Nhiều người Việt đánh bài ở casino bên kia biên giới Campuchia nơi giáp với cửa khẩu Tho Mo, huyện Đức Huệ, Long An. Rất nhiều trong số đó là phụ nữ - Ảnh: Trần Đức |
“Nhàn cư vi bất thiện. Các quý bà này như con thiêu thân, không biết rằng tổ chức Caniso là bên cầm cán, trong khi họ cầm lưỡi dao. Thế là bán đất, bán nhà, bỏ gia đình và khi hết tiền thì họ sẽ làm gì ai cũng biết” - bạn đọc Nguyễn thở dài.
Không chỉ bạn đọc Nguyễn, rất nhiều người cũng không nén nổi tiếng thở dài khi nhiều phụ nữ sang Campuchia đánh bài bỏ bê gia đình, nhà cửa.
Con cái họ rồi sẽ được nuôi dạy thế nào, đánh bạc thua thì có đi vay nặng lãi hay mại dâm không?... Rất nhiều vấn đề đã được người dân và các chuyên gia đặt ra.
Tại sao phụ nữ lại “máu mê” cờ bạc?
Nhiều chuyên gia về tâm lý, xã hội cho rằng cần có những nghiên cứu sâu về nguyên nhân cụ thể dẫn đến việc nhiều phụ nữ bỏ bê gia đình, chồng con để đi đánh bài.
Thạc sĩ (ThS) tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung cho rằng theo sự phân định về giới tính thì nam giới thường chọn những hình thức giải trí mang tính “sát phạt” nhiều hơn nữ giới. Quan niệm xã hội cũng cho rằng nữ giới nên chọn những loại hình giải trí lành mạnh và nhẹ nhàng hơn.
Sự phân định giới tính là thế nhưng thực ra việc lựa chọn loại hình giải trí còn phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người và môi trường xung quanh. Ví dụ như nếu môi trường ở xung quanh người phụ nữ không có những hình thức giải trí lành mạnh mà chỉ có những hình thức như đá gà, cá độ bóng đá, đánh bài thì đó sẽ là những sự lựa chọn duy nhất.
“Một lý do khác có thể là vì “rảnh rỗi sinh nông nổi” như ông bà ta thường nói. Trong sự rảnh rỗi đó người ta vẫn muốn tạo nên vật chất và cờ bạc là loại hình giải trí có thể mang đến hy vọng về tiền. Thế nên một số phụ nữ vừa có thời gian, vừa có tiền và thay vì đầu tư vào làm ăn, họ lại chọn một loại hình mà theo họ nghĩ là vừa giải trí, vừa kiếm ra tiền” - ThS Trang Nhung phân tích.
Tuy nhiên theo GS.TS Lê Thị Quý - viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, tại sao người ta không đầu tư thời gian và tiền bạc vào những cách hưởng thụ lành mạnh như thể thao hay những hoạt động văn hóa khác mà lại là cờ bạc?
“Mình thua cũng khổ mà mình được cũng chưa chắc đã sướng. Sung sướng gì cái chuyện người ta tan cửa nát nhà? Vậy tại sao lại cứ phải bài bạc như thế?” - GS.TS Lê Thị Quý nói.
Không những là vậy, cờ bạc còn kéo theo rất nhiều hệ lụy. Theo ThS Trang Nhung, bài bạc thực chất là đầu tư một chiều, chỉ có vào mà không có ra, chỉ có cho đi mà không thu lại được. Nhiều người lại có tâm lý “làm liều” khi không còn tiền để cờ bạc.
“Kiếm thêm tiền một cách chính đáng không được thì họ sẽ nghĩ đến những cách thức khác. Ví dụ như đi vay nặng lãi hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật như trộm cướp hoặc mại dâm để có tiền tiếp tục tham gia vào các trỏ đỏ đen với mong muốn gỡ gạc lại số tiền mình đã mất” - ThS Trang Nhung nói.
Theo ThS xã hội học Lê Minh Tiến (ĐH Mở TP.HCM), nó cho thấy nền dân trí của người dân mình còn thấp. Ở một trình độ, một địa vị nào đó, người ta sẽ thưởng thức cuộc sống theo một kiểu khác, không nhất thiết là bài bạc.
Con cái sẽ là người chịu ảnh hưởng trực tiếp
Một bạn đọc kể chuyện một gia đình có người mẹ nghiện sòng bài, chồng bị bệnh chỉ gọi điện về hỏi thăm, nghe nói không sao lại… đánh bài tiếp. Bạn đọc này chua chát: “Bên trong đó có cái gì mà hút người dữ vậy?”
Một chuyên gia tâm lý cho rằng việc đam mê cờ bạc chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, hạnh phúc gia đình và đặc biệt là con cái.
“Có một người mẹ nghiện bài bạc sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến vấn đề về tâm lý, học hành và lối sống của con trẻ. Không những thế còn là một tấm gương rất xấu. Các em khi lớn khả năng cao là sẽ không tập trung học hành mà đi theo bố mẹ đánh bài, sau này lớn lên sẽ lại trở thành con bạc, gây ảnh hưởng đến cả xã hội” - chuyên gia này cho biết.
Theo ThS Trang Nhung, người phụ nữ luôn được mặc định là người chăm sóc gia đình. Thế nhưng khi người phụ nữ lại xây dựng hạnh phúc trên các chiếu bạc như thế thì tổ ấm sẽ ra sao?
“Có một đặc tính tâm lý là khi người ta đã tham gia vào trò đỏ đen rồi thì rất khó dứt ra. Người ta sẽ bỏ bê gia đình. Cái mất đầu tiên của những đứa con là sự quan tâm chăm sóc thương yêu của cha và đặc biệt là người mẹ” - ThS Trang Nhung nhận định.
Nên mở sòng bài ở VN? Đã có nhiều cuộc tranh luận về việc hợp pháp hóa cờ bạc tại VN. Nhiều người cho rằng nếu trong nước có sòng bạc thì người dân sẽ không phải ra nước ngoài, nhà nước cũng dễ dàng kiểm soát hơn, vừa tạo được công ăn việc làm, vừa thu được tiền thuế, giữ được nguồn tiền ở trong nước. Tuy nhiên theo ThS Lê Minh Tiến, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy ở những khu vực có sòng bài có rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh. Thí dụ như gia tăng tỉ lệ nhân viên bị cho thôi việc, tình trạng mại dâm, cho vay nặng lãi… Vì vậy, vấn đề mở sòng bạc không hề đơn giản. Còn phải xem xét đến việc xã hội sẽ phải gánh thêm nhiều vấn nạn khác. “Sòng bạc thế nào cũng phải có các món ăn chơi khác đi kèm. Văn hóa của người châu Á là thế, có kiểu “xả xui” hay “phần thưởng cho người thắng cuộc”. Khi hợp pháp hóa cờ bạc thì ta phải nghĩ đến việc có thể sẽ phải hợp pháp hóa luôn cả mại dâm” - ThS Lê Minh Tiến nêu ý kiến. Ở một chiều hướng khác, ThS Trang Nhung cho rằng có thể nếu các sòng bài được mở ra và có các quy định chặt chẽ thì sẽ quản lý được vấn nạn này. Ví dụ như ở nhiều nước có quy định bao nhiêu tuổi mới được đánh bài và thậm chí còn không cho người dân sở tại vào ví dụ như ở Singapore. Tuy vậy, quản lý như thế nào mới thực sự là vấn đề. Theo TS Huỳnh Thế Du - giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế ĐH Fulbright, các loại hàng hóa xấu có hai thái cực, một là chỉ hạn chế như thuốc lá, hai là phải cấm như ma túy. Bài bạc và mại dâm nằm giữa hai thái cực đó. Có một số nước cấm, một số nước cho hoạt động nhưng có quy định và quản lý chặt chẽ. Nếu cho hoạt động thì sẽ đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, nhưng ngược lại sẽ kéo theo hàng loạt những vấn đề xã hội. Có cho phép hay không thì cần phải cân nhắc rất kỹ giữa hai vấn đề này. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> TS Huỳnh Thế Du:
>> ThS Lê Minh Tiến:
>> GS.TS Lê Thị Quý:
>> ThS Nguyễn Thị Trang Nhung:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận