18/08/2017 16:49 GMT+7

​Qua Lào tìm cơ hội làm ăn

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt tới đất nước Triệu Voi để tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh. Họ hào hứng đón đầu sự phát triển của Lào, chấp nhận cạnh tranh để mang hàng Việt ra xứ người.

Doanh nghiệp nước giải khát Bidrico tham gia hội chợ tại Savannakhet và đã tìm được 4 đối tác ngay tại hội chợ này - Ảnh: M.HOA
Doanh nghiệp nước giải khát Bidrico tham gia hội chợ tại Savannakhet và đã tìm được 4 đối tác ngay tại hội chợ này - Ảnh: M.HOA

Cuối tháng 7 vừa qua, hội chợ thương mại - dịch vụ - du lịch TP.HCM lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh Savannkhet, quy mô hơn 200 gian hàng với hơn 100 doanh nghiệp TP tham gia. Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại TP (ITPC) cho biết đây là hội chợ quy mô lớn nhất mà ITPC từng tổ chức tại Lào. 

Ông Trần Hoài Nam, Phó chủ tịch Hội cho biết, các doanh nghiệp trong hội đã tự bỏ tiền túi sang đây để tìm hiểu thị trường Lào và rất hào hứng với những thông tin nhận được. Một số doanh nghiệp cũng đã nhanh chóng tìm được đối tác và lên kế hoạch xây dựng nhà máy ở đây.

Đón đầu sự phát triển

Ông Trần Hoài Nam nói, mong muốn của các doanh nghiệp trong hội là trở thành nhà cung cấp thiết bị, hệ thống điện tự động cho Lào vì đất nước này đang tăng tốc phát triển rất tốt, với nhiều chính sách rất thuận lợi, đầu tư bên Lào lại khá rẻ.

Hội có 230 doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo máy, cơ khí gia công chính xác, ngành điện tự động hóa, vật tư ngành điện. “Chúng tôi đang nhìn nhận rất tốt thị trường Lào”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông cũng chia sẻ, ban đầu các doanh nghiệp còn e ngại cho rằng Lào không phải là đất nước tiềm năng, khi sang tới nơi tìm hiểu mới thấy tiềm năng rất lớn so với những gì mình tìm hiểu trước đó.

Theo ông, VN đang phát triển rất mạnh về chế tạo máy và tự động hóa. Trong khi Lào đang rất cần việc đó cho các khu chế xuất và khu công nghiệp mới hình thành. “Chúng tôi hoàn toàn có thể cung cấp máy móc, thiết bị cho các khu này, việc đó vừa tầm với các doanh nghiệp cơ khí điện Vn”, ông Nam nói.

Thành lập từ tháng 1-2010, hội doanh nghiệp VN hợp tác và đầu tư tại Lào (BACI) đến nay đã có gần 100 hội viên. Ông Nguyễn Thế Hiền chủ tịch hội nhận định vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác và đầu tư tại Lào dành cho các doanh nghiệp VN.

Theo ông Hiền, điểm mạnh của môi trường kinh doanh Lào là tương đối ổn định, chính phủ luôn có nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Lào thuộc nhóm các nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân các năm gần đây trên 7%, với tỷ lệ lạm phát tương đối thấp, dưới 2%.

Lào cũng giàu tài nguyên, với 70% trong số 237.955km2 diện tích là rừng núi. Đây là cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp VN trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao để tạo sản phẩm xuất khẩu.

Về thủy điện, Lào coi phát triển thủy điện là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn với tham vọng trở thành 'viên pin' của châu Á. Tuy nhiên công nghệ và vốn của Lào cũng tương đối hạn chế nên đây là cơ hội để các công ty xây dựng tham gia các dự án thủy điện của Lào.

Thêm nữa, hệ thống pháp luật, việc tìm kiếm các văn bản hướng dẫn ở Lào tương đối khó khăn, lại bị cản trở về ngôn ngữ. Nhưng cũng là cơ hội để thành lập các trung tâm, công ty tư vấn đầu tư và tư vấn về pháp luật, tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp VN sang đầu tư tại Lào.

Hầu hết các doanh nghiệp VN tại Lào có nhu cầu thực sự đối với mảng dịch vụ này.

Ngoài ra có hạn chế về nguồn nhân lực. Nhiều ngành nghề thậm chí còn chưa có cơ sở đào tạo, như các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, công nghệ…

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC đánh giá, môi trường kinh doanh ở Lào hiện nay có nét tương đồng như ở Myanmar trước đây, bắt đầu thời kỳ vươn mình thì nhu cầu về hàng hóa thiết bị ngày càng lớn.

Ông Hòa cho rằng khi đón đầu và “bén rễ” được ở những thị trường này rồi thì những năm về sau việc sản xuất kinh doanh rất thuận lợi. 

Ông Nguyễn Duy Trung, một doanh nhân Lào gốc Việt rất nổi tiếng, là chủ trung tâm thương mại Asean Mall ở Viêng Chăn cũng khẳng định:

“Lào là thị trường rất tiềm năng, chỉ cần sự năng động”.

Mới đây, chính quyền Viêng Chăn đã ký thỏa thuận, dành 300m2 ở tầng 2 Asean Mall để TP.HCM làm trung tâm thương mại - du lịch. Ông Trung là người rất tâm huyết trong việc đưa hàng hóa dịch vụ Việt sang Lào.

Các mặt hàng thiết bị tiêu dùng được người dân và doanh nghiệp Lào rất quan tâm - Ảnh: M.HOA
Các mặt hàng thiết bị tiêu dùng được người dân và doanh nghiệp Lào rất quan tâm - Ảnh: M.HOA

Doanh nghiệp cần nhất là thông tin

Nhận định khả quan về môi trường đầu tư ở Lào, ông Trần Hoài Nam cũng thẳng thắn chia sẻ, trước khi qua Savannakhet tham dự hội chợ kể trên, ông cố gắng tìm thông tin về thị trường Lào nhưng thông tin rất rời rạc, từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều khi không thống nhất. 

Ông Nam đề xuất nên có một cổng thông tin chính thức về môi trường đầu tư tại Lào, thông qua tham tán thương mại VN tại Lào, hỗ trợ và kết nối giữa doanh nghiệp TP.HCM và Lào. Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại cũng nên tách thành hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp thì mới mời được đúng chủ thể tham gia.

“Tôi thấy nếu TP.HCM làm bài bản thì các thị trường như Lào, Campuchia, Myanmar chúng ta rất có cơ hội. Chúng ta không ngại hàng Thái hay các nước khác, bởi giá cả và chất lượng của mình không hề thua kém”, ông Nam khẳng định.

Về vấn đề thông tin, ông Nguyễn Thế Hiền cũng đưa ra lời khuyên, các doanh nghiệp nên tìm các thông tin chính thống từ Đại sứ quán, hoặc liên hệ với BACI để được giúp đỡ liên hệ với chính quyền.

Đưa hàng có thế mạnh qua trước

Cuối tháng 7 vừa qua, sau khi TP.HCM ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Viêng Chăn, đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM do phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang dẫn đầu đã đi khảo sát tại Trung tâm thương mại Asean Mall - nơi mà Viêng Chăn thỏa thuận sẽ dành 300m2 cho TP.HCM làm trung tâm thương mại - du lịch.

Ông Nguyễn Duy Trung, chủ Asean Mall  Lào khẳng định “rất sẵn sàng, làm sao đưa được hàng Việt sang đây là tui mừng”.

Tại đây, ông Tất Thành Cang đã bàn bạc không những về cách sử dụng 300m2 này mà còn bàn cách đưa cả trung tâm thương mại Asean Mall phát triển hơn lên.

Trước tiên là đưa những hàng có thế mạnh qua trước như nước mắm và hàng tiêu dùng khác.

Trong cuộc hội đàm với lãnh đạo thủ đô Viêng Chăn, ông Tất Thành Cang cũng đặt ra những vấn đề kinh tế lớn để hai bên tập trung trong thời gian tới,đó là xúc tiến đầu tư, phát triển thương mại du lịch và dịch vụ. 

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên