Ngày 8-1, ông Lâm Hải Giang - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Cột cờ thành Bình Định (phường Bình Định, thị xã An Nhơn, Bình Định).
Theo ông Giang, thành Bình Định được xây dựng vào năm Gia Long thứ 12 (1814), bị phá hủy trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến 1946.
Tồn tại trên 100 năm, thành Bình Định vừa là thủ phủ, vừa là trung tâm chính trị văn hóa của tỉnh Bình Định, đặc biệt nơi đây đã diễn ra cuộc đấu tranh chống thuế sôi động của nhân dân Bình Định do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo năm 1908.
Trong Cách mạng Tháng 8-1945, thành Bình Định là căn cứ của cách mạng, nơi chứng kiến chế độ quân chủ sụp đổ, nhà nước dân chủ nhân dân ra đời.
Cột cờ trong thành Bình Định là di tích còn tồn tại cho đến ngày nay, đã ghi nhận bao thăng trầm, biến động của lịch sử tỉnh Bình Định nói chung, thị xã An Nhơn nói riêng.
Theo các tài liệu, Cột cờ thành Bình Định ở phía nam bờ thành, cách Cửa Tiền khi xưa khoảng 20m. Cột cờ đầu tiên được làm bằng gỗ thuộc loại danh mộc, đặt trên một ụ đất cao đắp ngang với bờ thành.
Cột cờ dùng để treo quốc kỳ mỗi năm vào các dịp lễ, Tết Nguyên đán, ngày đại khánh của nhà Nguyễn.
Năm 1936, cột cờ được đúc bằng bê tông cốt thép với chiều cao đến 20m, chân đế cột cờ hình vuông được xây bằng đá ong, dọc thân cột cờ được lắp những thanh sắt xuyên ngang để treo cờ.
Năm 2003, UBND thị xã An Nhơn trùng tu tôn tạo chống xuống cấp, giữ nguyên thân cột cờ, chỉ xây lại phần đế và xây lại miếu thờ Bá hộ Huệ vốn được nhân dân lập trước năm 1975.
"Di tích Cột cờ thành Bình Định ngoài giá trị lịch sử, văn hóa còn có ý nghĩa giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau tự hào về truyền thống ngàn năm văn hiến của quê hương. Từ ý nghĩa đó, di tích Cột cờ thành Bình Định đã được UBND tỉnh này xếp hạng cấp tỉnh vào năm 2005" - ông Giang cho hay.
Hiện nay, thực trạng khu vực Cột cờ thành Bình Định bị xói mòn, nền móng bị rễ cây xâm thực gây ra những vết rạn nứt lớn, xuống cấp trầm trọng, lối vào di tích phải đi bằng đường đất nhỏ.
Ông Giang nói việc quy hoạch tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Cột cờ thành Bình Định trả lại vẻ đẹp kiến trúc di tích, tạo nên không gian thông thoáng, trang nghiêm phục vụ công chúng và du khách tham quan nghiên cứu lịch sử.
Theo quy hoạch được duyệt, tổng diện tích quy hoạch là hơn 1,84ha. Trong diện tích này quy hoạch tổ chức không gian bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cột cờ thành Bình Định; tu bổ, tôn tạo, sửa chữa khu miếu thờ và chỉnh trang cảnh quan bia di tích gắn với di tích cột cờ; ngoài ra còn quy hoạch các khu vực phát huy giá trị di tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận