Phụ huynh và học sinh xem danh sách trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2018-2019 tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG
Mỗi năm cứ đến kỳ thi tuyển sinh lên lớp 10, phụ huynh và học sinh rất sợ không đủ điểm vào trường công, phải học trường tư. Có nhiều lý do để người ta sợ học trường tư: học phí cao, có nhiều học sinh cá biệt, nhiều trường cũng dạy kiểu nhồi nhét...
Trong khi đó, lâu nay Nhà nước có chủ trương xã hội hóa giáo dục để giảm gánh nặng bao cấp trong lĩnh vực này và giảm tải cho giáo dục công, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong mắt người nước ngoài, họ suy nghĩ gì về việc này?
Chính phủ nên xem xét kỹ khi cấp giấy phép cho các doanh nghiệp tư nhân, trước khi mạo hiểm tương lai của thế hệ trẻ bằng các loại hình giáo dục kém chất lượng nhưng đắt đỏ
Ông Herby Neubacher
Chị Auntida Vajrabhaya (giáo viên trường tư ở Thái Lan):
Đa số học sinh trường tư là con nhà giàu
Tôi đang dạy tiếng Anh tại một trường tư thục ở Thái Lan. Không chỉ trường tôi mà các trường tư khác ở đất nước tôi, sĩ số trong một lớp thường không quá 25 học sinh. Trong khi đó, trường công thường có từ 40-50 học sinh/lớp.
Các trường công lâu đời ở Thái Lan có chất lượng dạy và học rất đáng ngưỡng mộ. Do đó, nếu các học sinh rất thông minh hoặc trường hợp gia đình muốn kiến tạo một thành tích sáng chói từ khi còn bé cho con em mình, họ sẽ gửi con vào trường công.
Muốn vào những trường này, các em phải thi đầu vào và việc tuyển sinh sẽ lấy những em giỏi nhất từ trên xuống dưới cho đến khi đủ chỉ tiêu nên khá cạnh tranh.
Với các trường tư, học sinh không cần thi đầu vào. Do đó em nào học lực tầm tầm hoặc không thích áp lực của việc cạnh tranh, thi cử hay gia đình có điều kiện thì họ thích vào trường tư hơn. Một lý do nữa là trường tư thoải mái hơn. Chúng tôi cũng có những quy định rất nghiêm nhưng vẫn không ngặt nghèo như ở trường công.
Thuận lợi của các trường tư còn ở chỗ chúng tôi có nhiều tiền đầu tư vào các hoạt động cho học sinh hơn, nhiều lớp kỹ năng, nhiều lựa chọn trong các môn thể thao, các môn năng khiếu. Giáo viên phụ trách ít học sinh hơn nên dễ theo sát từng em và thường xuyên trao đổi với phụ huynh.
Do đa số học sinh các trường tư đều là con nhà giàu, có thể vài trường hợp học sinh rất tự phụ và kiêu căng, coi thường giáo viên, nhưng trường hợp này không xảy ra ở trường tôi dạy.
Theo ý kiến cá nhân tôi, trường tư năng động hơn do luôn nghĩ về việc bảo đảm và nâng cao chất lượng vì đó là vấn đề sống còn trong kinh doanh của những nhà đầu tư.
Nếu có con, tôi muốn gửi con vào trường tư trong những năm cấp I vì trường tư sẽ chăm sóc rất tốt cho con tôi ở độ tuổi mà bé chưa biết tự chăm sóc mình.
Khi bé vào cấp II, III, tôi sẽ chọn trường công vì con sẽ gặp các bạn học từ nhiều hoàn cảnh, xuất thân trong xã hội, chứ không phải như ở trường tư, nơi trẻ toàn tiếp xúc với bạn bè ở các gia đình giàu có...
Ông Stivi Cooke (người Úc):
Cần kiểm tra trường tư thường xuyên
Tôi từng có nhiều năm dạy tiếng Anh ở Việt Nam. Tôi không thích các trường tư thục ở Việt Nam vì không có bằng chứng cho thấy họ có thể cải thiện hơn việc giáo dục học sinh so với trường công lập.
Tôi biết cũng có một số trường tư rất tốt, đặc biệt là đối với học sinh năng khiếu, nhưng nhiều trường tư quảng cáo là họ có "các lớp học hiện đại" và "khóa học đặc biệt" chỉ nhằm thu hút nhiều học sinh (và nhiều tiền) vào trường của mình...
Ở Úc, trường công cũng thu hút nhiều học sinh hơn trường tư, phần lớn vì học phí rẻ hơn. So sánh với Việt Nam thì giáo dục công ở Úc được tài trợ tốt và hầu như tất cả các trường đều có cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt và giáo viên tận tụy được đào tạo bài bản.
Các trường tư ở Úc có mức phí rất cao, nhưng chính phủ kiểm tra để đảm bảo họ không "chặt chém" học sinh và phụ huynh.
Tại Việt Nam, có rất ít bằng chứng cho thấy tài liệu học, phương pháp giảng dạy và giáo viên của trường tư tốt hơn so với các trường công lập. Tôi cũng không thấy nhiều bằng chứng về các lớp học quy mô nhỏ, sự chú ý hoặc giúp đỡ các học sinh gặp khó khăn với các môn học khó như toán, khoa học và vật lý ở các trường tư.
Để đảm bảo chất lượng giáo dục tư, các trường tư nhân cần được Bộ GD-ĐT kiểm tra thường xuyên. Hoạt động giảng dạy cần được quan sát và ghi nhận, học sinh nên được tạo điều kiện để có thể phản hồi với thanh tra giáo dục.
Ngoài ra tài liệu học cần được kiểm tra để đảm bảo nội dung được cập nhật mới và phù hợp với chương trình giảng dạy quốc gia. Tất cả các trường phải có bản sao chương trình giảng dạy của mình để có thể kiểm tra những gì họ đang làm thực sự.
Ông Herby Neubacher (người Đức):
Tìm hiểu kỹ trước khi cho con theo học
Tôi biết ở Việt Nam có một hệ thống trường tư quốc tế rất tốt. Tuy nhiên có mặt trái là những ngôi trường như thế này thường dễ tạo cho học sinh tư tưởng mình "ưu tú".
Đức là một đất nước của giáo dục công. Trường tư cũng có nhưng hầu hết chỉ được sử dụng như những trường nội trú, nơi học sinh ở xa nhà để học. Trường trung học luôn là trường công, trường tư chỉ bắt đầu từ những cấp học cao hơn và tiền học rất mắc.
Lợi thế rõ ràng của trường tư là bạn có thể tập trung vào sự phát triển và giáo dục của con mình nhiều hơn ở trường công lập, cụ thể là trong trường hợp cần sự kèm cặp từ giáo viên.
Tuy nhiên, giáo dục không phải là tất cả, cuộc sống đôi khi còn dạy điều khác biệt so với một trường học "ưu tú". Ở trường trung học cũ của tôi, nhà trường đặt một bảng thông báo ở lối vào là "Chúng ta không chỉ học trong trường, chúng ta học cho cuộc sống".
Tôi nghĩ rất khó khăn cho các bậc cha mẹ Việt Nam để có thể vượt qua được "khu rừng" trường tư tốn kém. Tôi không vui với thực tế có nhiều nơi biến giáo dục thành chuyện kinh doanh, lợi dụng niềm hi vọng của các bậc cha mẹ và học sinh dưới cái mác "quốc tế" hào nhoáng nhưng thật ra lại rỗng tuếch. Theo tôi, phụ huynh chỉ nên quyết định chọn trường cho con khi đã được thông tin kỹ lưỡng về các dịch vụ được cung cấp.
Anh Harry Brown (kỹ thuật viên dầu khí, người Anh):
Học trường gì chỉ là một phần trong sự thành công
Tôi đã sống ở Việt Nam gần sáu năm, con trai tôi tháng 9 tới sẽ vào lớp 1. Chúng tôi sẽ cho cháu đi học trường quốc tế đơn giản vì học phí của con mình được cơ quan chi trả.
Một số bạn bè người nước ngoài của tôi cũng cho con đi học trường quốc tế phần lớn vì họ có công việc và thu nhập tốt để có thể chi trả mức học phí của trường quốc tế tại Sài Gòn.
Theo hiểu biết của tôi, những trường công tốt ở Việt Nam thì chất lượng rất tốt nhưng lại rất ít và khó xin cho con vào học.
Ở Anh, các trường công chất lượng tốt cũng rất khó vào vì thường sẽ ưu tiên nhận hồ sơ các học sinh trong địa bàn - kiểu như theo tuyến ở Việt Nam, tiếp theo là các em học sinh rất giỏi ở những vùng khác.
Vì vậy không phải gia đình nào cũng có thể chắc chắn một suất cho con học trường công. Ở Anh, các trường tư có chất lượng rất tốt nhưng học phí khá đắt.
Tôi thấy thực tế là nhiều tài năng lại xuất thân từ những gia đình không khá giả. Vì vậy, theo tôi, học trường gì chỉ là một phần trong sự thành công của trẻ.
Yếu tố kèm cặp sát sao của cha mẹ theo tinh thần động viên, khuyến khích trẻ; phương pháp giáo dục theo lối sáng tạo, thúc đẩy tư duy phản biện, tôn trọng ý kiến cá nhân, không theo lối mòn... để thúc đẩy một ngọn lửa đam mê và niềm vui tìm hiểu kiến thức của trẻ thì bất cứ học sinh nào cũng có thể đi con đường rất dài trong việc bầu bạn với kiến thức.
Một ngôi trường chất lượng cao vào những năm đầu đời của trẻ có thể là tiền đề tốt, nhưng trẻ vẫn có thể nắm bắt hoặc tạo ra những cơ hội cho mình ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình trưởng thành.
Hồng Vân ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận