Qatar vẫn bị đánh giá kém hơn Ecuador ở trận ra quân - Ảnh: REUTERS
Bóng đá trong hình hài Barca
Qatar vô địch Asian Cup 2019 (diễn ra ở UAE) với thành tích toàn thắng 7/7 trận, ghi 19 bàn và chỉ thủng lưới 1 bàn. Đó cũng là chức vô địch châu Á đầu tiên của Qatar, chức vô địch bất ngờ với một nền bóng đá đầy non trẻ. 4 năm trước đó, Qatar chưa bao giờ vượt qua được vòng tứ kết.
Bóng đá du nhập vào Qatar trong những năm đầu thập niên 1950 và đi lên chuyên nghiệp vào thập niên 1960. Năm 1972, Giải vô địch Qatar mới chính thức được ra đời, đánh dấu sự phát triển mang tính hệ thống.
Những năm thập niên 1990 - 2000, bóng đá Qatar quay cuồng giữa tham vọng vươn lên châu lục và thực lực của một nền bóng đá chỉ có vài trăm cầu thủ chuyên nghiệp.
Khi đó, Qatar mời về hàng loạt HLV từ châu Âu và Brazil cũng như tình nguyện trở thành "trại dưỡng lão 5 sao" dành cho các ngôi sao xế chiều như Gabriel Batistuta, Pep Guardiola, Frank LeBoeuf...
Tất cả đều không đi đến đâu, nhưng những nỗ lực đó giúp cái tên Qatar bắt đầu xuất hiện ở làng bóng đá đỉnh cao. Và khi họ thực hiện những kế hoạch dài hơi hơn, mọi chuyện đã tiến triển thuận lợi.
Năm 2004, Học viện Aspire được thành lập và đạt được một số thỏa thuận hợp tác với lò đào tạo trẻ lừng danh của Barca. HLV hiện tại của Qatar - ông Felix Sanchez - xuất thân từ công việc HLV ở đội trẻ Barca và rồi chuyển sang làm việc cho Học viện Aspire từ năm 2006. Những người như Xavi hay Felix Sanchez chính là đại diện tiêu biểu cho mô hình "Barca hóa" của Qatar.
Dự World Cup bằng thực lực
Những năm đó, cứ hễ thấy đội nào có HLV giỏi là Qatar lập tức... giành về, nhưng tất cả đều thất bại. Sau cùng, Qatar quyết định đặt niềm tin vào vị kiến trúc sư đầu tiên - HLV Felix Sanchez. Sau 16 năm gắn bó, có thể nói không ai hiểu bóng đá Qatar hơn HLV 46 tuổi này.
Có đến 18 tuyển thủ Qatar hiện tại xuất thân từ Học viện Aspire, trong đó bao gồm nhiều trụ cột như Tarek Salman, Al-Rawi, Assim Madibo, Almoez Ali... Hầu hết đều trong độ tuổi từ 23 - 27.
Trong 2 năm qua, Qatar tích cực tham gia các trận đấu giao hữu. Trong năm đầu tiên, họ chỉ chạm trán những đối thủ cỡ như CH Ireland, Panama, Honduras và nhờ vậy duy trì chuỗi bất bại gần một năm trời.
Giữa năm 2021, Qatar bắt đầu đá giao hữu với các đại gia châu Âu như Bồ Đào Nha, Serbia và lập tức bị "sốc nhiệt", liên tục nhận những trận thua thê thảm. Đến năm nay, Qatar dần lấy lại tinh thần khi hòa được Jamaica, Chile, Slovenia - những nền bóng đá từng giành vé dự World Cup bằng thực lực.
Bóng đá Qatar đã thực sự đạt đến trình độ World Cup? Rạng sáng mai, người hâm mộ sẽ có câu trả lời: Nền bóng đá Qatar phải chăng chỉ tham dự World Cup nhờ tư thế chủ nhà, hay họ thực sự là một thế lực đang trỗi dậy theo lời tiên đoán của Xavi.
Khó lường trận mở màn
Ngay sau lễ khai mạc, lúc 23h ngày 20-11 (VTV2, VTV Cần Thơ THTT) sẽ diễn ra trận đấu mở màn World Cup 2022 giữa chủ nhà Qatar và Ecuador ở bảng A.
Kể từ khi FIFA thay đổi luật - để đội chủ nhà đá trận mở màn World Cup thay vì đội đương kim vô địch - từ năm 2006, chưa có đội chủ nhà nào phải nhận thất bại trong trận đấu đặc biệt này.
Đó là cơ sở để người hâm mộ kỳ vọng vào một kết quả có lợi cho Qatar lúc này, nhất là khi Ecuador cũng không được đánh giá quá cao.
Xét về thực lực, Ecuador vẫn nhỉnh hơn khi được định giá khoảng 147 triệu euro, cao gấp 10 lần so với Qatar.
Theo những kết quả phân tích dữ liệu, Hãng thống kê Opta đưa ra nhận định Ecuador có 41,4% cơ hội giành chiến thắng, trong khi Qatar có 29,6%, còn 29% khả năng trận đấu sẽ kết thúc với tỉ số hòa. Còn báo Sportsmole dự đoán Ecuador thắng 2-1.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận