19/09/2018 14:39 GMT+7

Phụng sự đất nước là đặc ân

QUỲNH TRUNG thực hiện
QUỲNH TRUNG thực hiện

TTO - Thách thức lớn nhất của một bộ trưởng trẻ tuổi là ánh mắt hoài nghi của những người khác. Nhiều người cho rằng người trẻ không có năng lực và không có kinh nghiệm. Câu trả lời tốt nhất là chứng minh họ sai thông qua sự thành công của chính bạn.

Phụng sự đất nước là đặc ân - Ảnh 1.

Bộ trưởng Syed Saddiq (bìa phải) chụp ảnh wefie cùng các đại biểu tham dự Hội nghị WEF ASEAN tại Hà Nội ngày 11-9, trong đó có Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam Chu Ngọc Anh (thứ hai từ trái sang) - Ảnh: TTXVN

“Giới trẻ không cần thích ứng vì thích ứng nghĩa là chấp nhận đi theo lối mòn” và “người trẻ cần tư duy ngoài chiếc hộp”. Bộ trưởng Thanh niên và thể thao Malaysia Syed Saddiq (26 tuổi) phát biểu như vậy tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN ở Hà Nội mới đây.

Ngày 12-9, ngay sau khi trở về Malaysia từ Hà Nội, bộ trưởng Syed Saddiq dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện độc quyền qua Skype về việc phụng sự đất nước, về giới trẻ, về sự nghiệp chính trị đang lên và cả những khát vọng của riêng mình.

Muốn thay đổi đất nước, hãy tham gia chính trường

* Anh chỉ lưu lại Hà Nội trong 24 giờ. Chuyến đi ngắn ngủi này như thế nào?

- Đó là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Chuyến đi lần này rất vui, tôi cũng có cơ hội tiếp xúc với giới trẻ Việt Nam. Là diễn giả cùng với những người đáng quý trọng khác cũng là một đặc ân.

Ngoài những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, tôi biết Việt Nam có lực lượng lao động rất chăm chỉ và người Việt rất có đầu óc kinh doanh. Điều đó sẽ biến người Việt Nam thành người dẫn dắt, chứ không phải bị dẫn dắt.

Sau chuyến đi, tôi nhận được rất nhiều lời mời kết bạn qua Facebook từ Việt Nam.

* Anh muốn trở thành chính trị gia từ khi nào? Vì sao?

- Hiện tại, chính trị là lĩnh vực hấp dẫn tôi. Tuy nhiên, chính trị không phải là sự lựa chọn đầu tiên của tôi. Tôi muốn trở thành giáo viên vì yêu thích công việc dạy học. Tôi từng làm giảng viên bán thời gian ở một trường đại học và làm công việc nghiên cứu tại một viện nghiên cứu ở Malaysia.

Nhưng khi tôi thấy tình trạng tham nhũng tràn lan trong chính phủ trước và hình ảnh đẹp của Malaysia bị hủy hoại trong mắt bạn bè quốc tế do những vụ tham nhũng tỉ USD gây ra, kế sinh nhai của nhiều người dân bị phá hủy, nhiều người trẻ thất nghiệp, đó là lúc tôi nghĩ mình phải đứng ra kêu gọi giới trẻ tham gia chống lại những điều xấu xa này.

Nhiều người xem chính trị là "dơ bẩn". Đó cũng là lý do những người trẻ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ để tham gia "tẩy rửa" nó. Tôi muốn trở thành một người trong số họ. Chính trị là cốt lõi của sự thay đổi và nếu muốn thay đổi đất nước, bạn phải tham gia chính trường.

* Gia đình có ủng hộ anh theo nghiệp chính trị?

- Lúc đầu, khá khó khăn để thuyết phục gia đình tôi vì họ là những người ủng hộ mạnh mẽ chính quyền trước của Malaysia. Tuy nhiên, khi họ chứng kiến những nỗ lực của tôi và thấy tôi bị mất việc vì dám nói ra những tiếng nói thẳng thắn, gia đình đã đứng về phía tôi.

* Là bộ trưởng trẻ nhất (26 tuổi) làm "cánh tay nối dài" cho một thủ tướng lớn tuổi nhất (93 tuổi), anh có cảm thấy áp lực và khoảng cách thế hệ không?

- Đó là câu chuyện độc đáo của Malaysia. Tôi tin rằng khi có một thủ tướng lớn tuổi nhất và một bộ trưởng trẻ nhất ở trong cùng một nội các, sự kết hợp này sẽ giúp đất nước thịnh vượng hơn và tiến lên phía trước. Hiện có nhiều thành viên trẻ trong nội các của Malaysia. Chúng tôi hợp tác rất tốt với nhau.

Tôi không thấy sự xung đột thế hệ trong nội các hiện tại. Đúng là có một số thành viên theo chủ nghĩa thực dụng trong khi những người khác theo chủ nghĩa lý tưởng, trong đó có tôi. Do đó, điều quan trọng là phải tìm thấy điểm chung. Tôi tin rằng sự hợp tác giữa nhiều thế hệ trong chính phủ giúp công việc trở nên thú vị và hào hứng. Tôi tin rằng chính phủ này sẽ tạo nên lịch sử cho đất nước.

Thách thức lớn nhất của một bộ trưởng trẻ tuổi là ánh mắt hoài nghi của những người khác. Nhiều người cho rằng người trẻ không có năng lực và không có kinh nghiệm. Câu trả lời tốt nhất là chứng minh họ sai thông qua sự thành công của chính bạn.

Là bộ trưởng trẻ nhất, tôi thấy mình được trao đặc ân khi đại diện cho tiếng nói của những người trẻ ở Malaysia và bảo đảm rằng tiếng nói của người trẻ được lắng nghe. Tiếng nói của người trẻ rất quan trọng và những người làm chính sách không chỉ xác định tương lai của người trẻ, mà còn xác định hiện tại của họ vì giới trẻ không chỉ là lãnh đạo của tương lai, mà còn là lãnh đạo của hiện tại.

* Làn gió khác biệt mà những thành viên trẻ mang đến cho nội các Malaysia là gì?

- Tôi nghĩ bên cạnh suy nghĩ khác biệt và tư duy phản biện, người trẻ còn tràn đầy năng lượng và có rất nhiều ý tưởng mới, đặc biệt là chúng tôi có lý tưởng. Những người trẻ có lý tưởng luôn mong muốn mang lại điều tốt nhất cho đất nước.

Tiếng nói của người trẻ rất quan trọng và những người làm chính sách không chỉ xác định tương lai của người trẻ, mà còn xác định hiện tại của họ bởi giới trẻ không chỉ là lãnh đạo của tương lai, mà còn là lãnh đạo của hiện tại.
Bộ trưởng Syed Saddiq

Mong muốn 100% người dân ASEAN tiếp cận Internet

* Nhiều người trẻ ở ASEAN vẫn đang băn khoăn về lựa chọn nghề nghiệp tương lai trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đâu là những kỹ năng cần thiết người trẻ buộc phải trang bị trong kỷ nguyên số dù họ làm công việc gì chăng nữa?

- Tôi nghĩ kỹ năng quan trọng nhất là phải biết cách tư duy phản biện. Theo như các kết quả khảo sát của JobStreet ở Malaysia, tư duy phản biện luôn là kỹ năng mà các nhà tuyển dụng cần và đòi hỏi nhiều nhất.

Khả năng tư duy giải quyết vấn đề cùng với các kỹ năng mềm và tạo dựng mạng lưới quan hệ đều làm cho chúng ta khác biệt. Kỹ năng này sẽ không bao giờ có thể thay thế được, dù chúng ta có đang ở cách mạng công nghiệp 1.0 hay 4.0.

Trong thời đại ngày nay, công việc sẽ ngày càng được chuyên môn hóa. Trong khi mọi người phải được đảm bảo cơ hội nâng cấp và tái trang bị kỹ năng với chi phí thấp thì bản thân họ cũng cần phải sẵn sàng để học những điều mới, hoặc là sẽ bị bỏ lại phía sau. 

Trong một thế giới mà các ranh giới đang ngày càng trở nên vô hình, chúng ta sẽ không chỉ phải cạnh tranh chỉ ở Việt Nam hay Malaysia, mà còn phải cạnh tranh với những người khác từ Ấn Độ, Trung Quốc hay từ mọi nơi trên thế giới.

* Anh ba lần đoạt giải nhà hùng biện xuất sắc nhất châu Á tại Giải vô địch hùng biện Nghị viện Anh. Được biết, anh tự học tiếng Anh và kỹ năng hùng biện từ các video clip trên YouTube. Anh có nghĩ Internet cung cấp cơ hội công bằng trong tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người bất chấp xuất thân của họ?

- Hãy nghe tôi, bài toán tốt nhất để mang lại sự thành công cho đất nước chính là người dân tiếp cận Internet thế nào và chi phí tiếp cận Internet vừa túi tiền cho mọi người ra sao. Thế giới Internet chính là "ngân hàng kiến thức" và "ngân hàng" này ngày càng trở nên tốt hơn.

Theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều khóa học online, bao gồm các khóa học có các giáo viên giỏi nhất, được cung cấp miễn phí. Một số trường đại học nổi tiếng cũng cung cấp các khóa học online và cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ.

Sự tiếp cận Internet đóng vai trò tối quan trọng, giúp giới trẻ tiến lên những nấc thang mới ngay cả khi họ đến từ những vùng miền khó khăn hay nghèo khó. Do vậy, tôi mong muốn 100% người dân ở ASEAN sẽ tiếp cận Internet.

Malaysia đang thực hiện một sáng kiến nhằm làm tăng gấp đôi tốc độ kết nối Internet, trong khi giá thành chỉ còn một nửa. Chúng tôi cũng đang đề xuất thay đổi hiến pháp để quy định việc được tiếp cận Internet là một quyền con người.

* Nếu anh có một lời khuyên dành cho giới trẻ Việt Nam, đó là gì?

- Vận mệnh quốc gia nằm trong tay bạn. Nếu ai đó nghĩ rằng bạn quá trẻ, quá thiếu kinh nghiệm để làm một việc gì đó, hãy chứng minh họ sai. Giới trẻ phải suy nghĩ "ngoài chiếc hộp" (suy nghĩ vượt giới hạn và sáng tạo) và tư duy phản biện. Giới trẻ có sức mạnh và hoàn toàn có thể vượt qua những kỳ vọng dành cho họ.

Dù là bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân hay chính trị gia, nếu đó là đam mê cộng với thái độ làm việc chăm chỉ, tôi tin rằng giới trẻ Việt Nam có thể đưa đất nước tiến lên.

Mỗi ngày chỉ ngủ 4, 5 tiếng

* Là người bận rộn, anh cân bằng thời gian như thế nào?

- Thú thật tôi không thể cân bằng thời gian. Tôi dành hầu hết thời gian cho công việc. Tôi bắt đầu công việc từ 6h hoặc 7h sáng đến nửa đêm. Một khi tình yêu của bạn được đặt đúng chỗ, mọi công việc đều là phần thưởng và không ai có thể ngăn bạn. 

Tôi không xem việc phụng sự đất nước và người dân là một công việc, mà chính là đặc ân. Tình yêu đối với đất nước và đam mê phục vụ đất nước song hành trong tôi.

* Sở thích cá nhân của anh là gì?

- Tôi thích công việc dạy học. Vào thời gian rảnh, tôi tập gym, chạy bộ và chơi bóng đá.

* Hoạt động đầu tiên của anh khi đến văn phòng?

- Mỗi buổi sáng, tôi thường đọc Đài BBC, Al Jazeera, các tạp chí kinh tế và nghiên cứu một số chủ đề quan trọng trong tuần. Thật quan trọng để trở thành công dân toàn cầu và muốn trở thành công dân toàn cầu, bạn phải biết trên thế giới đang xảy ra cái gì thông qua cập nhật tin tức hằng ngày.

* Mỗi ngày anh ngủ bao nhiêu tiếng?

- Có khi 5 tiếng, có khi chỉ 4 tiếng mỗi ngày. Thỉnh thoảng tôi tranh thủ chợp mắt thêm trong xe hơi.

* Anh thích nghe nhạc của ai?

- Selena Gomez (ca sĩ, diễn viên nổi tiếng người Mỹ - PV).

Khoe cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ trên Instagram

untitled-1 copy

Bộ trưởng Syed Saddiq khoe cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ trên Instagram

Ngày 14-9, Bộ trưởng Syed Saddiq đăng một tấm ảnh trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ qua Skype trong văn phòng làm việc ở thủ đô Kuala Lumpur trên trang Instagram cá nhân (có 1,4 triệu người theo dõi) với dòng chú thích: "Trao đổi qua Skype với truyền thông Việt Nam. Nói về những tiềm năng chưa khai phá của giới trẻ ASEAN và sự cần thiết phải bảo đảm #YouthPower (sức mạnh của giới trẻ) lan tỏa khắp ngóc ngách ở ASEAN".

Từng là đứa con trai bám mẹ

Syed Saddiq sinh ra ở thành phố Johor Bahru, bang Johor, từng tự sự rằng lúc 19 tuổi anh là một con người hoàn toàn khác so với hiện nay. Tiếng Anh của anh không giỏi và kiến thức của anh nghèo nàn đến nỗi anh nghĩ châu Phi là một quốc gia và Ai Cập là một lục địa. Syed Saddiq cũng tự nhận mình là một đứa con trai bám mẹ.

Syed Saddiq tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Hồi giáo quốc tế. Năm 2016, ở tuổi 24, Syed Saddiq bắt đầu được biết đến với thành tích ba lần đoạt giải thưởng diễn giả xuất sắc nhất châu Á tại Giải vô địch hùng biện Nghị viện Anh và hai lần từ chối đề nghị nhập học của Đại học Oxford với lý do "muốn cải cách và phụng sự người dân Malaysia".

Syed cũng là thủ lĩnh nhóm "Challenger", gồm 25 bạn trẻ ký tuyên bố phản đối chính quyền cựu thủ tướng Najib Razak. Tháng 7-2018, Syed Saddiq trở thành bộ trưởng Thanh niên - thể thao Malaysia và cũng là người trẻ nhất trong lịch sử nước này nắm giữ chức vụ bộ trưởng.

Bộ trưởng Thanh niên và thể thao Malaysia yêu cầu FAM cải tổ Bộ trưởng Thanh niên và thể thao Malaysia yêu cầu FAM cải tổ

TT - Bộ trưởng Thanh niên và thể thao Malaysia Khairy Jamaluddin đã yêu cầu Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) tiến hành cải tổ bộ máy quản lý sau khi tuyển Malaysia liên tục nhận thất bại nặng nề ở vòng loại World Cup 2018.

QUỲNH TRUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên