14/05/2012 06:58 GMT+7

"Phụ thuộc rất nhiều vào may mắn"

Đ.CƯỜNG - T.VŨ thực hiện
Đ.CƯỜNG - T.VŨ thực hiện

TT - Hôm qua 13-5, ông Phan Trọng Lân - phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - đã lên tiếng về tình hình bệnh “lạ”. Ông cho biết:

Thêm một bệnh nhân bệnh “lạ” tử vongBệnh “lạ” ở Quảng Ngãi: Thêm người tử vong

vQjBpp4Y.jpgPhóng to
Người dân xã Ba Điền mang chiếu cũ đi tiêu hủy - Ảnh: TẤN VŨ

- Bộ Y tế ý thức được việc đầu tiên là phải bảo vệ sức khỏe người dân bằng việc giảm số mắc, giảm số người tử vong bằng biện pháp tổng thể vừa điều tra nghiên cứu, vừa phải vệ sinh môi trường, thay chiếu mới, phát thuốc giun sán, vitamin.

* Vì sao ngành y tế không mời Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các chuyên gia nước ngoài cùng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân bệnh “lạ”?

- Chúng tôi và các anh (WHO - PV) cùng làm chứ không phải mời. Khi nào cần thì tham vấn thêm thôi. Hơn nữa, VN là thành viên của WHO nên hiện tại chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với các chuyên gia của tổ chức này. Ngoài ra, chúng tôi cũng kết hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh Hoa Kỳ. Các đề cương nghiên cứu, các thiết kế nghiên cứu chúng tôi đã tham vấn rất chặt chẽ hai tổ chức này để đưa ra các nghiên cứu tốt nhất cho người dân xã Ba Điền.

Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Đại học Nawasaki (Nhật) để xét nghiệm các tác nhân vi sinh. Dựa trên các biểu hiện lâm sàng, dịch tễ cho thấy đây là biểu hiện của sự nhiễm độc.

Tổng vệ sinh xã Ba Điền

Ngày 13-5, hơn 100 đoàn viên, thanh niên đã làm vệ sinh, phun thuốc khử trùng toàn bộ xã Ba Điền. Gần 1.000 người dân được cấp lại chiếu mới và 60 tấn gạo đã được cấp phát đến tay người dân. Cả ba thôn mắc bệnh là Làng Rêu, Gò Nghênh và Hi Long đều dùng chung một nguồn nước ở suối V’ranh, trong khi thôn Làng Tương ở cạnh đó không dùng chung nguồn nước thì đến nay vẫn chưa phát hiện có người mắc bệnh.

* Vừa qua có ý kiến cho rằng nguyên nhân bệnh có thể do gạo mốc, trong khi lãnh đạo huyện Ba Tơ khẳng định không phải là gạo mốc. Ông có ý kiến gì?

- Khi chúng tôi làm xét nghiệm về thóc mà người dân ở đây ủ theo kinh nghiệm dân gian thì phát hiện có tiết tố Anaflutaxin và có thể ảnh hưởng đến gan, gây xơ gan, ung thư gan. Chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu thêm, đồng thời cấp gạo mới đảm bảo chất lượng cho người dân.

* Còn những trường hợp người dân mắc bệnh được chữa khỏi nhưng sau đó tái nhiễm thì sao?

- Những trường hợp này chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu. Tái nhiễm ở đây phải hiểu là khi điều trị có thể khỏi nhưng có biểu hiện bên trong, chưa hồi phục hoàn toàn. Nó còn đang thách thức khoa học và chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để xác định được đâu là tái nhiễm, đâu là bệnh kéo dài.

* Đoàn công tác của Bộ Y tế nghiên cứu, kiểm tra thực tế tại Ba Điền đã có kết quả gì?

- Đây mới là những nghiên cứu ban đầu và có nhận định sơ bộ: có thể bệnh do nhiễm độc từ thực phẩm hoặc tiếp xúc da. Tuy nhiên, chúng tôi thiên về thực phẩm. Vì vậy, chúng tôi tập trung vào điều tra thực địa rất bài bản gồm tám nhóm do các giáo sư đầu ngành tham gia nghiên cứu. Trong ngày 14-5 sẽ điều tra hết tất cả trường hợp để hoàn thành thiết kế nghiên cứu dịch tễ học, tiếp tục lấy các mẫu xét nghiệm như máu, đất, thực phẩm để tìm nguyên nhân gây bệnh.

* Khó khăn lớn nhất lúc này của ngành y tế khi đối diện với bệnh “lạ”? Chưa bao giờ y tế VN gặp trường hợp tương tự phải không?

- Thực tế tính biến đổi của virút, vi khuẩn là khôn lường... nên cần nghiên cứu thêm mới có kết quả.

* Nhưng khi nào sẽ có kết quả cuối cùng về nguyên nhân gây bệnh “lạ”?

- Thời gian đưa ra kết quả phụ thuộc rất nhiều vào may mắn. Vừa là khoa học nhưng cũng là sự may mắn. Có nhiều tác nhân gây bệnh mới thì phải nghiên cứu sâu hơn. Và có thể phải nhờ các chuyên gia nước ngoài vì họ có thiết bị hiện đại hơn, có nhiều chuyên gia chuyên sâu hơn về độc học, môi trường học... để hỗ trợ chúng ta.

Hôm nay, họp báo về bệnh ”lạ”

Bộ Y tế cho biết sẽ tổ chức họp báo công bố tình hình phòng chống bệnh viêm dày sừng bàn tay, bàn chân vào chiều nay (14-5). Trong thư gửi đến Tuổi Trẻ, một bác sĩ có kinh nghiệm cho biết đã tham khảo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới và gợi ý bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi có thể có một phần căn nguyên do thiếu vitamin B3, còn gọi là bệnh Pellagra. Theo bác sĩ này, hình ảnh mô tả và nhiều biểu hiện lâm sàng về bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi và bệnh Pellagra tương tự nhau là cùng có các đốm đen viêm dày sừng trên da bàn tay, bàn chân. Bác sĩ cũng cho hay gợi ý này xuất phát từ phân tích yếu tố dịch tễ, lâm sàng về bệnh “lạ” và mong muốn được chuyển gợi ý này đến cơ quan có thẩm quyền để thêm thông tin giúp chẩn đoán căn bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi.

Đ.CƯỜNG - T.VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên