14/01/2018 10:02 GMT+7

Phượt... giúp những trẻ 'bụng to'

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Thương những đứa trẻ vùng cao với cái bụng phình to vì giun sán, Nguyễn Minh Tâm (20 tuổi, ở Đà Nẵng) kêu gọi hơn chục bạn trẻ đam mê du lịch, tổ chức những chuyến phượt để tuyên truyền, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân.

Phượt... giúp những trẻ bụng to - Ảnh 1.

Các em nhỏ tại điểm trường Tăk Pổ uống thuốc xổ giun - Ảnh: HÀ TIẾN

Hành trang mang theo trong chuyến đi dài ngày, ngoài nhu yếu phẩm, bánh kẹo là những viên thuốc xổ giun.

Chuyện những đứa trẻ "bụng to"

Kể về quyết định này, Tâm bảo trong một lần đi du lịch đến vùng cao, bạn thấy các em nhỏ miền núi bụng phình to, hỏi ra mới biết các em bị nhiễm giun nhưng không có điều kiện xổ giun định kỳ. Tâm trăn trở hoài và quyết định ở những chuyến đi tiếp theo, phải làm gì đó giúp các em.

Tâm lên kế hoạch, rồi kết nối với các bạn trẻ đam mê du lịch bụi cùng chia sẻ ý tưởng tẩy giun cho các em. Bạn nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ những thành viên chưa từng quen biết. Họ lập nhóm và chuẩn bị các chuyến phượt "xổ giun".

Trước mỗi chuyến đi, nhóm thống nhất địa điểm, tìm hiểu chi tiết về điều kiện của người dân nơi đó. Để có kinh phí, nhóm tổ chức một đêm nhạc nghiệp dư tại quán cà phê. 

Tiền bán vé từ đêm nhạc sẽ góp vào quỹ để thực hiện chương trình xổ giun cho trẻ. Cùng với đó, các bạn đi tiền trạm, liên hệ các đơn vị y tế huyện nơi tổ chức chương trình để xác thực chất lượng thuốc xổ giun và bắt đầu hành trình "băng rừng, lội suối".

Ngày cuối năm, điểm dừng chân nhóm chọn là các trường vùng cao của xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Xã Trà Tập là vùng cao dưới chân núi Ngọc Linh - nơi được mệnh danh "nóc nhà của miền Nam nước Việt". Nơi đây có điểm trường Tăk Pỏ và Tăk Pổ, được các cô giáo vùng cao ví như điểm trường cổ tích.

4h sáng, trong cái lạnh buốt cuối đông, từ trung tâm thành phố, các bạn trẻ xuất phát. Để đến được các điểm trường, nhóm phải mang vác những bao nhu yếu phẩm nặng hàng chục ký, vượt qua các cung đường khi sình lầy, trơn trượt, khi thì đoạn dốc dựng đứng. 

Đoạn qua đập thủy điện Sông Tranh vài bạn bị trượt chân, té ngã. Mặt trời vừa khuất sau dãy núi Ngọc Linh cao chót vót, những bản làng của đồng bào Ca Dong dần hiện ra trong làn khói bếp cũng là lúc các bạn đến nơi và bắt đầu công việc của mình.

Các thành viên phải mất một đêm đun sôi nhiều ấm nước, đợi nước lắng xuống rồi mới đến từng nhà kêu các em nhỏ trong vùng tập trung về các điểm trường vào ngày hôm sau để uống thuốc xổ giun.

Làm những việc ý nghĩa

Từ sớm, hàng trăm em nhỏ trong vùng tập trung, hướng những đôi mắt đen láy chăm chú theo dõi từng động tác của các anh chị. Dù bụng đói nhưng các em vẫn trật tự xếp hàng, chờ đến lượt uống thuốc xổ giun.

Chuyện uống thuốc với trẻ em vùng rẻo cao lạ lẫm như cái cách lần đầu học con chữ vậy. Hiểu được điều đó, nhóm tổ chức thêm trò chơi, phát kẹo để động viên các em vui vẻ uống thuốc.

Vừa làm việc, bạn Nguyễn Mậu Tài (25 tuổi) cho biết: "Khó nhất không phải chuyện cho các em uống thuốc mà là tạo cho các em thói quen giữ vệ sinh cá nhân hằng ngày. Tụi mình kết hợp các trò chơi để dạy bọn trẻ cách rửa tay trước khi ăn uống".

Nhìn các em phụ nhóm xách đồ trong tiết trời giá rét với đôi chân trần, hay cách các em ngoan ngoãn làm theo động tác rửa tay, cảm ơn lúc nhận quà khiến chàng trai Phạm Đình Thành (21 tuổi) không giấu được xúc động.

"Thương các em ghê. Những chuyến phượt thế này không chỉ thỏa sở thích cá nhân mà còn ý nghĩa hơn khi chúng ta cùng sống, tìm hiểu về người dân nơi đây, giúp đỡ các em bé vùng cao" - bạn Đình Thành, thành viên nhóm, nói.

Cô Phạm Thị Hòe (điểm trường Tăk Pổ) cho biết: "Các em nhỏ ở đây đi chân đất đến trường mỗi ngày. Có em phải băng qua mấy ngọn đồi mới đến lớp. Cách ăn uống, sinh hoạt của người Ca Dong cũng là nguyên nhân khiến các em dễ mắc giun sán. 

Nhóm các bạn là những người đầu tiên tổ chức chương trình thiện nguyện giúp các em xổ giun tại điểm trường chúng tôi. Việc làm nhỏ thôi nhưng ý nghĩa và thiết thực lắm".

"Chắc chắn tụi mình sẽ trở lại, đều đặn mỗi năm hai lần. Mình sẽ đến nhiều nơi nữa và kêu gọi nhân rộng những chuyến đi này trong cộng đồng các bạn trẻ mê phượt" - chàng trai Nguyễn Minh Tâm hi vọng.

Vận động sử dụng nước đun sôi để nguội

Người Ca Dong xem nguồn nước là điều linh thiêng, quý giá. Nhiều bản làng được đặt tên theo các con suối có nguồn nước dẫn về làng đó. Vì thế, chuyện uống nước suối trực tiếp là điều hiển nhiên. Trẻ em nơi đây dễ nhiễm giun sán một phần do vậy.

Cùng với việc xổ giun, tặng nhu yếu phẩm, bánh kẹo..., các thành viên tặng bà con tại điểm nóc Tăk Pổ 40 ấm đun nước và vận động việc sử dụng nước uống đun sôi để nguội hằng ngày.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên