23/07/2022 09:06 GMT+7

Quân đội Nhật trước bước ngoặt lớn

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Chiến sự tại Ukraine và bối cảnh an ninh khu vực thay đổi đang đặt chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio trước bước ngoặt có thể làm thay đổi vĩnh viễn lực lượng vũ trang Nhật Bản kể từ hậu Thế chiến 2.

Quân đội Nhật trước bước ngoặt lớn - Ảnh 1.

Tàu sân bay trực thăng Izumo (DDH-183) và khu trục hạm Takanami (DD-110) của Nhật Bản diễn tập trên biển với khinh hạm Prairial (F-731) của Pháp - Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG PHÁP

Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản công bố ngày 22-7 cảnh báo các mối đe dọa an ninh quốc gia, từ hậu quả cuộc xung đột Nga - Ukraine, sự trỗi dậy của Trung Quốc đến chuỗi cung ứng công nghệ dễ bị tổn thương. 

Sách trắng cũng xác định Trung Quốc, Nga và Triều Tiên là những mối đe dọa chính với an ninh nước này.

Kế thừa di sản dang dở của ông Abe

Sách trắng cũng tạo thêm tiền đề cho chính quyền ông Kishida giải quyết một vấn đề nhạy cảm: chi tiêu quân sự của Nhật Bản thấp hơn tất cả các quốc gia khác trong G7, Úc và Hàn Quốc tính theo tỉ lệ phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tuần trước, Thủ tướng Kishida đã có một tuyên bố gây nhiều cảm xúc khi cam kết sẽ giải quyết "những vấn đề khó khăn" mà cố thủ tướng Abe Shinzo đã "dồn hết tâm huyết vào nhưng không thể thực hiện được". Đó là việc sửa đổi điều 9 Hiến pháp hòa bình Nhật Bản cũng như tăng chi tiêu quốc phòng.

Cuộc chiến ở Ukraine và các mối đe dọa quân sự gia tăng từ Trung Quốc, Triều Tiên đã khiến ông Kishida, người tự nhận là một thành viên theo chủ nghĩa tự do và ôn hòa của Đảng Dân chủ tự do (LDP), ngày càng cứng rắn hơn.

Chiến thắng của LDP trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản hôm 10-7 đã mở rộng cửa cho chương trình nghị sự của ông Kishida trong 3 năm nữa.

Trong bối cảnh đó, ngày càng có nhiều chỉ dấu cho thấy chính phủ của ông Kishida sẽ hiện thực hóa việc tăng ngân sách quốc phòng lên ít nhất 2% GDP như Đảng LDP cầm quyền mong muốn. 

Chẳng hạn vào tuần trước, Thủ tướng Kishida gây bất ngờ khi cam kết sẽ "tăng cường mạnh mẽ khả năng quốc phòng của Nhật Bản trong vòng 5 năm tới". Đây là lần đầu tiên ông đặt ra một thời gian biểu cụ thể cho chủ đề nhạy cảm như vậy.

Ngoài ra, nhiều tờ báo lớn của Nhật đồng loạt tiết lộ Bộ Quốc phòng nước này sẽ lần đầu tiên được miễn đề xuất số tiền cần thiết cho chi tiêu trong năm tài khóa bắt đầu từ tháng 4-2023.

Trả lời Tuổi Trẻ, Tiến sĩ Satoru Nagao (Viện Hudson, Mỹ) nhận định rằng quy mô của đợt tăng lần này sẽ không vượt mốc 2% do cách tiếp cận thận trọng của Thủ tướng Kishida. 

Xây dựng sự đồng thuận từ lâu đã là nguyên tắc của nhà lãnh đạo này, đặc biệt trong các vấn đề quan trọng và nhạy cảm. 

Việc tăng ngân sách quốc phòng theo hướng "chậm mà chắc" sẽ trấn an những người còn đang lo ngại và giúp tập trung vào một số dự án thay vì dàn trải.

Ý chí cá nhân của Thủ tướng Kishida Fumio sẽ góp phần không nhỏ vào việc tạo ra bước ngoặt cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Nhà lãnh đạo 65 tuổi từ lâu đã cố gắng thoát khỏi cái bóng của ông Abe, theo báo New York Times.

Nếu hiện thực hóa những điều ông Abe không thể làm, ông Kishida sẽ xây dựng được hình ảnh một nhà lãnh đạo vừa biết tôn trọng người đi trước bằng việc kế thừa các di sản dang dở vừa thể hiện được năng lực và tạo khác biệt.

Lo chạy đua vũ trang

Trong một cuộc thăm dò vào tháng 2-2022 do Nikkei và TV Tokyo thực hiện, 77% người Nhật được hỏi bày tỏ lo ngại rằng hành động của Nga với Ukraine có thể truyền cảm hứng cho các đối thủ của Nhật Bản tại khu vực. 

Cuộc khảo sát vào cuối tháng 6 của Kyodo News cho thấy có 47,8% cử tri ủng hộ mở rộng ngân sách quốc phòng, cao hơn khoảng 2 điểm phần trăm số người muốn giữ nguyên hoặc cắt giảm.

Điều này thực sự có ý nghĩa xét tới việc người Nhật đã trải qua hàng chục năm sống dưới Hiến pháp hòa bình do Mỹ soạn thảo. Rất nhiều người từng lo lắng sự trở lại của bóng ma quân phiệt nay lần đầu tiên cảm thấy đã tới lúc Lực lượng Phòng vệ Nhật nên có khả năng "phản công tầm xa" vì mục đích răn đe.

"Đây là bước ngoặt lớn đối với Nhật Bản, nhưng là bước ngoặt vừa phải đối với thế giới. Kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine, người Nhật bắt đầu hiểu khả năng phòng thủ quan trọng như thế nào. Và trong trường hợp này, Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận về việc họ sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên bao nhiêu", tiến sĩ Nagao nói với Tuổi Trẻ.

Khi được hỏi liệu động thái của Nhật có khởi động một cuộc chạy đua vũ trang, ông Nagao cho rằng Bắc Kinh mới là nước khởi xướng và Tokyo chỉ đang cố gắng bắt kịp. "Chúng ta đã bước vào một cuộc chạy đua vũ trang rồi và Trung Quốc đang tạm đi đầu", nhà nghiên cứu người Nhật nêu quan điểm.

"Nhật Bản sẽ công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới vào cuối năm nay và đang có kế hoạch sở hữu khả năng phản công tầm xa. Có khả năng nước này sẽ sở hữu tên lửa tầm xa phóng từ tàu ngầm. Nếu Tokyo sử dụng tiền một cách hiệu quả thì quy mô ngân sách sẽ không trở thành vấn đề với nước này, song cán cân quân sự tại khu vực sẽ thay đổi", tiến sĩ Nagao cho biết.

Trung Quốc phản đối

Trong cuộc họp báo ngày 22-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phản đối sách trắng quốc phòng mới của Nhật Bản, cho rằng tài liệu này đưa ra những cáo buộc và bôi nhọ chính sách quốc phòng, phát triển kinh tế thị trường cũng như các hoạt động hàng hải hợp pháp của Trung Quốc.

Theo ông Uông, sách trắng của Nhật đã "phóng đại cái gọi là mối đe dọa của Trung Quốc" và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc khi nhắc đến Đài Loan.

Nhật Bản quan ngại chiến lược mở rộng quân đội của Trung Quốc Nhật Bản quan ngại chiến lược mở rộng quân đội của Trung Quốc

TTO - Nhật Bản ngày 17-6 nói chiến lược mở rộng nhanh chóng của quân đội Trung Quốc rất đáng quan ngại, đòi hỏi Mỹ, châu Âu và các quốc gia châu Á khác phải hợp tác để đối đầu.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên