Nào là thiềm thừ, tức con cóc miệng ngậm đồng tiền bằng gỗ nu, đặt ở cửa ra vào để tránh tai ương, rước tài lộc. Chiếc phản bằng gỗ lim nguyên tấm ngâm dưới bùn chục năm rồi vớt lên chế tác thành nên chắc và bóng nhẫy. Hai chiếc độc bình gỗ cẩm lai cao ngang bàn thờ, đặt hai bên. Rồi ông thần tài bằng gỗ thủy tùng...
Mỗi món, ba bạn phải bỏ ra từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Bạn kể mua về xài vài năm không bị mất giá, bán lại giá còn cao hơn vì phong trào chơi “hàng độc” đang phát triển mạnh khắp nơi.
Phóng to |
Con cọp nhồi bông được trưng bày ở khách sạn - Ảnh: Xuân Huy |
Câu chuyện của bạn làm tôi nhớ lại những chuyến công tác trước, tôi có dịp đi hầu hết các tỉnh Tây nguyên, nhận thấy trong nhiều ngôi nhà riêng, khách sạn... có chút điều kiện là người ta trưng ra đủ thứ sản phẩm bằng gỗ quý.
Một chủ khách sạn ở tỉnh Gia Lai, nơi tôi cư ngụ, khoe ngoài khách sạn được ốp gỗ quý toàn bộ và hàng chục món nội thất “khủng”, ông còn một căn nhà chỉ dùng để trưng bày những món hàng độc nhất vô nhị.
Tôi nhìn phòng khách của khách sạn cũng đủ thấy hết vẻ xa hoa. Hai chiếc độc bình to cao mà ông chủ cho rằng gỗ được đưa về từ Campuchia. Con cọp nhồi bông to quắc mắt giơ nanh trong lồng kính. Những chiếc gạc hươu, sừng bò tót được đóng đinh vào tường làm vật trang trí...
Nếu khắp Tây nguyên (và cả những vùng khác trong cả nước), ở đâu cũng có những gia đình chơi hàng độc như nhà bạn tôi ở Đắk Lắk, hay nhiều khách sạn trong vô vàn khách sạn ở Gia Lai đều săn lùng những món hàng trong sách đỏ thì quả là con người chúng ta đang phát động một phong trào tận diệt thiên nhiên!
Trong cơn ham muốn sở hữu, người ta có thể bỏ tiền bứng nguyên một cây lộc vừng cổ thụ mang về nhà. Người ta có thể lùng và đào bới tận cùng rễ của một cây thủy tùng vì những tin đồn. Cách tận diệt thiên nhiên ấy chẳng khác nào ra tay tự diệt chính mình và đồng loại.
Có thể thấy đầu mối của “phong trào tận diệt” trên là quan niệm về sự phú quý của một bộ phận người có tiền. Trong nền kinh tế thị trường, người ta có thể phất lên từ việc nắm bắt một cơ hội làm ăn nhất định. Người ta có thể thoát nghèo trong tức khắc. Và trong sự ganh đua vì sĩ diện, vì sự khẳng định đẳng cấp ấy, người ta quên cách ứng xử hiểu biết với tự nhiên mà hành xử theo kiểu “Thạch Sùng thiếu mỗi mẻ kho”.
Người ta quên mất rằng bản chất phong thủy thật ra chỉ là tạo một môi trường sống hài hòa với thiên nhiên, là cái đức hạnh con người trong làm ăn buôn bán, đối nhân xử thế. Từ đó mang lại cho con người sức khỏe, tinh thần thoải mái, niềm vui sống. Đó gọi là lộc, chứ không phải vung tiền cưỡng ép tự nhiên phục vụ theo ý mình và tư tưởng dị đoan của mình.
Những loài thú quý hiếm, những thân gỗ che chắn cho sự sống con người... ngày càng biến mất trong rừng sâu để xuất hiện trong nhà với mong muốn thể hiện đẳng cấp phú quý của một bộ phận người có tiền. Trong cuộc “chạy đua” thể hiện sự giàu sang, chẳng lẽ họ sẽ giải thích sự tàn phá, tận diệt thiên nhiên là do lỗi của “lâm tặc” và sự giận dữ của thiên nhiên quay trở lại với con người (mà nhất là người nghèo) trong các đợt thiên tai hằng năm là không liên quan đến họ hay sao?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận