19/05/2016 08:29 GMT+7

Quan hệ Việt - Mỹ tiến như “tốc độ tên lửa”

QUỲNH TRUNG - THANH HÀ thực hiện
QUỲNH TRUNG - THANH HÀ thực hiện

TTO - Chuyến thăm của tổng thống Bill Clinton mang ý nghĩa phá băng, tổng thống George Bush đến năm 2006 mở ra cánh cửa hội nhập kinh tế cho VN, chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ để lại di sản tốt đẹp cho giới trẻ hai nước.

Đại sứ Lê Bàng (phải) trình quốc thư cho tổng thống Bill Clinton tại Nhà Trắng năm 1995 - Ảnh tư liệu
Đại sứ Lê Bàng (phải) trình quốc thư cho tổng thống Bill Clinton tại Nhà Trắng năm 1995 - Ảnh tư liệu

 

Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Bàng ví von quan hệ Việt - Mỹ đã tiến triển như “tốc độ tên lửa” khi ba đời tổng thống Mỹ liên tiếp, ở cả Cộng hòa và Dân chủ, đến thăm Việt Nam chỉ trong vòng 16 năm.

Ngày 18-5, ông đã có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ về quan hệ Việt - Mỹ trước thềm chuyến thăm Việt Nam từ ngày 23 đến 25-5 của Tổng thống Barack Obama.

* Qua thời gian, ông nhận định gì về ý nghĩa và kết quả của chuyến thăm lịch sử của tổng thống Bill Clinton?

- Ông Lê Bàng: Trước khi ông Clinton thăm Việt Nam tháng 11-2000, vào tháng 7-2000 tại Nhà Trắng, tổng thống Bill Clinton đã ra tuyên bố về việc hai bên đã ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA).

Tuy nhiên, hiệp định chỉ có hiệu lực sau khi được quốc hội hai nước thông qua. Về phía Mỹ, làm thế nào để tạo được dư luận thông qua BTA tại quốc hội không phải là điều đơn giản.

Tháng 11-2000, ông Clinton sang thăm Việt Nam khi hai nước mới bình thường hóa quan hệ được khoảng 5 năm. Chuyến thăm khi ấy diễn ra trong bối cảnh khó khăn ở rất nhiều vấn đề như an ninh, dư luận, công tác tổ chức, giao thông...

Tuy nhiên hai nước đều quyết tâm phối hợp tổ chức. Chuyến thăm của ông Bill Clinton kết thúc tốt đẹp và được dư luận hai nước đánh giá cao, đồng thời mang lại nhiều triển vọng hợp tác ý nghĩa, nhất là về kinh tế và thương mại trước khi ông chính thức rời Nhà Trắng vào tháng 2-2001.

Ông Lê Bàng - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Lê Bàng - Ảnh: Nguyễn Khánh
Năm 2010, sứ quán Mỹ tổ chức cuộc thi sáng tác logo về quan hệ Việt - Mỹ và logo đoạt giải là biểu tượng cánh diều bay lên. Tôi có nói với họ là nếu tôi được mời tham dự, tôi sẽ vẽ hình quả tên lửa vì chỉ có quả tên lửa mới phản ánh đúng nhất tốc độ phát triển quan hệ Việt - Mỹ

* Đâu là những cột mốc đáng nhớ nhất về quan hệ Việt - Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống George Bush thưa ông?

- Tháng 6-2001, tôi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ ở Mỹ. Trước khi tôi về nước, ngoại trưởng Mỹ Colin Powell có cuộc gặp với 10 đại sứ ASEAN. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của ngoại trưởng Mỹ với đông đủ các đại sứ ASEAN.

Tại cuộc gặp, tôi có nói với ông Powell: “Trước hết thay mặt cho các đại sứ ở đây, chúng tôi đánh giá rất cao việc một ngoại trưởng Mỹ gặp trực tiếp các đại sứ ASEAN. Tháng 8-2001, ASEAN có cuộc gặp tại Hà Nội và thay mặt bộ trưởng của tôi, tôi mong muốn mời ngài tham dự. Khi ngài trở lại Việt Nam, tôi rất mong muốn ngài sẽ mang đến cho nhân dân Việt Nam một món quà”.

Đáp lại, ông Powell cười bảo: “Tôi biết ngài đại sứ muốn nói gì. Hiệp định thương mại đang ở trên bàn làm việc của tổng thống George Bush. Và trong tuần tới sẽ được chuyển tới quốc hội để phê chuẩn”.

Nhưng để hiệp định đi vào hiệu lực thì cần phải trải qua thủ tục là bộ trưởng thương mại hai nước phải trao đổi công hàm.

Ngày 11-9-2001, nước Mỹ hứng chịu vụ tấn công khủng bố vào hai tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới tại New York. Sau sự kiện chấn động này, nước Mỹ kiểm soát an ninh gắt gao và hạn chế cho người nước ngoài vào Mỹ.

Tháng 10-2001, thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu tôi phải quay trở lại Mỹ để vận động Washington đón phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan để hai bên trao đổi công hàm về BTA.

Dù làm đại sứ ở Mỹ gần 9 năm, nhưng khi trở lại Mỹ tôi bị họ khám xét an ninh đến 6 lần. Lúc đó phó đại sứ Phạm Bình Minh (nay là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao) ra đón tôi và cho biết phía Mỹ vẫn chưa có thông báo về chương trình làm việc về BTA. Thông tin cho thấy việc trao đổi công hàm xét theo tình hình lúc đó là bất khả thi.

Vì BTA có ý nghĩa kinh tế rất quan trọng với Việt Nam, giúp giảm thuế các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ, đa dạng hóa mặt hàng nên tôi gọi điện cho thượng nghị sĩ John McCain trình bày về việc này. Ông ấy trấn an ngay: “Ông đại sứ cứ yên tâm. Tôi sẽ gọi điện ngay cho ông Colin Powell, bảo ông ấy gặp ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Vũ Khoan”.

Ngày 10-12-2001 (giờ Mỹ), bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan và đại diện thương mại Mỹ Robert Zoellick tại Washington đã trao đổi thư phê chuẩn BTA, xác nhận BTA chính thức có hiệu lực.

Chuyến thăm Việt Nam kết hợp tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) của tổng thống George Bush vào tháng 11-2006 giúp mở ra cánh cửa hội nhập kinh tế quốc tế cho Việt Nam.

Để đủ điều kiện gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam cần Quốc hội Mỹ phải thông qua Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) nên nhân chuyến thăm của tổng thống George Bush, Việt Nam muốn thương lượng với Mỹ cho Việt Nam hưởng PNTR. PNTR và WTO giúp VN thúc đẩy quan hệ kinh tế, trong khi việc tổ chức thành công Cấp cao APEC giúp vị thế Việt Nam tăng lên rất cao trên trường quốc tế.

* Ông kỳ vọng gì về chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama và tổng thống kế nhiệm đối với quan hệ Việt - Mỹ?

- Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam khi Việt Nam và Mỹ có nền tảng quan hệ rất cao là mối quan hệ đối tác toàn diện và quan hệ thương mại rất lớn, lên tới 45 tỉ USD.

Có nhiều người hỏi liệu ông Obama có phải làm gì nữa không, có cần thiết phải đi thăm không? Tôi cho rằng luôn có động lực phát triển cho quan hệ Việt - Mỹ.

Nước Mỹ hiện nay đối diện với nhiều thách thức to lớn. Trung Quốc và Nga đòi thay đổi luật lệ quốc tế, muốn thách thức vị trí số 1 của Mỹ. Mỹ còn gặp khó khăn như vấn đề chống khủng bố, những cuộc khủng hoảng tại Iraq, Syria, Libya, Trung Đông, Trung Á, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Iran...

Do vậy, dù vẫn là cường quốc số 1 thế giới nhưng một mình Mỹ không thể đối phó được trên nhiều mặt trận. Vì vậy Mỹ rất cần tăng cường quan hệ với các đối tác và đồng minh.

Mỹ quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương thể hiện qua chính sách tái cân bằng nhưng bị một số nước thách thức, rõ ràng nhất là Trung Quốc. Do đó, chuyện Mỹ tập hợp lực lượng đối trọng với những thách thức trên toàn cầu, đối với Đông Nam Á và Biển Đông rất là quan trọng.

Phía Việt Nam, chúng ta cũng đang đổi mới, phát triển kinh tế. Chúng ta đang rất cần đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nâng nền kinh tế Việt Nam phát triển lên mức độ tăng trưởng GDP cao ở mức 7% mỗi năm để chúng ta vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình.

Nếu muốn như thế chúng ta phải tìm đối tác, đó là những đối tác rất quan trọng gồm 12 nước thành viên trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mới đây, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel khẳng định phía Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện TPP, cho thấy cam kết của người Mỹ. Chúng ta phải cố gắng cho TPP thành công.

Rõ ràng, di sản mà ông Obama để lại cho thế hệ sau ở cả hai nước là tập hợp lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương mà trung tâm của nó chính là TPP.

APEC với 21 thành viên chỉ là một tổ chức lỏng lẻo và không có ràng buộc. TPP có tính ràng buộc và có ý nghĩa lớn hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng khi đời sau nhìn đến di sản của ông Obama, nhiều người sẽ cho rằng ông ấy có tầm nhìn xa trông rộng khi theo đuổi TPP.

Tôi kỳ vọng chuyến thăm Việt Nam của ông Obama sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Rõ ràng là khi quyền lợi hai nước trùng hợp với nhau và cùng bị thách thức thì hai nước sẽ xích lại gần nhau. Lúc đó, ai muốn ngăn thì cũng không ngăn được, lừng chừng không muốn đi cũng sẽ bị đẩy tới.

Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao và cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Bàng tại hội thảo kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ ở Hà Nội đầu năm 2015 - Ảnh: Ng.Khánh
Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao và cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Bàng tại hội thảo kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ ở Hà Nội đầu năm 2015 - Ảnh: Ng.Khánh

Ăn trưa với trùm tình báo Mỹ

Cách đây hai tuần, tôi có bữa ăn trưa thân mật với ông James Clapper, giám đốc tình báo quốc gia (DNI) của Mỹ, sang tiền trạm cho chuyến thăm của ông Obama.

Ông ấy có hỏi tôi: “Ông đại sứ muốn chúng tôi làm gì?”, tôi liền nói với ông ấy rằng: “Là một người dân Việt Nam, chúng tôi rất bức xúc về tình hình trên biển. Hiện có hành động của một số nước đang có manh nha chiếm thêm những đảo khác. Chúng tôi nghĩ Mỹ có thể giúp ngăn chặn việc này”.

Vấn đề của Việt Nam là bảo đảm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Người dân cũng luôn quan tâm, hỏi vấn đề Biển Đông, biển đảo ra sao. Dân ta đánh cá thì thường xuyên bị đe dọa và ngăn cản.

Vấn đề chủ quyền của chúng ta và chủ quyền biển đảo đang bị thách thức, ảnh hưởng đến kinh tế và chính trị. Con cháu chúng ta có nguy cơ mất lãnh thổ cả trên không cũng như dưới biển. Thuyền bè con cháu chúng ta sẽ không ra khơi được nếu bây giờ chúng ta không đấu tranh...

QUỲNH TRUNG - THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên