25/10/2021 15:02 GMT+7

Quân đội Sudan bắt giữ hàng loạt lãnh đạo dân sự

BẢO DUY - HỒNG VÂN
BẢO DUY - HỒNG VÂN

TTO - Ngày 25-10, một nhóm người có vũ trang đã xông vào dinh thủ tướng và bắt giữ hàng loạt quan chức cấp cao Sudan sau nhiều tuần căng thẳng giữa quân đội với các quan chức dân sự trong chính phủ chuyển tiếp.

Quân đội Sudan bắt giữ hàng loạt lãnh đạo dân sự - Ảnh 1.

Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok - Ảnh: REUTERS

Trong thông báo ngày 25-10, Bộ Thông tin Sudan cáo buộc "các lực lượng liên quân" đứng sau hành động mà họ gọi là "đảo chính". 

Không có bình luận ngay lập tức từ quân đội, trong khi đó có thông tin nói họ đang buộc Thủ tướng Abdalla Hamdok ra tuyên bố "ủng hộ đảo chính". 

Truyền hình nhà nước Sudan vẫn chưa đưa tin về sự việc nhưng đã phát các bài hát yêu nước sau khi thông tin "đảo chính" xuất hiện trên Facebook.

Thủ tướng Hamdok được cho là đang bị quân đội quản thúc tại gia trong lúc hầu hết các bộ trưởng dân sự bị áp giải tới một điểm bí mật. 

Một nguồn tin của Hãng tin Reuters cho biết quân đội và lực lượng bán quân sự đã chốt chặn nhiều con đường ở thủ đô Khartoum.

Theo phóng viên của AFP tại Sudan, mạng Internet đã bị cắt trên toàn quốc sau khi nhiều người xuống đường biểu tình phản đối "đảo chính" bằng việc đốt lốp (vỏ) xe và chặn đường. 

Kênh truyền hình al-Arabiya có trụ sở tại Dubai (UAE) cho biết sân bay quốc tế Khartoum đã bị đóng cửa, buộc toàn bộ chuyến bay đến và đi phải tạm dừng.

Người dân thủ đô Khartoum của Sudan tập trung trên đường phố và đốt lốp xe ngày 25-10 - Nguồn: TWITTER

Sudan, quốc gia châu Phi nằm ở phía nam Ai Cập và giáp Biển Đỏ ở hướng đông bắc, liên tục trong tình trạng bất ổn thời gian qua.

Quá trình chuyển tiếp chính trị tại Sudan không suôn sẻ do chia rẽ chính trị và tranh giành quyền lực kể từ khi tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ vào tháng 4-2019. Theo thỏa hiệp của các bên, quốc gia này được chính quyền quân sự - dân sự lãnh đạo cho đến cuộc bầu cử năm 2023.

Tuy nhiên, hai nhánh này liên tục cạnh tranh và triệt tiêu ảnh hưởng lẫn nhau khiến nền chính trị Sudan thêm rối ren. 

Tháng trước, một âm mưu đảo chính thất bại đã làm trầm trọng hơn mối quan hệ vốn tồi tệ giữa quân đội với các quan chức dân sự trong chính phủ chuyển tiếp.

Tuần trước, hàng chục ngàn người Sudan đã tuần hành ở một số thành phố để ủng hộ việc chuyển giao toàn bộ quyền lực cho dân thường, phản đối đưa đất nước trở lại thời kỳ quân trị. Trong số những người tham gia tuần hành có một số bộ trưởng dân sự, theo AFP.

Liên Hiệp Quốc,Mỹ, EU quan ngại về tình hình Sudan

Theo Hãng tin Reuters, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Sudan ông Volker Perthes cho biết Liên Hiệp Quốc quan ngại sâu sắc về thông tin về đảo chính đang diễn ra tại Sudan ngày 25-10 và ý đồ phá hoại quá trình chuyển đổi chính trị của đất nước.

Cùng ngày, Đặc phái viên Mỹ Jeffrey Feltman cho biết Mỹ quan ngại sâu sắc về việc quân đội tiếp quản chính phủ chuyển tiếp ở Sudan.

Josep Borrell, người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, cho biết đang theo dõi các sự kiện tại Sudan với sự quan tâm cao nhất. Ông viết trên Twitter khẳng định EU rất quan tâm đến các sự kiện đang diễn ra ở Sudan và kêu gọi tất cả các bên liên quan và đối tác khu vực theo dõi quá trình chuyển đổi chính trị ở đất nước này.

Liên đoàn Ả Rập cũng bày tỏ "quan ngại" trước những diễn biến ở Sudan sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo dân sự và các bộ trưởng trong chính phủ chuyển tiếp.

Tuyên bố của khối Ả Rập cho biết "Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Ahmed Aboul Gheit bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến ở Sudan", kêu gọi các bên tuân thủ thỏa thuận chia sẻ quyền lực hồi tháng 8-2019 sau khi tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ.

Sudan đã trải qua hàng chục năm bất ổn chính trị chưa có lối thoát. Quốc gia này rơi vào nội chiến năm 1955 khi khu vực miền nam đòi thêm quyền tự trị. Tiếng súng tạm ngưng vào năm 1972 nhưng lại bùng phát năm 1983 và kéo dài đến năm 2005 mới kết thúc.

Trong giai đoạn nội chiến Sudan lần hai, ông Omar al-Bashir tiến hành đảo chính và lên nắm quyền năm 1989, thiết lập một chế độ cai trị mà nhiều báo chí phương Tây gọi là "độc tài". Năm 2019, ông này bị quân đội lật đổ sau đợt biểu tình dài 4 tháng của dân chúng.

Nội chiến và bất ổn chính trị đã kìm hãm sự phát triển của Sudan. Theo Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, Sudan đứng thứ 170/189 quốc gia về Chỉ số phát triển con người. Tỉ lệ nghèo đói của nước này lên tới 65%, GDP bình quân đầu người chỉ 730 USD năm 2020.

Đảo chính bất thành ở Sudan, nhiều sĩ quan cấp cao bị bắt Đảo chính bất thành ở Sudan, nhiều sĩ quan cấp cao bị bắt

TTO - Truyền thông Nhà nước Sudan đưa tin chính quyền vừa chặn đứng một cuộc đảo chính vào đầu ngày 21-9 (giờ địa phương).

BẢO DUY - HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên