Nhìn vào những cửa tiệm này, người ta có thể hình dung ra một Hà Nội khác - trầm lắng, cổ kính cách đây nửa thế kỷ hoặc xưa hơn nữa.
Người thổi hồn cho gió
![]() |
Tiệm quạt cổ |
Cửa hàng sửa quạt cổ tên Hào Quang của ba anh em Thục - Thuần - Thực được rất nhiều người yêu quạt cổ trong và ngoài nước tìm đến. Nổi tiếng là thế nhưng ít ai biết rằng ông chủ cửa hàng này trong thời gian khốn khó đã từng phải gạt nước mắt bán đi kỷ vật và cũng là chiếc quạt Marelli quý giá của cha mình để lại.
“Đó là vào năm 1982, khi tôi thôi không làm thợ điện ở Nhà máy nước đá Trần Quang Khải nữa” - ông Thục nhớ lại. Chiếc quạt hiệu Marelli đó đối với ông Thục quá đặc biệt, từ họa tiết trang trí chân quạt đến ý nghĩa tinh thần vì đó là vật dụng mà cha ông yêu quý nhất. Ông Thục vẫn áy náy vì bao nhiêu năm sau đó đi tìm nhưng vẫn không thấy lại chiếc quạt xưa. Đến bây giờ, cái quạt mà ông Thục vô cùng nâng niu là quạt trần “nậm rượu đời đại” cũng của Marelli, nặng 27 ký mà có người đã trả 2.000 USD mà ông không bán.
Cửa hàng sửa quạt nằm khiêm nhường nơi góc phố hàng Điếu. Mé ngoài gian nhà lại là nơi để những người phụ nữ trong gia đình bán xôi, bán nước. Điều làm người ta có ấn tượng khi đến với cửa hàng này là hai cửa sổ nhìn thẳng ra đường treo đầy những trụ quạt trần các loại, phía dưới bậu cửa là quạt để bàn và tất nhiên đều là quạt cổ.
Phòng khách chưa đầy chục mét vuông vừa là cửa hàng vừa là gian trưng bày quạt. Góc nhà, trên tường toàn là quạt và phụ kiện quạt. Quạt đã được phục chế sáng loáng cánh đồng, quạt chưa sửa xám màu thời gian. Ông Thục hồ hởi giới thiệu với chúng tôi về nơi ra đời của từng loại quạt mà cửa hàng ông có. Hơn bảy trăm chiếc quạt đủ loại với những thương hiệu khác nhau, từ quạt Marelli của Ý, Émí (Hà Lan) đến Éon và Calor (Pháp)… Có chiếc ra đời cách đây hơn một thế kỷ.
![]() |
Quạt đã qua được phục chế sáng loáng cánh đồng |
Quạt điện thời đó ngoài mục đích sử dụng còn được dùng để trang trí, khoe sự giàu có của mình. Tất nhiên khi ấy, sửa những loại quạt này dễ hơn bây giờ vì những chi tiết, phụ kiện quạt vẫn còn được sản xuất. Bây giờ sửa một chiếc quạt như vậy rất tốn công và đòi hỏi người thợ phải biết cách tạo ra những phụ kiện, chi tiết của chiếc quạt tinh xảo như đồ xịn. Nhiều người mê quạt cổ bởi nó đẹp sang trọng, lại bền. Nhiều chiếc quạt để trong kho lâu năm, chỉ cần lau chùi, chuyển dòng điện là chạy êm ru.
Tiệm may nhỏ trên phố
Phố Lương Văn Can vào buổi tối sặc sỡ sắc màu của đèn đường, các quán bán đồ chơi, kính mắt. Chúng tôi để ý đến cửa tiệm nhỏ rộng chừng năm mét vuông, trông rất “hoài cổ”, đề tên Đông Trạch. Cái tên Đông Trạch hợp cùng với nhiều tên Phúc Trạch, Tân Trạch, Vĩnh Trạch... cấu thành con phố may áo dài Lương Văn Can nổi tiếng Hà Nội. Ở phố áo dài này, các chủ tiệm đều là người làng Trạch Xá (Hà Tây trước đây), chuyên may áo dài. Thời hoàng kim, phố Lương Văn Can có hơn hai chục tiệm may áo dài, bây giờ phố cũng chỉ còn vài tiệm gắn chữ “Trạch” thuở xưa.
![]() |
Ông Thông đang giới thiệu chiếc áo dài kiểu xưa |
Khác với cửa tiệm tên “Trạch” to lớn khác, tiệm Đông Trạch bé nhỏ mà cách bài trí cũng không lấy gì làm bắt mắt. Phía ngoài cùng là những tà áo dài tân thời, kế đến là những chiếc áo bông, trong cùng là vải đủ màu sắc. Tiệm nhỏ, chỉ vừa kê một chiếc máy may có tuổi đời có lẽ gấp mấy lần tuổi người chủ. Hỏi ra mới biết ông chủ tên Thông, còn cái tên Đông Trạch là do cha ông đặt khi buổi đầu rời làng Trạch Xá lên phố lập nghiệp. Ông Thông đã hơn sáu mươi tuổi, mắt kém, chỉ làm quản lý, còn việc cắt may do người cháu cũng là người làng Trạch Xá đã có thâm niên 20 năm làm.
Những năm bao cấp, ăn mặc khốn khó, tiệm may của ông Thông cũng giống như tất cả tiệm may ở phố đều chung cảnh tiêu điều. Cả nước thiếu vải, vải may áo dài càng hiếm, chiếc áo dài khi đó trở thành đồ ăn mặc rất xa xỉ và ít người có được. Tiệm Đông Trạch từ may áo dài chuyển sang sửa đồ may mặc. Nghề của cha vẫn được ông Thông gìn giữ như nghề tay trái. Buổi sáng làm công nhân ở nhà máy cơ khí, buổi tối ông nhận quần áo cũ về vá, sửa khuy... Hồi ấy, hiếm hoi lắm mới có người đến may áo dài và ông Thông lại được một lần sung sướng được thể hiện niềm đam mê may mặc.
Mê mải với chiếc áo dài, ông Thông chỉ cho tôi xem những nét khác nhau giữa hai chiếc áo dài thuở mới đi lên từ áo tứ thân với chiếc áo dài được cách tân như ngày nay. Tấm áo dài khi xưa cắt theo kiểu bà ba nên kín đáo, người mặc thoải mái hơn, còn tấm áo dài cách tân có xu hướng phô diễn đường cong, đẹp kiểu hiện đại nhưng mặc không thoải mái như trước. Cho đến bây giờ, nhiều bà mẹ chồng kỹ tính vẫn bắt con dâu may bằng được tấm áo dài ngày xưa để mặc vào ngày cưới. Với họ, áo như thế mới thật sự là áo dài.
![]() |
Cháu của ông Thông, người kế nhiệm tiệm may |
Những năm gần đây, may áo dài không còn là riêng tư của người làng Đông Trạch, của phố Lương Văn Can nữa. Ở một số cửa tiệm xưa như thời Đông Trạch đã biết quảng bá thương hiệu, mở rộng và phát đạt thành những tiệm may áo dài dành cho khách Tây. Phần đông cửa tiệm áo dài cũ lại chuyển sang buôn bán thứ hàng khác cho thu nhập cao hơn hoặc cho thuê lại cửa tiệm. Duy có cửa tiệm Đông Trạch là vẫn giữ dáng vẻ y như thời mới mở.
Đệ nhất ốc nguội
Số 1 Hàng Chiếu là địa điểm có món ốc nguội hay là ốc lạnh, được nhiều người khen nức nở. Họ khen vì cái ngon, cái lạ và còn vì cảm cái tình của người bán. Chủ quán tên Xuân vì quá chung tình với nghề của cha ông mà không mở rộng quán, không bán tiếng lấy tiền nên càng hút khách.
![]() |
Quán ốc cô Xuân nằm khép nép bên cây… cột điện |
Ốc nguội cô Xuân đã nổi tiếng, nhưng nhiều người Hà Nội vẫn còn lạ lẫm với ốc nguội, ốc lạnh, không biết có phải vì có quá nhiều món ốc ở đất Hà thành hay vì nghe tên món, chưa ăn đã sợ... đau bụng? Nhưng cô Xuân, người bán ốc đã hơn hai mươi năm ở góc phố này khẳng định rằng chưa ai ăn ốc nguội mà đau bụng cả. So với các món bún ốc khác thì ốc nguội hấp dẫn người nơi khác ở vị lạ, còn đối với người Hà Nội, ốc nguội là món ăn đáng tự hào vì chỉ duy nhất Hà Nội mới có.
Nghe nói ông tổ nghề làm bún ốc nguội ở làng Khương Thượng, Đống Đa. Ngày xưa, con gái làng gánh ốc đi bán rong, tiếng rao lảnh lót khắp góc phố. Ốc nguội Hà Nội bây giờ chỉ còn năm bảy hàng. Cô Xuân cũng là con gái làng Khương Thượng, lấy chồng cùng làng, được mẹ chồng truyền cho gánh ốc, dựng lên thương hiệu “Ốc nguội bà Xuân”.
Quán ốc nguội nhỏ xíu trên vạt đất hình tam giác rộng chừng 8m2, chắn giữa quán là… cây cột điện to đùng. Trong khoảng không gian eo hẹp, khách hàng phải ngồi đấu lưng vào nhau, nhưng ai nấy đều rất tập trung để tận hưởng món ăn với niềm thích thú thật sự.
Cô Xuân múc từng gáo nước canh ốc từ cái hũ sành bằng gàu trúc nhỏ có cán, điệu bộ duyên dáng và rất gợi cảm. Khi nào có khách gọi, cô Xuân mới khều ốc. Dụng cụ khều có hai đầu, trên là đầu búa nhỏ dùng để đập vỏ, dưới là kim khều. Người chuyên nghiệp đập ốc không nát thịt, khều ốc ra cả trứng non vàng ngậy.
![]() |
Những con ốc vàng ươm sau khi được khều ra từ vỏ |
Tên lạ, cách ăn cũng lạ. Khách gọi suất bún, chủ quán bưng ra một bát chiết yêu trong có canh ốc và một đĩa bún lá, hay còn gọi là bún vảy cá. Không có màu xanh của rau sống, không có màu vàng sóng sánh giống như bún riêu, bún ốc nguội giản dị nét đẹp của người con gái quê. Khi ăn, người ta bỏ bún vào bát nước canh dập dìu những con ốc, phía trên loang loáng váng ớt xào. Ốc nguội, bún nguội, nước canh cũng nguội. Món ăn thanh mát nhưng lại không tanh, chỉ có vị giòn sần sật của thứ ốc được hấp cách thủy bằng giấm bỗng làm mê mải các thực khách.
Trong các món bún ốc nhiều đạm thì có lẽ món bún ốc nguội này dành cho những người thích ăn ốc nhưng lại muốn... giảm cân. Nói như thế vì bát canh ốc nguội có vị chua mát của giấm bỗng, chứ không như bát bún ốc khác mang vị chua của cà chua, dọc, sấu... đã bị giò, chả, thịt bò lấn át mất.
Bí quyết của món ốc nguội cô Xuân nấu nằm ở thứ canh ốc này: không thế thiếu được giấm bỗng và tất nhiên không có vị ngọt giả tạo của bột ngọt, còn liều lượng gia vị thì tất nhiên chỉ có... người nhà cô mới biết. Mới hay làm ốc nguội cũng lắm công phu và cầu kỳ. Ốc nguội có thương hiệu lại càng phải cầu kỳ hơn, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu - toàn ốc đặc sản Ninh Bình béo vàng, chỉ ăn rêu đá, ngàn con đều bằng chằn chặn đến bún lá Phú Đô, chứ mà phải là loại bún nhỏ như đồng xu, dẻo thơm, còn giấm bỗng làm từ nếp cái làng Vân...
Bún ốc lạnh vẫn được cho là đặc sản thuộc loại xa xỉ của Hà thành. Vào những quán hàng đã có thương hiệu như của cô Xuân, nơi món ốc luộc làm theo công thức bí truyền của mẹ trao lại để tận hưởng ẩm thực kinh kỳ, kẻ Bắc cũng đáng với thời gian và tiền bạc bỏ ra!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận