại hai cháu cho tui để đi bước nữa. Giờ cũng có thêm con, nhà khó khăn nên chẳng giúp được gì", bà Nguyễn Thị Kim Hường, 68 tuổi, bà nội của Quyên, nhớ lại.

Từ khi con trai mất, con dâu bỏ đi, bà Hường trở thành cha mẹ của hai cháu nội, lo từng bữa cơm, cái áo trong cảnh khó nhọc của tuổi già. Nhà còn mấy sào ruộng, bà tảo tần kiếm từng đồng, rảnh thì đi làm thuê thêm để cho hai cháu bữa cơm có thịt, cái áo mới đến trường đỡ tủi phận.

"Được cái hai đứa nhà tui ngoan lắm. Hết giờ học là đi ra phụ nội làm vườn, gặt lúa. Rảnh việc là đi quanh kiếm việc làm thêm, đêm đêm lại chong đèn học. Mỗi khi thắp nhang cho con trai, tui cũng bớt phần đau buồn khi hai cháu nội ngoan ngoãn, học giỏi", bà Hường xúc động.

Bà nhìn mấy bao lúa ít ỏi ở góc nhà buồn bã nói, giờ mình cũng đã già, thêm bệnh huyết áp cao nên làm lụng không được như trước đây. Chị của Quyên đang học đại học, tạm lo phần ăn học được rồi. "Giờ cháu Quyên cũng vừa đậu đại học, cả nhà mừng lắm nhưng đang rất lo cho chặng đường dài phía trước của cháu", bà Hường ứa nước mắt.

Quyên kể, ngày nhận được tin đậu đại học "người đầu tiên con khoe là nội, và người lo nhất cũng là nội". Bởi nội rất thương, luôn động viên hai chị em gắng học nhưng mức học phí hơn 22 triệu đồng/năm, chưa kể sinh hoạt phí là một gánh nặng.

"Con có dự định rồi. Khi đi học chính thức, con sẽ ở với chị đỡ tiền trọ, ngày đi học tối tranh thủ làm thêm để dành dụm học phí năm sau. Con sợ nếu năm nay vào học hết năm sẽ không dành dụm đủ, con sẽ bảo lưu kết quả năm 1 để đi làm kiếm tiền. Khi dành dụm đủ học phí, con sẽ quay lại thực hiện tiếp ước mơ của mình", Quyên tự tin.

Tìm việc làm thêm trước, săn học bổng sau

Nghe tin mình đỗ đại học, Võ Thị Phi Loan không hề bất ngờ. Em chỉ lo lắng tiền học phí, rồi chuyện phải đi xa mẹ, xa em - Video: TRUNG TÂN - THẾ THẾ - HUỲNH VY - TRINH TRÀ

Quần quật làm thêm, săn học bổng đến giảng đường - Ảnh 4.

Loan tranh thủ cắt cỏ cho bò ăn khi không học online

Chúng tôi tiếp tục hành trình tới nhà tân sinh viên ngành kinh tế, Trường ĐH Mở TP.HCM Võ Thị Phi Loan (trú thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền, Krông Bông, Đắk Lắk) lúc bạn đang cắt cỏ cho bò. Thấy khách đến, cô gái nhỏ nhắn đang xì xụp dưới ruộng cắt cỏ ngước lên chào và xin được cắt chút nữa cho xong.

Căn nhà mẹ con Loan đang ở rất sơ sài, trên các bức tường dán đầy giấy khen từ lúc bạn bắt đầu đi học. Cái bàn nhỏ để Loan học bài dán chi chít các chú thích, các cách ghi nhớ công thức toán, vật lý, hóa học... "Nó giúp mình ôn tập, củng cố những công thức căn bản để học tập tốt hơn", Loan tiết lộ về cách học của mình.

Bà Bùi Thị Thỏa (55 tuổi, mẹ Loan) bị teo cơ chân bẩm sinh, nay gần như liệt nửa bên trái, hoạt động khó khăn. Bà kể, bệnh tật nên bà với chồng "rổ rá cạp nhau" sinh được Loan và em trai. Sau đó chồng bỏ đi, để lại ba mẹ con trong ngôi nhà nhỏ, gắng gượng qua ngày. Đi lại, nói năng khó khăn nên hầu như bà Thỏa chỉ có thể phụ giúp các việc vặt trong nhà, kế sinh nhai trong gia đình đều phụ thuộc Loan và số tiền trợ cấp 540.000 đồng/tháng.

Từ lúc mới lớp 3, ngày đạp xe đi học, chiều về Loan hái rau dền, rau khoai ra chợ bán kiếm tiền. Lớn lên chút ít thì đi cắt lúa, cắt cỏ thuê, đi bán quần áo ở shop, bưng bê ở quán cà phê..., chẳng việc nào từ nan, miễn là có tiền đong gạo nuôi mẹ, em trai.

Ngày nhận tin mình đậu đại học, Loan chẳng bất ngờ vì tin vào thực lực của mình, nhưng nỗi lo cồn cào lại ập đến. "Số tiền học phí quá lớn, rồi mình đi học xa, mẹ và em sẽ khó khăn. Cũng may có cậu nhà cạnh bên, sẽ giúp mình săn sóc mẹ lúc trái gió trở trời", Loan tâm sự.

Để được nhập học online, Loan lấy toàn bộ tiền dành dụm được và một khoản do nhà hảo tâm tài trợ để nộp cho trường.

"Mình chọn Trường ĐH Mở vì đã tìm hiểu nơi đây khá năng động. Trường có nhiều chương trình học bổng để giúp những sinh viên khó khăn như mình có thể săn tìm cơ hội. Để chuẩn bị cho việc nhập học khi hết dịch, mình đã liên hệ vài mối có thể làm thêm khi vào TP.HCM.

Hiện tại thì mình nhận làm admin (quản trị viên) cho một trang web và làm nhân viên order (đặt hàng) online cho một quán bán đồ ăn vặt khác để tranh thủ kiếm thêm. Hy vọng khi nhập học chính thức, cũng có một khoản để làm lộ phí", Loan tâm sự.

Tiếp sức 71 tân sinh viên nghèo Tây Nguyên

Ngày 18-1, tại Trường ĐH Buôn Ma Thuột, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Đắk Lắk trao 71 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2021 đến các tân sinh viên vượt khó học giỏi tại 5 tỉnh Tây Nguyên.

Năm nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhưng bằng nỗ lực của mình, báo Tuổi Trẻ đã vận động các nhà tài trợ tiếp tục chung sức đồng lòng giúp những bạn trẻ theo đuổi giấc mơ con chữ, với tổng kinh phí khoảng 11 tỉ đồng để trao khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên. Những sinh viên được nhận học bổng năm nay đều có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch và thiên tai.

Học bổng "Tiếp sức đến trường" thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" đã đi được quãng đường 18 năm. Trong 18 năm vì thế hệ trẻ tài năng nhưng khó nghèo, chương trình đã trao 20.395 suất học bổng để chừng ấy ước mơ không bị bỏ lại phía sau...

Quần quật làm thêm, săn học bổng đến giảng đường - Ảnh 6.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Cô gái mồ côi được miễn phí ký túc xá khi nhập học Cô gái mồ côi được miễn phí ký túc xá khi nhập học

TTO - Chiều 9-12, ký túc xá Trường đại học Kinh tế TP.HCM đã tiếp nhận một tân sinh viên được nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên