Phóng to |
Cảnh sát Trung Quốc tuần tra trên đường phố Lhasa, Tây Tạng - Ảnh: Global Times |
Tờ báo này viết chính quyền khu tự trị Tây Tạng đã được lệnh phải sẵn sàng cho một “cuộc chiến tranh chống lại chủ nghĩa ly khai” và phải nhận thức “tình hình nghiêm trọng”, đặc biệt là trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18.
Liên tục trong những ngày qua, truyền thông Trung Quốc đã nhấn mạnh đến việc cần tăng cường an ninh ở Tây Tạng “trong thời gian nhạy cảm này”. Cũng chưa bao giờ giới quan chức và học giả Trung Quốc lại lên tiếng quan ngại về tình hình Tây Tạng nhiều như lúc này, dù rằng “cuộc chiến chống lại những người theo Đạt Lai Lạt Ma là một cuộc chiến trường kỳ, phức tạp và gay gắt” như Nhật Báo Tây Tạng dẫn lời Bí thư Đảng ủy Tây Tạng Trần Toàn Quốc nhìn nhận.
Tháng 3 “nhạy cảm”
Báo chí Trung Quốc cảnh báo tháng 3 là “tháng nhạy cảm ở Tây Tạng”. Từ năm 1959 đến nay các vụ bạo động ở Tây Tạng thường rơi vào tháng 3. Ngày 14-3-2008 đã xảy ra cuộc bạo động đẫm máu ở thủ phủ Lhasa, rồi lan rộng sang các khu vực người Tạng sinh sống, làm 19 người chết và hủy hoại nhiều nhà cửa, cơ sở kinh doanh và tài sản của dân địa phương.
Ông Trần Toàn Quốc, như Tân Hoa xã cho biết, mới đây đã ra lệnh cách chức bốn quan chức địa phương ở huyện Đinh Thanh do đã bỏ nhiệm sở 14 ngày trong tháng 1-2012. “Phải xử nghiêm các quan chức địa phương đã có hành vi vô trách nhiệm trong lúc Tây Tạng đang căng thẳng” - ông Trần nhấn mạnh.
Ông cũng yêu cầu quan chức các địa phương ở Tây Tạng phải đảm bảo giải quyết ngay lập tức các tình huống khẩn cấp. Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời quan chức ở trung ương cho biết chính quyền Bắc Kinh đang tăng cường an ninh vào thời điểm này do có tin các nhóm ly khai ở Tây Tạng sẽ thực hiện một số hoạt động phá hoại trước thềm năm mới của người Tây Tạng vào ngày 22-2.
Bí thư Ủy ban chính pháp Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, như Tân Hoa xã dẫn lời, khẳng định: “Vấn đề Tây Tạng liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc kiên quyết trừng phạt các hành động ly khai đòi độc lập cho Tây Tạng”.
Lo ngại bạo động lan rộng
Tình hình Tây Tạng đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan và dẫn đến bùng nổ. “Có năm khu vực người Tạng sinh sống ở Trung Quốc gồm Tây Tạng, Thanh Hải, Cam Túc, Tứ Xuyên và Vân Nam. Sự hỗn loạn trong một khu vực có thể gây ảnh hưởng liên hoàn đến các khu vực khác” - giáo sư Đại học Dân tộc Trung Quốc Hùng Khôn lo ngại.
Ông cho rằng việc Trung Quốc tăng cường an ninh có thể liên quan đến một loạt vụ tự thiêu trong các khu vực người Tạng sinh sống ở Tứ Xuyên và Thanh Hải trong thời gian gần đây.
Liên tục trong những ngày đầu năm 2012 đã xuất hiện những vụ bạo động và tự thiêu ở các khu vực của người Tây Tạng. Từ tháng 3-2011 đến nay có ít nhất 16 người Tây Tạng tự thiêu. Bắc Kinh đã xác nhận có xảy ra một số vụ người Tạng tự thiêu để phản đối chính quyền, nhưng cho rằng những người này là “khủng bố” hay “bị các thế lực bên ngoài xúi giục”. Trong khi đó, cộng đồng người Tây Tạng ngoài Trung Quốc lại cáo buộc chính quyền Bắc Kinh đàn áp và phá hủy văn hóa Tây Tạng.
Thống kê mới nhất cho biết các cuộc bạo động ở Tây Tạng có chiều hướng gia tăng. Trong tháng 1-2012, ít nhất hai nhà sư Tây Tạng đã tấn công vào các đồn cảnh sát trong khu vực người Tạng sinh sống ở Tứ Xuyên làm hai người chết và hàng chục người bị thương.
Ngày 25-1, Tân Hoa xã đưa tin cảnh sát tại huyện Sắc Đạt (Tứ Xuyên) đã bắn chết một người và bắt giữ 13 người trong cuộc xung đột. Khoảng 100 người dân tộc Tạng cầm vũ khí tấn công đồn cảnh sát Thành Quan, làm 14 nhân viên công lực bị thương và buộc lực lượng an ninh phải nổ súng. Trước đó một ngày, đụng độ đã xảy ra tại huyện Lư Hoắc.
Tân Hoa xã dẫn lời các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Tây Tạng ở Tứ Xuyên nói rằng hai vụ “tấn công” ở tỉnh này là “bạo lực có sắp xếp và tổ chức từ trước”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cáo buộc các vụ việc trên là do “các tổ chức ly khai ở nước ngoài” đang cố làm mất uy tín của Bắc Kinh. Ngày 8-2, thêm một nhà sư đã tự thiêu ở khu vực Aba (Tứ Xuyên).
Nhật báo Cam Tư dẫn lời Bí thư Đảng ủy huyện Cam Tư Lưu Đạo Bình nhận định Trung Quốc đang đứng trước những thách thức lớn trong việc duy trì ổn định ở các khu người Tạng sinh sống do nhóm ly khai Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố sẽ cung cấp tài chính cho “một cuộc chiến quyết định”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận