23/04/2012 07:03 GMT+7

Pulitzer lớn, vì sao?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Giải này được xem là một tượng đài “sống” đứng sừng sững trong lòng xã hội Mỹ từ 95 năm qua.

Pulitzer 2012: New York Times giành cú đúp

KTx03Bf3.jpgPhóng to
Bìa cuốn sách “Bới phân”, nền báo chí đã làm biến đổi nước Mỹ

Những nhà báo được trao giải là vì những gì họ đã phanh phui có tác động hữu ích đối với xã hội. Michael J. Berens và Ken Armstrong của tờ The Seattle Times được trao giải vì họ đã bới ra được tính chất bất nhân của chủ trương tiết kiệm trong điều trị của giới chức y tế tiểu bang Washington khi thay các loại thuốc giảm đau đắt tiền bằng một loại thuốc có gốc ma túy, đang được sử dụng như một chất cai nghiện đại trà do rẻ tiền vì là một chất tổng hợp.

Hậu quả là cả ngàn người chết vì quá liều khi cứ ngỡ đây là thuốc giảm đau thông thường! Loạt bài điều tra ba kỳ của họ đã kết liễu chính sách bất nhân trên của giới chức y tế bang Washington. Và đây chính là lý do khiến hai nhà báo này được trao giải Pulitzer năm nay.

Một nhà báo, một tờ báo, thậm chí một làng báo có “lớn” hay không, không phải nhờ vào số lượng tờ báo hay số người có thẻ nhà báo hoặc số tầng lầu của trụ sở tòa soạn, hay có phanh phui được chuyện gì động trời tận “cung đình” hay không, mà là ở chỗ có ích lợi gì cho dân chúng, tức có vị nhân sinh hay không.

Trong một xã hội đâu có đẹp như tranh, trái lại đầy rẫy những thối tha, làng báo Mỹ từ đầu thế kỷ 20 đã lao vào cuộc chiến vị nhân sinh đó bằng những bài báo húc vào các “đống phân” của các chính quyền địa phương làm băng hoại xã hội, và gọi đó là “bới phân” (nguyên gốc: muckraking). Năm 2002, hai nhà báo Mỹ Judith và William Serrin đã tuyển lại trên trăm bài báo vị nhân sinh nổi bật từ trên trăm năm qua của làng báo Mỹ để in lại và đặt tên cho quyển “báo tuyển” này là “Bới phân”, nền báo chí đã làm biến đổi nước Mỹ (“Muckraking: The journalism that changed America”).

Chương 1 là “Người nghèo”, bao gồm những bài viết về cái nghèo phi lý của dân chúng. Chương 2 “Tầng lớp lao động”, viết về những truân chuyên của công nhân cho dù vẫn đang có đủ thứ nghiệp đoàn. Chương 3 “Y tế và an toàn”, viết về sự mất an toàn của các chiếc phà, mỏ than, người da đen bị sử dụng như những “con chuột bạch” trong thử nghiệm thuốc... Trong ý nghĩa đó, có thể thấy loạt bài đoạt giải Pulitzer năm nay của hai nhà báo của tờ The Seattle Times cũng chỉ là nối tiếp con đường “bới phân” cả trăm năm qua ấy.

Làng báo Mỹ nổi tiếng không phải vì vụ nhân vật “Deep Throat” chôm chỉa được hồ sơ mật Lầu Năm Góc tuồn ra cho Bob Woodward của The Wasington Post hãn hữu “ngàn năm một thuở”, không phải vì là một làng báo mạnh về thể loại “điều tra vị điều tra”, mà vì đã và vẫn đang là “làng báo bới phân” (muckraking journalism) vị nhân sinh. Giải Pulitzer lớn là vì trung thành với tôn chỉ đó.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên