Nhân vật vừa lạ vừa quen
Ngày hội Cái bang được tác giả Đăng Nhân viết trong một trại sáng tác. Nghệ sĩ Hữu Châu đã từng dựng một số vở do Đăng Nhân viết ở sân khấu kịch Idecaf như Miêu nữ hí miêu gia, Lẩu trăn… Anh cũng đã nhận kịch bản Ngày hội Cái bang cách đây chừng 10 năm nhưng chưa có duyên dựng.
Vừa rồi sân khấu Thế Giới Trẻ mời Hữu Châu dựng vở này với dàn nghệ sĩ đa phần là học trò của anh. Và mối duyên 10 năm trước giờ đã thành hiện thực.
Thế Giới Trẻ đã từng có một số vở diễn hài dân gian, tuy nhiên Ngày hội Cái bang mang màu sắc khác biệt.
Vở mở đầu với buổi cúng Thành hoàng Cái bang ở một ngôi làng. Ba ông thần (Xuân Nghị, Minh Dự, Hữu Đằng đóng) quyết định cho những ai đã từng khoác áo ăn mày đến cúng đều có thể thấy được họ.
Và dường như "tâm linh mách bảo", buổi cúng bái đó là cuộc gặp gỡ, giải quyết ân oán của rất nhiều nhân vật nợ nần nhau từ mười mấy hai chục năm trước.
Lần lượt là Thị Hến với cuộc gặp gỡ tìm kiếm đứa con thất lạc mười mấy năm trước, cô gặp Quan Huyện, Thầy Đề, thầy Lý. Rồi Thị Mầu - Thằng Nô, Thị Nở… tuần tự lộ diện.
Cứ như thế, trên "lai lịch" cũ đã quá quen thuộc từ văn học và tuồng tích xưa, nhiều tình tiết mới xuất hiện dẫn dắt người xem đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.
Tại sao Thị Mầu đổ oan cho Thị Kính?
Với Ngày hội Cái bang, các diễn viên trẻ có dịp cọ xát với những nhân vật vừa quen vừa lạ.
Trong một câu chuyện phá cách, nhiều triết lý về cuộc đời, về tình người qua từng lời thoại của nhân vật cứ thế khiến người xem phải suy ngẫm.
Diễn viên Phương Lan vào vai Thị Hến có dịp "hành" từ ba ông thần Cái bang cho đến Quan Huyện (Hoàng Phi), Thầy Đề (Tiểu Bảo Quốc), Thầy Lý (Anh Đức) để tìm cho ra đứa con mà vì toan tính bà đã bị thất lạc. Tất Diệu Hằng nghênh ngang vào vai Thị Nở dở dở ương ương.
Puka thì rất màu sắc với nhân vật Thị Mầu. Trong những cuộc trò chuyện của cô với Thằng Nô và với các nhân vật khác, đôi khi sự lạnh lùng và thản nhiên của họ khiến người ta giật mình.
Khi được hỏi tại sao có bầu lại đổ oan cho Thị Kính, cho chùa, Thị Mầu đã tỉnh bơ: "Vì đổ cho Tiểu Kính, cho chùa là không sợ gì hết".
Cô Thị Mầu trong Ngày hội Cái bang đã lý giải Tiểu Kính với tấm lòng nhân hậu đón nhận đứa bé bị chối bỏ, chấp nhận oan khiên để bé được sống trong tình thương của người mẹ.
Và điều mà Thị Mầu, Thị Hến nhận ra sau mười mấy năm đời người là: "Tôi ích kỷ, chị cũng ích kỷ. Sự ích kỷ đã làm chị em ta đánh mất đi điều thiêng liêng ấy!"
Với những câu thoại có độ lắng như thế đòi hỏi diễn viên phải diễn thật kỹ, không bị quá sa đà vào những miếng hài để ý tứ sâu xa từ kịch bản có thể đọng lại trong lòng người xem.
Đây là điều không hề dễ với ê kíp diễn viên trẻ và buộc họ phải nỗ lực qua từng suất diễn để Ngày hội Cái bang có thể trở thành vở kịch trào phúng sâu cay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận