Phóng to |
Trước đây tôi từng có thời gian dài giảng dạy một ĐH lớn ở TP.HCM, điều ngạc nhiên là nhà trường luôn từ chối cung cấp những giấy tờ, hợp đồng lao động có chứng từ hợp pháp dẫu tôi là người sở hữu bằng cấp chuyên môn rõ ràng. Điều đó khiến tôi luôn cảm thấy bất an và tội lỗi. Việc trả lương cho nhân viên của trường cũng thường chậm trễ một cách khó hiểu. D
ĩ nhiên vì không có giấy tờ chứng minh sự ràng buộc giữa đôi bên nên tôi luôn là người bị thiệt trong mọi tình huống. Khi kết thúc chương trình, họ tiếp tục mời tôi hợp tác nhưng dĩ nhiên tôi đã lắc đầu một cách dứt khoát.
Lợi dụng việc LĐNN không rành ngôn ngữ địa phương hoặc lờ mờ về luật lệ, một số chủ lao động Việt thường đưa ra những thông tin không trung thực cho LĐNN để giành phần lợi về phía họ. Hoặc đơn giản chỉ vì không muốn mất thời gian làm giấy tờ mà họ sẵn sàng để LĐNN hứng chịu những vấn đề phát sinh, điều này dẫn đến việc nhiều LĐNN cấp cao sẵn sàng bỏ đi vì không chịu nổi bức xúc.
Như thời gian đầu ở Việt Nam, tôi thường được chủ lao động nói rằng LĐNN không cần giấy phép khi làm việc tại đây. Khi tôi cương quyết đòi họ hoặc phải cung cấp hồ sơ chứng minh điều đó hoặc phải làm giấy phép, thái độ duy nhất của họ là phớt lờ, một số người còn cho rằng tôi là kẻ khó chịu, là “cái gai” trong mắt họ.
Tôi mệt mỏi vì thái độ bất hợp tác của chủ lao động nên quyết định tự thân vận động. Cũng may là website của Bộ Lao động - thương binh & xã hội có sẵn những thông tin cần thiết bằng tiếng Anh nên tôi có thể mày mò làm theo. Từ đó, tôi mới phát hiện nhiều chủ lao động Việt Nam đã có sai phạm trong việc tuyển và sử dụng LĐNN.
Ngay ở thời điểm hiện tại, tôi vẫn biết khá nhiều trường hợp tương tự và giải pháp của tôi là nhờ sự hỗ trợ, đối chất của luật sư.
Tôi nghĩ chính quyền địa phương cũng cần điều chỉnh phần nào các luật liên quan đến việc cấp phép cho LĐNN làm việc tại Việt Nam. Việc kiểm soát gắt gao LĐNN dĩ nhiên rất quan trọng khi các bạn muốn kiểm soát làn sóng di cư của LĐNN phổ thông đến từ các quốc gia lân cận, hoặc hạn chế việc LĐNN chiếm hết công việc phổ thông của người Việt (như trường hợp lao động Trung Quốc tại Nhân Cơ, Đắk Nông vừa được đề cập trên báo Tuổi Trẻ ngày 11-8).
Không thể nhìn nhận và xem xét, áp dụng luật giống nhau cho LĐNN phổ thông và LĐNN có bằng cấp chuyên môn vì vai trò và nhu cầu xã hội cho mỗi bên rất khác nhau.
Tôi đã có khoảng thời gian làm việc tại Hàn Quốc, ở đó những gì liên quan đến thủ tục hành chính đều được các chủ lao động giải quyết rất chuyên nghiệp, nhanh chóng. Nếu tôi có đề xuất gì với chủ lao động, họ sẽ sớm hồi âm hoặc đưa ra hỗ trợ cần thiết trong vòng một hoặc hai tuần. Họ luôn khiến LĐNN cảm thấy tin tưởng, an toàn và vì thế công việc luôn đạt hiệu quả cao nhất.
Các chủ lao động Hàn luôn quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ lâu dài hơn là những quan hệ dạng “vắt chanh bỏ vỏ” chóng vánh. LĐNN chúng tôi luôn vui vẻ cống hiến hết mình trong công việc bởi thấy mình được trân trọng. Và ai cũng biết Hàn Quốc hiện có tốc độ phát triển rất nhanh về nhiều mặt. Tôi tin rằng điều này phần nào đến từ việc họ trân trọng và biết cách dùng nguồn lực LĐNN một cách hiệu quả.
Tôi thích cuộc sống và công việc hiện tại của mình ở Việt Nam, nhất là khi ở đây tôi tìm được tình yêu lớn nhất trong đời. Nhưng tôi vẫn trĩu nặng trong lòng mỗi khi nghĩ về những câu chuyện không hay trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận