Một tàu chở dầu thô tại thành phố Nakhodka của Nga - Ảnh: REUTERS
Việc áp giá trần sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-12 tới nhưng cho đến thời điểm hiện tại, phương Tây vẫn chưa thống nhất được một con số cụ thể.
Mỹ cùng các đồng minh tin rằng áp trần giá dầu sẽ khiến Nga mất đi đáng kể nguồn tiền từ xuất khẩu dầu mỏ, góp phần ổn định thị trường năng lượng toàn cầu và gây khó khăn cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Gói trừng phạt thứ tám được Liên minh châu Âu (EU) thông qua hôm 6-10, trong đó không chỉ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga mà còn ngừng cung cấp các dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm và những dịch vụ liên quan từ ngày 5-12.
Trước đó các bộ trưởng tài chính G7 đã kêu gọi thiết lập một liên minh quốc tế rộng lớn sử dụng giá trần do các nước này đưa ra trong giao dịch dầu mỏ với Nga. Lập luận của nhóm này là mua theo giá trần của G7 chỉ có lợi chứ không có hại cho bên mua.
Theo một quan chức tài chính Mỹ, hiện EU đang tham khảo ý kiến của các thành viên về mức trần với dự kiến có thể công bố vào ngày mai 24-11.
"Hy vọng của chúng tôi là EU sẽ sớm kết thúc cuộc tham vấn đó và đưa cả liên minh giá trần này tiến lên phía trước, áp dụng giá trần từ ngày 5-12 tới", vị này nói với báo giới ngày 22-11, theo Hãng thông tấn AFP.
Quan chức này cho biết giá trần có thể sẽ được xem xét hằng quý hoặc nửa năm một lần, do nhu cầu đảm bảo sự chắc chắn cho thị trường nên sẽ không điều chỉnh mỗi tuần hay mỗi tháng như ý tưởng ban đầu.
Vị này cũng tự tin cho rằng Nga sẽ không đáp trả động thái của phương Tây bằng việc tăng giá dầu thô xuất khẩu.
"Bất kỳ hành động tăng giá nào đều sẽ có tác động đến khách hàng mới của Nga và những khách hàng như Ấn Độ, Trung Quốc, những người mà Matxcơva muốn tiếp tục là khách hàng dầu mỏ trong tương lai", quan chức Mỹ nêu lập luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận