10/05/2009 19:03 GMT+7

Quà tặng mẹ: không gì hơn là lòng hiếu thảo của con

B.D.
B.D.

TTO - "Tặng mẹ, con nghĩ mãi không biết tặng gì cho đặng... bởi giản đơn mẹ đã tặng con món quà vĩ đại là cả một cuộc đời"! Hầu hết trong gần 100 email gửi về tham dự nội dung viết Món quà tặng mẹ của Tuổi Trẻ Online trong một tuần qua đều có những lời kết như vậy...

HykvJyFQ.jpgPhóng to

Món quà đầu tiên tặng mẹ của không ít bạn trẻ là một chuyến đi du lịch. Nghe có vẻ "bình dân" khi mà chuyến đi ấy cũng chỉ đến những nơi tưởng chừng quá quen thuộc như Vũng Tàu, Đà Lạt. Nhưng thật nồng ấm khi những chuyến đi ấy được thực hiện bằng đồng lương chắt chiu của những đứa con mới tốt nghiệp ra trường dành tặng mẹ mình - những người phụ nữ quanh năm lam lũ ruộng đồng, tần tảo hy sinh cho chồng cho con mà không mong một ngày an nhàn, thảnh thơi.

Hay có bạn tặng mẹ bằng một bài viết trên báo để thay lời nói: "cảm ơn mẹ vì con được sinh ra làm con của mẹ"... Người Việt Nam vốn ít bày tỏ tình cảm với đấng sinh thành dễ dàng qua những câu nói như "mẹ ơi, mẹ có biết là con thương mẹ không"... dẫu trong thẳm sâu lòng mình thì câu nói ấy luôn hiện diện từng phút từng giây. Chọn cách viết ra cũng là cách để mẹ con có thể cùng cảm nhận lời nói thiết tha ấy...

Nhưng rồi, đa phần thay vì được nhận quà tặng từ con thì người mẹ lại luôn chủ động tặng lại cho con những món quà - mà hẳn đứa con nào cũng thấy tim mình rưng rưng khi nghe mẹ nói: "con chính là món quà lớn nhất của má", "sự tự tin của con chính là món quà của mẹ", "chỉ cần con điện thoại về nhà thường xuyên đã là món quà mẹ mong đợi nhất rồi"... Mẹ của chúng ta nào mong đợi được tặng quà (dẫu đó là món quà vật chất hay tinh thần) bởi chính chúng ta - những đứa con do mẹ mang nặng đẻ đau, vất vả giáo dưỡng nên vóc nên hình đã là những món quà lớn nhất trong đời mẹ.

Vậy phải chăng món quà lớn nhất mà con cái có thể tặng cho mẹ chính là lòng hiếu thảo! Món quà ấy không cần đợi một dịp trọng đại nào để chúng ta có thể kính tặng mẹ. Bởi chỉ cần một câu hỏi thăm "hôm nay mẹ có khỏe không?", chỉ cần một bữa ăn sum họp gia đình, chỉ cần những cái nắn tay nắn chân cho mẹ lúc trái gió trở trời... đã là những món quà thấm đượm biết bao là tình mà người mẹ mong muốn được nhận.

Và đúng như ông bà ta đã dạy "Của cho không bằng cách cho", nếu hôm nay (10-5) trong Ngày của mẹ, bạn tặng cho mẹ của mình (và mẹ của người bạn yêu) những bó hoa tươi thắm, những món quà vật chất sang trọng mà 364 ngày còn lại của năm, bạn thờ ơ khi mẹ than đau mỏi, lạnh lùng khi mẹ hỏi han, cáu gắt khi có lần mẹ điện thoại "chiều nay con có về ăn cơm với gia đình không?"... thì những món quà kia chỉ là quà cho "có lệ" mà thôi...

...Chúng tôi xin được cảm ơn những bạn đọc đã gửi email đến chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về những món quà, cũng như cách tặng quà mà các bạn đã ấp ủ bằng cả tấm lòng để gửi đến mẹ. Cũng như, nhân Ngày của mẹ, xin kính chúc những bà mẹ trên thế giới này sẽ có trọn vẹn 365 ngày trong năm là ngày của mẹ với những yêu thương - kính trọng con cái luôn dành tặng đến mình.

Chuyên mục Món quà tặng mẹ xin khép lại, nhưng câu chuyện về tấm lòng hiếu thuận của con cái dành đến bậc sinh thành sẽ luôn nối dài trên Tuổi Trẻ Online tại chuyên mục viết Những lời của con, để chúng ta cùng nhau chia sẻ những ngọt ngào yêu thương mà cha mẹ - con cái viết nên từ những câu chuyện xúc động có thật giữa đời này.

--------------------------

Lời yêu dành tặng mẹ

DWjLRY8a.jpgPhóng to
Trong câu chuyện về gia đình mình, bố thường là người được con nhắc nhiều nhất với bạn bè. Có thể đó là hình mẫu về nửa kia con mãi kiếm tìm từ người đàn ông lý tưởng của mẹ: khẳng khái, hài hước, hết lòng thương yêu vợ con và trên hết là ý chí cầu tiến, học hỏi không ngừng. Thế nhưng mẹ biết mà…

Người đàn ông lý tưởng ấy cùng đàn con của mẹ sẽ mất phương hướng và làm mọi thứ rối tung lên khi mẹ vắng nhà.

Nếu hoa tiêu mẹ không khéo léo đưa người thuyền trưởng đi đúng hướng, có thể bây giờ chúng con đã không thể có một gia đình trọn vẹn, và cũng không thể nói “vì có bố mẹ hạnh phúc nên mình mới được như thế này”.

Và cũng nếu không có mẹ nhắc nhở, người hùng gần 70 bây giờ sẽ quên hết tình trạng sức khỏe của mình như thế nào nếu ngồi cả ngày mải mê với máy tính, với Internet cập nhật mọi thể loại thông tin.

Chẳng có thành tích gia đình nào không có bàn tay mẹ. Mẹ chỉ lặng thầm thế thôi với nụ cười ấm ấp, chẳng đòi hỏi bất cứ điều gì, kể cả những lời yêu cần phải nói. Đã bao lâu rồi mẹ nhỉ? Lúc mới chào đời, tiếng người đầu tiên mẹ nói “mẹ yêu con”, rồi con cũng ê a “mẹ” “bố” “yêu mẹ”, “yêu bố”.

Càng lớn cuốn từ điển ngôn từ ngày một dày, duy nhất dấu hiệu dẫn tới từ “yêu mẹ” con lại giấu kín và rồi đổ thừa “người Việt Nam mình trời phú cho tính cả thẹn di truyền, con cũng không là ngoại lệ. Nói lời yêu với những người thân trong gia đình sao mà khó”.

Và dù lời yêu giấu kín mẹ vẫn biết đứa con gái ngang bướng của mình khi vấp ngã cần sự chở che, vẫn gọi mẹ đầu tiên. “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt…” nên lâu lâu lại ngồi nhớ bữa cơm mẹ nấu, thèm nhổ tóc sâu và trêu mẹ “một mình mãi đâu phải lỗi của con, con đã công bố của hồi môn là được sở hữu một ông bố và một bà mẹ tuyệt vời rồi đấy chứ”!

Trêu mẹ vậy thôi nhưng lúc nào con cũng ngầm tự hào về của hồi môn đó. Và vì là con gái mẹ, nhất định sau này con cũng sẽ xây dựng được một gia đình như của mẹ.

Mẹ ơi, con yêu mẹ!

Con hạnh phúc khi là con của má

Thương gửi má Điệp của con

Dân gian cho rằng người thuộc “tứ hành xung” thường không hợp nhau. Tuy nhiên, con gái - tuổi Dần không biết sao lại rất hợp với má - tuổi Tỵ.

Nhớ lúc con chưa lập gia đình, hai má con thường đi chợ chung với nhau. Con xách giỏ theo má chỉ con mua trái cây thế nào cho ngon, lựa thịt cá thế nào cho tươi. Về nhà hai má con bày ra làm bếp, vừa nhặt rau, làm cá, vừa thủ thỉ biết bao chuyện trên trời dưới đất. Con say sưa kể cho má nghe chuyện học hành, bạn bè và tiết lộ cho má cả... thư của bạn trai gửi nữa.

Con thấy mình thật hạnh phúc vì có thể kể lể, thổ lộ với má mọi điều; dường như chẳng có khoảng cách nào giữa hai má con cả. Má lắng nghe và cho con những nhận xét, lời khuyên từng trải của người đi trước, giúp con nhận biết phải trái và vững vàng hơn trong cách đối nhân xử thế.

Ngày đưa con về nhà chồng, nhìn ánh mắt của má con hiểu lòng má đang buồn vui lẫn lộn. Má vui vì con gái đã tìm được bến bờ hạnh phúc, nhưng buồn vì không thể giữ con bên mình như lúc trước, thiếu đi một người cùng chia sẻ, bàn luận rôm rả với má về tin tức báo chí, cùng thức khuya coi bóng đá World Cup hay Euro với má, cùng má yêu đội Pháp với lối chơi hào hoa hay đội Đức với ý chí phi thường.

Khi trở thành một người mẹ, con dần cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu của má dành cho con. Con đã khóc òa khi nhìn thấy những mụt trái rạ nổi lên trên thân thể bé bỏng của con gái Cathy. Con ước gì mình có thể gánh được bệnh thay con, đau nhức, ngứa ngáy, sẹo lồi sẹo lõm ra sao cũng được, miễn là con mình được khỏe mạnh, lành lặn. Chắc người mẹ - má ngày xưa cũng không khác gì người mẹ - con ngày nay phải không má?

Hẳn má đã lo đến thắt tim khi nghe bác sĩ chẩn đoán con bị sốt xuất huyết ngày đó? Qua lời má kể con cũng có thể mường tượng cảnh má thức trắng để canh chừng con, sốt ruột đến muốn cự cãi với y tá khi không tìm được mạch để vô nước biển cho co,n hay chạy đôn chạy đáo tìm bác sĩ khi con đột ngột trở lạnh. Và chắc hẳn má cũng từng ước gì mình có thể gánh bệnh thay cho con...

Năm nay, má đã xấp xỉ 70 tuổi, ở xa con hơn nửa vòng trái đất. Trong chuyến về thăm ngoại năm vừa rồi, má bảo dạo này sao má yếu hơn trước, đi xa cảm giác mau mỏi mệt, không biết có đủ sức về thăm con cháu thường xuyên nữa không. Con giật mình... Thời gian cứ vô tình trôi qua, loay hoay với công việc và gia đình riêng nhiều lúc con thiếu chu toàn trong tình cảm dành cho má. Gọi điện sang trò chuyện với má, nghe má bảo trông tin con, con cảm giác mình thật có lỗi với má. Con sẽ cố gắng hơn, má đừng giận con nhé!

Nói sao cho hết những gì má đã cho con trong cuộc đời này. Má hãy nhận bài viết ngắn ngủi này như một lời tri ân con kính dành tặng má nhân Ngày của mẹ. Những câu chữ của con có thể chưa hay, chưa trau chuốt, nhưng thật lòng con muốn nói với má rằng: “Con hạnh phúc khi là con của má".

Thương má rất nhiều.

Hành trang con mang theo

Có ai nhận thấy bàn học của con gái cũng phức tạp không kém gì tính cách của các cô nàng không ? Nào là cái ảnh hồi còn sún răng được trưng bày kỹ trong cái khung thật xì-tin, nào là cái hộp đựng bút sắc màu chứa trong đó những thứ cũng màu mè không kém.

Cái bàn học của tôi cũng linh lắm thứ, có những “chiến lợi phẩm” thu được từ những mùa hè tình nguyện, có con gấu bông nhỏ của anh chàng nào đó tặng trong chuyến diễn văn nghệ của trường, cái hộp thủy tinh có hàng trăm ngôi sao lấp lánh và… một cái chén nhỏ bằng sành đã mẻ một góc trên vành miệng mà đứa bạn tôi chợt vô tình hỏi: “Mi sưu tập đồ cổ à ?”. Tôi đáp trả “ừ, giá bao nhiêu ta cũng không bán đâu, mi nhé !”

Hơn 20 năm trước, sống trên cái làng quê nghèo khó vất vả vùng đồng bằng miền Tây, nơi có những mùa lũ đỏ ngầu phù sa theo con sông Cửu Long cuồn cuộn đổ về, việc kiếm miếng cơm manh áo đã khó, huống chi chuyện nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Vậy mà mẹ tôi thì khác, cuộc sống đầy khó khăn không ngăn niềm tin trong tim người phụ nữ rằng con mình sẽ vào đại học, sẽ đi du học để sánh vai cùng bạn bè các nước, điều mà khi đó chưa ai trên mảnh đất ấy từng nghĩ đến.

Mẹ tôi đúng thật là người con gái xứ dừa Bến Tre, sở hữu bản lĩnh kiên cường của đất mẹ Đồng Khởi. Tay cày tay cuốc, thức khuya dậy sớm bán buôn, khi nuôi bầy gà ấp trứng, khi chăn đàn heo lớn nhỏ hơn cả chục con, mẹ đã làm không biết bao nhiêu việc, đổi nghề bao nhiêu lần để nuôi tôi khôn lớn.

Tháng năm mùa hến mẹ trầm mình dưới dòng sông khi trời còn khuya mịt, bắt từng rổ hến khi con nước chưa tràn về. Tháng năm, những con hến ngậm phù sa nên mập tròn làm ngọt nồi canh mướp. Bếp lửa bừng lên là lúc con chợt thức giấc, mẹ ôm con hôn nhẹ lên trán rồi ru con ngủ tiếp.

Phiên chợ sớm có gánh hến của mẹ tôi, dẫu vất vả nhưng mẹ yêu đời lắm, trong tiếng rao nghe cả tiếng cười “hến nguyên vỏ - một chén 20 đồng; hến vớt ruột 2000 đồng một chén, một chén hến ngon ngọt nồi canh chị ơi”. Cái chén sành bắt nguồn từ đấy.

Tan chợ mẹ về mang cho con nắm xôi. Cuối tuần mẹ thưởng cho con quyển sách khi con điểm mười. Tiền bán hến mẹ để dành ống heo cho con khi mùa tựu trường đến. Mẹ hay mua cho con bộ truyện cổ tích, những câu chuyện lúc nào cũng kết thúc bằng tiếng cười và niềm hạnh phúc.

Cấp III, con học trường tỉnh xa nhà, mẹ cũng không còn lội con nước để vớt hến khi tháng năm về. Trong căn phòng trọ con ôn bài mỗi tối, trên góc bàn học là cái chén sành. Con lên đại học, cái chén ấy cùng con thức những mùa thi.

Trong một bài thuyết trình với chủ đề “Hành trang bạn mang theo khi bước vào đời”, con đã khiến mọi người phải tò mò khi mở đầu bằng câu “hành trang tôi mang theo trong suốt cuộc đời là một cái chén nhỏ”. Con đi làm, bên chiếc laptop vẫn là cái chén cũ đặt cẩn thận trên cái đế bằng len có đính những vỏ sò, vỏ hến do chính tay mình làm.

Tháng năm, sinh nhật con. Con muốn tặng mẹ một món quà thật ý nghĩa, con ngồi thủ thỉ nhỏ to cùng mẹ để xem mẹ thích quà gì nhất. Linh cảm của người mẹ dường như nhận ra ngay ý nghĩ ấy. Mẹ tôi cười, nụ cười thật tươi với nhiều đường chân chim trên mắt “Là con - món quà vô giá của mẹ!”

Hôm nay con nhận được học bổng của một chương trình cao học quốc tế. Xa mẹ, xa quê hương, hành trang con mang theo không bao giờ thiếu cái chén nhỏ ấy. Cái chén ấy chứa niềm tin chưa bao giờ vụt tắt của mẹ, truyền cho con sự hăng say lao động và học hỏi, chứa cả ngọn lửa đam mê mà mẹ thắp cho con khi tháng năm về.

Con cảm ơn mẹ - “món quà của mẹ” sẽ lớn hơn, sẽ xanh hơn, xanh như màu hi vọng của bầu trời, như cái tên mẹ đặt cho con.

Con yêu mẹ!

B.D.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên