Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Formosa làm ô nhiễm môi trường gây ra nhiều hệ lụy xấu khác - Ảnh: L.K. |
“Đất nước chúng ta đứng trước thử thách rất lớn về thực trạng tiếp nhận công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu. Tôi lấy ví dụ từ vụ Formosa, từ việc gây ô nhiễm môi trường bây giờ dẫn dến nhiều hệ lụy khác, đặc biệt là vấn đề an ninh, trật tự xã hội” - Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lên tiếng.
Theo ông Lưu, cần phải phân tích rõ nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này. “Phải chăng là do luật hay do quản lý chưa tốt? Nhận thức của cá nhân tôi thì có cả hai nguyên nhân, cả luật pháp và quản lý nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu” - ông Lưu phân tích.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị “làm cái luật này phải giải quyết được những vấn đề như vậy. Cần quy định rõ các điều cấm: lĩnh vực nào, công nghệ nào thì cấm nhập khẩu, cấm lưu hành ở VN”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lên tiếng: “Qua vụ Formosa chúng ta phải nghĩ đến công nghệ xử lý môi trường. Sáng nay tôi nghe đài nói rằng Nhà máy Lee & Man ở Hậu Giang nếu hoạt động thì mỗi ngày lấy 20.000m2 nước sông Hậu, thải ra cũng gần 20.000m2 nước nhưng chỉ xử lý được khoảng 20%, số còn lại thải ra môi trường không sạch như nước sông khi lấy vào”.
Từ những ví dụ trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải đặt ra vấn đề quản lý, kiểm soát công nghệ, vai trò và trách nhiệm của cơ quan nhà nước. “Tất cả những gì cụ thể hóa được trong luật thì phải cụ thể hóa” - bà Ngân nói.
Trước đó, trình bày tờ trình dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Chu Ngọc Anh nêu một trong những vấn đề mới là: “Nhà nước cần dành sự quan tâm đặc biệt đến hệ thống thống kê, giám sát và quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ thay vì các phương thức truyền thống. Tư duy hoạch định chính sách về chuyển giao công nghệ cũng cần được đổi mới mới bắt nhịp được với các thay đổi không ngừng của đời sống công nghệ, với làn sóng công nghệ mới, công nghệ cao có tầm ảnh hưởng xuyên quốc gia, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh”.
Ông Chu Ngọc Anh thừa nhận “qua vụ Formosa thì hàng loạt vấn đề phải xem xét. Ví dụ Luật đầu tư chúng ta mở ra và quy định hậu kiểm, Luật bảo vệ môi trường quy định đánh giá tác động môi trường thì chúng ta phải xem xét lại”.
Cho rằng dự án luật chưa đáp ứng được những vấn đề đặt ra (trong khi Chính phủ chỉ đề nghị sửa đổi, bổ sung có 16 điều), Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để trình xin ý kiến Quốc hội xem xét tại hai kỳ họp chứ không thể thông qua vội vàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận