31/10/2018 12:21 GMT+7

Quản lý taxi công nghệ - một vài khuyến nghị

TRẦN NGỌC THỊNH
TRẦN NGỌC THỊNH

TTO - Vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab không chỉ là câu chuyện cạnh tranh. Việc quản lý xe công nghệ còn nhiều chuyện cần hoàn thiện hơn.

Quản lý taxi công nghệ - một vài khuyến nghị - Ảnh 1.

Tài xế taxi Vinasun và Grab đón khách trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của bạn đọc Trần Ngọc Thịnh về những khía cạnh pháp luật trong quản lý xe công nghệ hiện nay.

Gắn mào xe công nghệ: nên hay không?

Uber/Grab luôn cho rằng họ chỉ là một hãng công nghệ, chứ không phải là một hãng kinh doanh vận tải. Nhưng thực tế mô hình kinh doanh của họ không đơn thuần chỉ có công nghệ.

Thực tế hoạt động tại Việt Nam, Uber/Grab đã tham gia thị trường vận tải bằng việc áp đặt giá cước, điều chỉnh giá cước theo khung giờ, áp đặt tỉ lệ phần trăm ăn chia với lái xe cũng như các chương trình khuyến mãi cho khách hàng và tài xế. Nhưng khác với các hãng taxi truyền thống, Uber/Grab đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều phối xe giúp tối ưu hiệu quả và giảm giá thành so với taxi thông thường.

Nếu đã có những hoạt động kinh doanh như taxi, Grab phải được quản lý như một hãng taxi, vậy mới công bằng và bình đẳng trên thị trường taxi. Vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay là những xe tham gia Uber/Grab có cần phải gắn mào taxi hay không? 

Hiện có hai loại xe công nghệ và Uber/Grab có con số thống kê rất cụ thể bao nhiêu xe là "xe nhà chạy thêm" và bao nhiêu xe là xe chạy chuyên. Theo tôi, các xe ở nhóm chạy dịch vụ chuyên nghiệp có thể phải gắn mào, với xe gia đình chạy thêm thì không bắt buộc.

Nhiều ý kiến cho rằng sự "bùng nổ" số lượng xe công nghệ làm phá vỡ quy hoạch giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tôi cho rằng khi có sự phân loại xe công nghệ thành hai nhóm chuyên nghiệp và bán chuyên như trên, tùy tình hình giao thông của mỗi tỉnh/thành phố, ngành giao thông có thể giới hạn với nhóm xe chuyên nghiệp.

Với xe gia đình chạy thêm, khó có thể hạn chế được số lượng nhưng cần phải có quy định cụ thể: mỗi tuần được phép chạy bao nhiêu tiếng để tránh việc lách luật. Có thể thông qua dữ liệu giám sát hành trình cộng với dữ liệu từ Uber/Grab gửi về cục thuế giám sát được việc này.

Quyền lợi của người lao động và khách hàng

Trong dự thảo nghị định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (thay nghị định 86/2014) cũng cần phải lưu ý tới vấn đề an toàn tài sản và tính mạng cho hành khách, gồm an toàn thông tin dữ liệu khách hàng và an toàn về tài sản và sinh mạng. 

Cần phải có quy định cụ thể đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về bảo mật thông tin khách hàng và có chế tài xử phạt thật nặng nếu để mất an toàn thông tin cá nhân khách hàng. Cũng cần có quy định đảm bảo an toàn về tài sản và thể chất cho hành khách khi tham gia phương tiện taxi công nghệ.

Một điểm nữa cũng cần phải xem xét trong mô hình hoạt động của taxi công nghệ là chuyện quyền lợi của người lao động khi tham gia chạy xe công nghệ. Họ luôn ở vị trí bất lợi, không được quan tâm về phúc lợi, không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Họ làm việc trong một môi trường đầy rẫy rủi ro rình rập trên đường nhưng không hề được bảo vệ.

Cần những quy định buộc các hãng taxi công nghệ có trách nhiệm đối với người lao động khi tham gia mô hình này, thay vì chỉ có những áp đặt một chiều của hãng dành cho người lao động. Từng xảy ra những vụ tài xế xe công nghệ đình công vì bức xúc liên quan đến lợi ích. 

Phần đông người tiêu dùng - khách hàng xe công nghệ hài lòng với dịch vụ của họ có ưu thế vì giá rẻ. Họ không quan tâm vì sao xe công nghệ rẻ hơn các loại hình xe khác. Và cũng không mấy ai thấu hiểu những thiệt thòi của người lao động - tài xế xe công nghệ.

Cần nghiên cứu xem xe công nghệ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho đội ngũ đối tác là lái xe của họ hay không?... Cần phải căn cứ theo Luật lao động để áp dụng, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tham gia mô hình này.

Bộ Giao thông vận tải đang trình dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Nghị định mới được kỳ vọng sẽ "hóa giải" những vấn đề giữa xe truyền thống và xe công nghệ. Dự thảo đã được chỉnh sửa nhiều lần, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều liên quan đến việc quản lý taxi công nghệ.

Hiệp hội Vận tải ôtô VN (VATA) vừa gửi kiến nghị đến Thủ tướng về những bất hợp lý có thể tác động, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chung của ngành giao thông vận tải. Trong đó có nêu vấn đề cạnh tranh chưa sòng phẳng giữa taxi truyền thống và xe công nghệ.

Vụ Vinasun kiện Grab: Grab yêu cầu giám định lại thiệt hại của Vinasun Vụ Vinasun kiện Grab: Grab yêu cầu giám định lại thiệt hại của Vinasun

Tại phiên tòa, phía Grab yêu cầu HĐXX trưng cầu giám định lại thiệt hại của phía Vinasun. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Grab cho rằng số liệu trong báo cáo giám định là thiếu chính xác.

TRẦN NGỌC THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên