Phú Yên phát triển du lịch qua 5 loại hình giao thông - Ảnh: MINH CHIẾN
Theo Sở Giao thông vận tải Phú Yên, địa phương nằm ở trung tâm tam giác phát triển Khánh Hòa - Gia Lai - Bình Định; cửa ngõ ra biển vùng Tây Nguyên và tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; hành lang kinh tế phía Nam các nước Tiểu vùng sông Mekong.
Đầu tư cả 5 loại hình giao thông
Tại Hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch Phú Yên diễn ra vào tháng 10, đại diện Sở Giao thông vận tải Phú Yên cho hay giao thông là một trong ba lĩnh vực chính của du lịch, gồm lữ hành, lưu trú và vận chuyển.
Giao thông là "sợi dây" kết nối mọi hoạt động của du lịch. Do vậy việc chủ động, ưu tiên phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông sẽ làm tăng sức cạnh tranh, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Theo đó trong thời gian đến địa phương sẽ đầu tư cả 5 loại hình. Trong đó đường bộ sẽ huy động, phân bổ nguồn vốn vào các công trình động lực, có tính lan tỏa: Các trục giao thông chính kết nối các đô thị của tỉnh với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; dự án Tuyến đường bộ ven biển đang đầu tư xây dựng từ Sông cầu - TP Tuy Hòa; hoàn thiện tuyến liên kết vùng tuyến từ Cảng Bãi Gốc kết nối quốc lộ 1, cao tốc, đi Khu kinh tế Vân Phong; Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 25, quốc lộ 29 và quốc lộ 19C theo quy hoạch được duyệt; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh ĐT.641, ĐT.643, ĐT.644, ĐT.648 và ĐT.650.
Những cung đường đẹp ven biển tỉnh Phú Yên sẽ được đầu tư phát triển du lịch - Ảnh: MINH CHIẾN
Đối với cảng hàng không, sẽ nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Tuy Hòa đạt công suất 3 triệu hành khách/năm; nâng tần suất bay, xúc tiến mở các tuyến bay mới đến một số tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.
Đường sắt sẽ nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách đường sắt Bắc - Nam; xây dựng các đường gom dọc đường sắt; hoàn thiện quy hoạch phát triển tuyến đường sắt Tuy Hòa - Tây Nguyên và tuyến đường sắt đô thị qua địa phận tỉnh.
Dự trữ quỹ đất đủ lớn để hình thành các trung tâm dịch vụ, TOD, kết nối các đô thị, cảng biển, sân bay. Đặc biệt phối hợp chặt chẽ với Trung ương để sớm triển khai đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn qua tỉnh Phú Yên, dự kiến khởi công năm 2028, hoàn thành 2035.
Về đường thủy nội địa sẽ đầu tư các cảng, bến thủy nội địa; thu hút đầu tư bến du thuyền tại khu vực bãi biển TP Tuy Hòa, cảng Vũng Lắm, vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu), vịnh Vũng Rô (thị xã Đông Hòa)...; phát triển một số tuyến hàng hải ven bờ phục vụ du lịch đường thủy, vận chuyển hàng hóa; khai thông cửa sông, cửa biển phục vụ tàu thuyền.
Đầu tư và khai thác hiệu quả cảng Vũng Rô (cảng tổng hợp); xúc tiến thu hút đầu tư cảng nước sâu Bãi Gốc và hạ tầng logistics.
Phát triển giao thông xanh
Ông Nguyễn Tấn Chân - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên - cho hay những năm qua, tỉnh đã đầu tư nhiều dự án đã được đưa vào sử dụng như: hầm đường bộ Đèo Cả và hầm đường bộ Đèo Cù Mông... Hiện tỉnh đang triển khai đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường bộ ven biển.
Xe điện đưa khách lên tháp Nhạn TP Tuy Hòa - Ảnh: MINH CHIẾN
"Việc hình thành các tuyến cao tốc giúp rút ngắn thời gian di chuyển của hành khách, thuận lợi trong việc kết nối các điểm đến. Ngoài ra các tuyến đường ven biển được đầu tư sẽ là những tuyến đường đẹp để du khách có thể ngắm cảnh, từ các tuyến đường các địa phương có thể khai thác du lịch một cách phù hợp", ông Chân nói.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái - giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên - ngoài việc đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển du lịch, việc phát triển giao thông xanh cũng đang là hướng đi mới được địa phương chú trọng.
Hiện tại TP Tuy Hòa có một số hãng taxi điện, xe điện chở khách tham quan khắp thành phố không chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, mà còn góp phần quảng bá, khuyến khích phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu xanh, thân thiện với môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận