30/07/2018 14:42 GMT+7

Quá dễ để bán hàng trên Lazada, Sendo...

NGỌC HIỂN - NHƯ BÌNH
NGỌC HIỂN - NHƯ BÌNH

TTO - Dù nhiều người tin tưởng vào các sàn thương mại điện tử lớn nhưng thực tế với cơ chế hoạt động hiện nay, người tiêu dùng thường bị ưu tiên... chịu thiệt hại trước rồi hạ hồi phân giải.

Quá dễ để bán hàng trên Lazada, Sendo... - Ảnh 1.

Dù Samsung không sản xuất bếp nướng điện DH-SS01 nhưng gian hàng trên Sendo vẫn đăng bán và chào mời khách mua tại kho của công ty ở TP.HCM (ảnh chụp chiều 23-7) - Ảnh: HỮU KHOA

Thâm nhập thực tế, để được bán hàng trên một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn ở VN, thủ tục đơn giản đến... khó tin. Với cơ chế này, theo các chuyên gia, kẻ xấu không tranh thủ bán hàng lậu, hàng nhái mới lạ.

Vài phút có ngay gian hàng

Tham gia đăng ký mở gian hàng cá nhân tại Lazada, sau khi điền số điện thoại, phía Lazada gửi đến chúng tôi một tin nhắn xác thực tài khoản bán hàng. Sau đó, chỉ mất vài phút điền tên, điện thoại, tài khoản ngân hàng, tên gian hàng, ảnh chụp chứng minh nhân dân, bấm đồng ý là đã hoàn tất đăng ký!

Riêng với doanh nghiệp, Lazada yêu cầu cung cấp thêm giấy phép kinh doanh. Với công cụ bán hàng được Lazada cấp, chúng tôi đăng tải sản phẩm là một thiết bị công nghệ. Chỉ cần điền tên sản phẩm, thương hiệu, mô tả sản phẩm, hình ảnh sản phẩm... sau đó bấm nút "đăng tải". Thế là bắt đầu quy trình Lazada duyệt đăng.

Hỏi nhân viên tư vấn của Lazada với tư cách nhà cung cấp, nhân viên khẳng định nếu sản phẩm không chứa thương hiệu thì được đăng tải ở mục OEM (hàng tự sản xuất...). Tuy nhiên, nhân viên tiết lộ một số mặt hàng dù chứa thương hiệu vẫn có thể đăng tải ở mục OEM, chỉ phải cung cấp các loại giấy tờ nếu phía Lazada nghi ngờ hàng giả, hàng nhái.

Dù quy trình vậy nhưng trên thực tế vẫn có nhiều loại sản phẩm hàng giả, hàng nhái được đăng tải công khai trên mục này. Giải thích, nhân viên tư vấn cho biết số lượng hàng hóa lớn dẫn đến bộ phận kiểm tra chưa duyệt kịp.

Tự khai báo thông tin

Tại trang Sendo.vn, chỉ cần cung cấp email, số điện thoại và xác thực tài khoản ngân hàng là có thể bán hàng ngay. Khi bán sản phẩm, phóng viên chỉ cần tải hình ảnh hàng, khai báo các thông tin về kích cỡ, bảo hành, thương hiệu, phương thức vận chuyển... là được đăng tải sản phẩm. 

Phía Sendo chỉ nhắc: "Đối với hàng giả, hàng nhái thương hiệu sẽ không được đăng bán trên Sendo.vn. Nếu vi phạm, shop sẽ bị chế tài xử lý theo quy định hiện hành".

Với trang Shopee.vn còn dễ dàng hơn. Chỉ bằng vài bước đăng ký, chúng tôi đã có thể đăng tải để bán các thiết bị điện tử mà không cần phải khai báo về nguồn gốc, xuất xứ.

Nhiều sàn để người bán tự khai báo thông tin, tự chịu trách nhiệm và thiếu sự kiểm soát đang dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu dễ dàng xuất hiện trên sàn. Theo đại diện của Adidas, sản phẩm thật của thương hiệu này thường được đăng tải trên Lazada để "dụ", khi giao hàng lại là hàng nhái.

Ông G.H., nhân viên cập nhật nội dung cho một công ty bán lẻ thiết bị công nghệ tại Lazada, cho biết ông dễ dàng đăng tải hình ảnh, rao bán các loại thiết bị máy móc trên sàn này mà không cần chứng minh nguồn gốc. 

Phía Lazada sẽ kiểm duyệt sản phẩm nhưng chủ yếu kiểm duyệt nội dung, hình ảnh mà không yêu cầu nhà bán hàng cung cấp văn bản, hình ảnh... Theo ông H., điều này khiến nhiều người tranh thủ gian dối, vô tư kinh doanh hàng giả, hàng lậu.

Luật chưa theo kịp

Theo anh Nguyễn Thành Long - chuyên gia TMĐT, về nguyên tắc sàn điện tử đóng vai trò trung gian để lựa chọn, thẩm định nhà cung cấp, đảm bảo sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, có chính sách đổi trả, bảo hành... 

Tuy nhiên, khoảng vài năm gần đây, để gia tăng nguồn hàng, một số nhà kinh doanh TMĐT đã chuyển sang mô hình sàn hoặc trở thành một "chợ" đúng nghĩa, ai cũng có thể đem hàng lên bán.

Như Shopee vận hành theo mô hình C2C (từ khách hàng đến khách hàng) nên các cá nhân bất kỳ đều có thể dễ dàng đem hàng lên bán và tự chịu trách nhiệm. "Mô hình C2C không có nhiều ràng buộc cam kết về chất lượng nên người tham gia rất đông" - anh Long nói.

Tuy nhiên, với mô hình hoạt động B2C (từ doanh nghiệp đến khách hàng) như Lazada, sự ràng buộc cao hơn. "Nhiều người lên Lazada mua vì tin hoặc chỉ biết đến Lazada chứ không quan tâm nhà cung cấp là ai, do đó khi xảy ra sự cố họ thất vọng và khiếu nại" - anh Long phân tích.

Tại Sendo, nhà quản lý sàn không thu phí hay hoa hồng từ các shop, thay vào đó sàn thu tiền quảng cáo từ nhà cung cấp, quảng cáo càng nhiều thì hiển thị của cửa hàng đó trên sàn càng cao.

Hiện các sàn TMĐT có trung bình 800.000 đến cả triệu nhà bán hàng, thương hiệu, đối tác. Vì vậy, theo anh Long, người tiêu dùng cần cảnh giác có thể có sàn TMĐT khó kiểm soát được hết mà phó mặc cho nhà bán hàng tự chịu trách nhiệm. 

"Sự đa dạng trong hình thức bán hàng qua mạng khiến các quy định của Nhà nước đang lỗi thời, chưa bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng" - anh Long nhận xét.

Lazada nói gì?

Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Lazada trả lời khá chung chung. Về điều kiện để đưa được hàng lên sàn, đại diện Lazada VN cho biết Lazada đóng vai trò cầu nối giữa nhà bán hàng và người tiêu dùng. Các nhãn hàng nổi tiếng và kinh doanh nhỏ đều có thể phát triển kinh doanh trực tuyến, cung cấp hàng hóa và chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách.

Từ thực tế Tuổi Trẻ phản ánh, vị đại diện này cho hay: "Lazada không cho phép bất cứ hàng nhái/hàng giả được bán trên Lazada. Điều này đã được trao đổi và ký kết giữa nhà bán hàng và Lazada".

Thừa nhận trong quá trình bán hàng, Lazada có quyền yêu cầu nhà bán hàng cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc chất lượng sản phẩm. Nếu người tiêu dùng có những trải nghiệm không hài lòng, đại diện Lazada hứa sẽ có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để...

(còn tiếp)

Lazada, Sendo... bán hàng  lậu, hàng nhái? Lazada, Sendo... bán hàng lậu, hàng nhái?

TTO - Rất nhiều mặt hàng đang được bán trên các trang thương mại điện tử Lazada.vn, Sendo.vn... với giá rẻ, nhưng bị nhà sản xuất khẳng định không phải hàng chính hãng.

NGỌC HIỂN - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên