Ngày 22-6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi nhậm chức.
Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ông Yoon đến trên cương vị mới, cho thấy sự coi trọng của Seoul với mối quan hệ này.
Gắn kết giữa con người
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí Việt Nam trước chuyến thăm, Tổng thống Yoon Suk Yeol chia sẻ chuyến đi lần này còn có ý nghĩa đặc biệt với ông về mặt cá nhân. Bởi cha ông, một giáo sư kinh tế, đã rất tin là giao lưu nhân dân giữa hai nước sẽ có tác động tích cực tới quan hệ song phương.
Năm 1993, chỉ một năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ, chính cha ông đã hỗ trợ các sinh viên Việt Nam sang Hàn Quốc du học tại Trường quốc tế học thuộc Đại học Yonsei.
Sau 30 năm, nhờ nỗ lực của cả hai bên, giao lưu nhân dân giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng. "Phở và cà phê Việt Nam giờ đã thành một phần quen thuộc trong cuộc sống thường nhật của người dân Hàn Quốc", ông Yoon chia sẻ.
Hiện có khoảng 170.000 người Hàn Quốc đang sống ở Việt Nam. Đây cũng là quy mô cộng đồng Hàn Quốc lớn nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á.
"Kể từ sau khi Hoàng tử Lý Long Tường, hậu duệ của nhà Lý ở Việt Nam, đến Cao Ly, Việt Nam và Hàn Quốc đã duy trì "quan hệ thông gia" trong suốt 800 năm qua. Giờ đây, không có gì là thái quá khi nói chúng ta là người một nhà", Tổng thống Yoon bày tỏ.
Hiện có khoảng 6.500 gia đình Hàn - Việt tại Việt Nam và trên 80.000 gia đình Hàn - Việt sinh sống tại Hàn Quốc. Những gia đình đa văn hóa này, theo TS Huỳnh Tâm Sáng (Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM), đã trở thành các "sứ giả ngoại giao công chúng", góp phần thắt chặt quan hệ song phương.
Theo giới quan sát, ngoài mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế, chuyến thăm của Tổng thống Yoon còn nhằm tạo dựng quan hệ cá nhân tin cậy với lãnh đạo Việt Nam. Điều này đặc biệt quan trọng sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào cuối năm 2022.
Không chỉ là kinh tế
Trong bài viết ngày 22-6, tờ Korea Herald nói về những kỳ vọng mà phái đoàn 205 doanh nghiệp Hàn Quốc mang theo khi tháp tùng ông Yoon sang Việt Nam. Một sự kiện lớn quy tụ các doanh nghiệp hàng đầu hai nước diễn ra hôm nay 23-6, được kỳ vọng sẽ chứng kiến những thỏa thuận tỉ USD được ký kết và trao tay.
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc, chỉ sau hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Lãnh đạo hai bên đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỉ USD trong năm nay, tăng khoảng 13 tỉ USD so với năm 2022. Và sự quan tâm của Hàn Quốc với Việt Nam không chỉ là kinh tế.
Tổng thống Yoon khẳng định Việt Nam là trọng tâm trong các chính sách đối ngoại của Hàn Quốc tại khu vực. Năm ngoái, chính quyền của ông đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và "Tầm nhìn Hàn Quốc về quốc gia chủ chốt toàn cầu".
Trong hội nghị cấp cao Hàn Quốc - ASEAN tại Campuchia tháng 11-2022, Tổng thống Yoon cũng công bố "Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc - ASEAN".
Việc chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên tại Đông Nam Á là một phần trong nỗ lực triển khai sáng kiến và chiến lược nói trên. Việt Nam được nhiều nước xem là cầu nối với Đông Nam Á vì có tiếng nói và đóng góp, đề xuất trong nhiều vấn đề.
Đối với Hàn Quốc, Việt Nam còn có vai trò quan trọng hơn khi đang là nước giữ vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN - Hàn Quốc nhiệm kỳ 2021 - 2024.
Lễ đón chính thức Tổng thống Hàn Quốc
Hôm nay 23-6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì lễ đón chính thức và hội đàm với Tổng thống Yoon Suk Yeol. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng sẽ có các cuộc hội kiến với lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam.
Ngày 22-6, thông báo về chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Yoon Suk Yeol và phu nhân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh "quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay".
Đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho biết trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc, lãnh đạo hai nước sẽ tập trung trao đổi các biện pháp lớn nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế, mở rộng đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận