09/03/2018 16:47 GMT+7

Quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ: hợp tác và nhiều triển vọng

QUỲNH TRUNG thực hiện
QUỲNH TRUNG thực hiện

TTO - TS Trần Việt Thái, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao, cho biết về quan hệ quốc phòng, Việt Nam và Mỹ vẫn còn rất nhiều dư địa và triển vọng.

Quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ: hợp tác và nhiều triển vọng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tươi cười bắt tay với người đồng cấp Việt Nam - đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trong chuyến thăm Việt Nam tháng 1-2018 - Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Trần Việt Thái, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao, cho rằng chuyến thăm hữu nghị của tàu sân bay USS Carl Vinson đến Việt Nam sẽ thúc đẩy quan hệ quốc phòng hai nước, phục vụ lợi ích chung không chỉ của hai bên mà cho cả khu vực.

* Ông đánh giá thế nào về quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ sau khi hai bên bình thường hóa quan hệ năm 1995?

- TS Trần Việt Thái: Đầu tiên, phải khẳng định rõ quan hệ quốc phòng không thể tách riêng khỏi quan hệ song phương. Giai đoạn 10 năm đầu sau bình thường hóa, quan hệ Việt - Mỹ phát triển tương đối chậm, chủ yếu là do nghi kỵ và các vấn đề lịch sử để lại. 

Bối cảnh thế giới và khu vực lúc đó cũng không thuận lợi để thúc đẩy quan hệ. Lúc đó Mỹ đặt ưu tiên cao chống khủng bố sau sự kiện 11-9.

Giai đoạn này hai bên đã có hợp tác quốc phòng rồi nhưng rất là ít, chủ yếu tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, lắp chân tay giả cho thương binh và các dự án quy mô nhỏ khác.

Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen năm 2000 và chuyến thăm Lầu Năm Góc của Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà năm 2003 bắt đầu tạo ra sức bật mới.

Quan hệ quốc phòng hai bên thực sự được "khơi thông" trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải vào năm 2005. Ông Khải là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Mỹ sau chiến tranh.

Trong chuyến đi đó, Việt Nam thống nhất sẽ tham gia chương trình Giáo dục đào tạo quân sự quốc tế (IMET). Sau 2005, Việt Nam mới bắt đầu tham gia vào chương trình đào tạo, nhưng chủ yếu là các chương trình "ít nhạy cảm" như dạy tiếng Anh.

Dù vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải đã thiết lập một bước tiến quan trọng, giúp củng cố lòng tin chính trị và đối thoại, hiểu biết lẫn nhau, tạo nền móng quan trọng để hai bên thúc đẩy quan hệ.

Nếu nhìn lại giai đoạn đầu từ 1995-2005 thì hai bên mới đạt được nền móng cho quan hệ hợp tác an ninh - quốc phòng. Nhưng hợp tác lúc đó vẫn còn sơ khai, chưa thực chất và chưa đi vào chiều sâu.

Quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ: hợp tác và nhiều triển vọng - Ảnh 2.

Tiến sĩ Trần Việt Thái - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Chính sách quốc phòng hiện nay của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Hiện đại hóa quốc phòng là điều đương nhiên đối với bất cứ quốc gia nào

TS Trần Việt Thái

* Có vẻ như quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ tiến triển khá chậm vì mãi đến năm 2011, hai bên mới ký được biên bản ghi nhớ với năm lĩnh vực hợp tác. Bốn năm sau đó mới nâng cấp bản ghi nhớ thành Tuyên bố về tầm nhìn chung?

- Cho đến năm 2009, Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền và sau cuộc chiến chống khủng bố kéo dài đến gần một thập kỷ, Mỹ mới chuyển sang chính sách Tái cân bằng châu Á và tình hình mới bắt đầu thay đổi.

Sau hơn 15 năm, lòng tin Việt - Mỹ được củng cố hơn, lợi ích ngày càng đan xen, sự nghi kỵ giảm dần, khuôn khổ hợp tác ngày càng đa dạng và phát triển. 

Trong chính sách Tái cân bằng châu Á, Mỹ xác định khu vực Thái Bình Dương là trọng tâm và Việt Nam nổi lên thành một đối tác quan trọng của Mỹ. Do vậy, lúc này là thời điểm chín muồi để thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ sâu sắc hơn.

Năm 2009, Mỹ bắt đầu đưa các đoàn học giả, chuyên gia, quan chức vào Việt Nam để thúc đẩy quan hệ và tìm hiểu. Ngược lại, Việt Nam cũng thúc đẩy các chuyến thăm.

Năm 2011 do Mỹ điều chỉnh chính sách và nhu cầu hợp tác hai bên ngày càng tăng, hai bên đã đạt được Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác quốc phòng (tháng 9-2011) xác định năm lĩnh vực thúc đẩy hợp tác quốc phòng gồm: hợp tác an ninh hàng hải; hợp tác tìm kiếm cứu nạn; các hoạt động gìn giữ hòa bình; nhân đạo và cứu trợ thiên tai; hợp tác giữa các trường đại học quốc phòng và các viện nghiên cứu.

MoU là bước tiến lớn đánh dấu lần đầu tiên hai nước Việt - Mỹ định hình chính thức khuôn khổ hợp tác rõ ràng. Mặc dù chỉ ở hình thức biên bản ghi nhớ có mức độ ràng buộc pháp lý thấp nhưng đó là một mốc định hướng rất quan trọng.

Năm 2013 chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên mới ra tuyên bố chung xác lập quan hệ đối tác toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để quan hệ hai bên đi vào thực chất, kể cả trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Biên bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng ký năm 2011 chính thức được nâng lên thành Tuyên bố về tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter.

* Nhiều ý kiến cho rằng chuyến thăm lịch sử đến vịnh Cam Ranh năm 2012 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta chứng tỏ Mỹ vẫn còn rất quan tâm đến Cam Ranh, ông nghĩ thế nào?

- Thật ra chuyện ông ấy đến thăm Cam Ranh chỉ có ý nghĩa tượng trưng vì Việt Nam đã chủ trương mở một phần Cam Ranh cho tất cả các bên từ lâu rồi, biến nó thành một cảng dân sự, thương mại quốc tế.

Nơi mà ông Panetta thăm ở vịnh Cam Ranh chỉ là khu vực dân sự. Đó là một chỉ dấu cho thấy Mỹ hoan nghênh Việt Nam mở Cam Ranh thành một cảng quốc tế. Những động thái đó phù hợp với lợi ích quốc gia của cả Việt Nam và Mỹ, góp phần vào hòa bình, ổn định trong khu vực.

* Tàu sân bay USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng được coi là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ ở Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn cho quan hệ quốc phòng hai nước. Ông có đồng ý với ý kiến này?

- Đây là chuyến thăm có dấu mốc quan trọng. Kể từ sau năm 1975, đây là lần đầu tiên Mỹ quy tụ đông đảo quân nhân đến thăm Việt Nam. Chuyến thăm này cho thấy triển vọng hợp tác quốc phòng giữa hai nước vẫn còn rất lớn và ý nghĩa cũng rất quan trọng, phản ánh quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển.

Về mặt song phương, chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ giúp hai nước củng cố lòng tin để vượt qua những trở ngại trong quá khứ. 

Còn về đa phương, chuyến thăm chuyển đi thông điệp: Biển Đông là một khu vực mở và năng động, tất cả các bên đều có lợi ích ở Biển Đông và có nghĩa vụ tôn trọng tự do, an ninh hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực này.

tiem kich

Dàn máy bay tiêm kích trên boong tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

* Ông nhận xét gì về những thông tin cho rằng Việt Nam quan tâm đến việc mua một số vũ khí Mỹ như máy bay chống ngầm P-3 Orion?

- Thông tin này theo tôi biết là chưa được kiểm chứng, ngay cả Bộ Quốc phòng cũng chưa kiểm chứng. Việc mua vũ khí của Mỹ không phải là đơn giản, phải trải qua nhiều quy trình, thủ tục phức tạp.

QUỲNH TRUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên