21/06/2018 07:38 GMT+7

Phóng viên trẻ ngược xuôi bản làng Tây Bắc

Đ.BÌNH - VŨ TUẤN - CHÍ TUỆ
Đ.BÌNH - VŨ TUẤN - CHÍ TUỆ

TTO - Thu nhập không bằng anh thợ hồ, bác xe ôm, phóng viên các đài truyền thanh - truyền hình huyện vẫn dấn thân với nghề, bất chấp điều kiện tác nghiệp thiếu thốn.

Phóng viên trẻ ngược xuôi bản làng Tây Bắc - Ảnh 1.

Phóng viên Nguyễn Trang - Ảnh: ĐIÊU THÀ

4-5 triệu đồng/tháng là thu nhập của phóng viên ở hầu khắp các đài truyền thanh - truyền hình các huyện thuộc vùng Tây Bắc xa xôi.

"Nhà báo huyện", lương 3,5 triệu đồng/tháng

Phóng viên trẻ Nguyễn Trang (27 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng truyền hình và ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội) ở Đài truyền thanh - truyền hình huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) là một trong những đồng nghiệp như thế.

Cô phóng viên "bé hạt tiêu" này đã có 8 tuổi nghề, vác máy ngược xuôi khắp 11 xã trong huyện. "Chưa có bản làng nào trong huyện mà em chưa đặt chân đến. Để đến được những bản làng cách trung tâm huyện cả trăm cây số, mấy phóng viên đài em chỉ đi bằng xe máy, nhiều lúc còn phải vác máy đi bộ, lội suối, leo núi, băng rừng…" - Trang tâm sự.

"Mọi người vẫn nói bọn em là những "nhà báo huyện", những "phóng viên không thẻ". Đài em có hơn 20 người, nhưng chỉ có 4 người lo nội dung. Lương của em hiện là 3,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm khoảng 1 triệu tiền nhuận bút, công tác phí mỗi tháng. Nói chung thu nhập thua anh thợ hồ, hay bác xe ôm ở thị trấn, huyện…".

Phó trưởng Đài Lò Thị Nhất cho biết, mỗi năm, đài chỉ có 10 triệu đồng nhuận bút chia cho 4 phóng viên. 8 năm qua, "Trang luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gần như năm nào cũng được bằng khen của đài, của huyện", chị đánh giá.

Trang kể, khi cô mới tốt nghiệp, bạn bè cũng rủ ở lại Hà Nội, tìm việc ở các cơ quan báo chí lớn. Nhưng cô đã chọn về huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, nơi bố cô - nhà báo Nguyễn Tiến Sơn - từng có 26 năm công tác, mẹ cô từng làm kỹ thuật viên ở đài. 

"Ngày bé, thấy ba đi sớm về muộn, thức khuya dậy sớm viết bài, lăn lộn và tìm ra những cái mới, mình mong lớn lên sẽ theo ba, được làm báo để đi nhiều nơi, khám phá những điều mới lạ, truyền tải những cái hay cái đẹp của đất và người Quỳnh Nhai, cũng như phê phán những cái xấu.

Ba rất giản dị từ cách ăn mặc đến lời nói, nhưng đằng sau đó là sự nhiệt huyết, là sự tỏa sáng khi ba làm nghề. Mình chọn nghề báo, và chọn Quỳnh Nhai để làm việc là vì những lý do đó", cô phóng viên trẻ cho biết.

Phóng viên trẻ ngược xuôi bản làng Tây Bắc - Ảnh 2.

Trang ghi hình trong một lần tác nghiệp - Ảnh: ĐIÊU THÀ

Phóng viên "4 trong 1"

Trang cho biết phóng viên ở một đài huyện, lại ở huyện miền núi vùng sâu vùng xa khác phóng viên miền xuôi. Cô đi tác nghiệp không có bạn bè, đồng nghiệp, mà chỉ âm thầm, lầm lũi một mình. Mỗi phóng viên đài huyện phải luôn nâng cao nghiệp vụ, tự học hỏi để có thể tác nghiệp "4 trong 1": lên kịch bản, phóng xe máy vác máy trên lưng, vừa quay vừa dẫn hiện trường, rồi viết tin, rồi dựng…

"Mùa mưa lũ miền núi rất nguy hiểm, và khi thiên tai xảy ra, dù không muốn, phóng viên đài huyện vẫn luôn là những người đầu tiên tiếp cận hiện trường, cung cấp thông tin cho khán giả. Ở Tây Bắc, đã có những phóng viên, nhà báo tử nạn trong những vụ như thế. 

Chúng em cũng biết, nhưng không vì thế mà mình chùn bước. Nhiệm vụ của mình là phải luôn có mặt ở những điểm nóng như vậy. Trách nhiệm của mình luôn phải là người đưa tin đầu tiên ở địa bàn" - Trang bộc bạch.

Trang kể, có những sự kiện như năm 2012, khi quay phóng sự về lễ hội của người Mông, trời bất ngờ đổ mưa như trút, nhưng vì muốn ghi lại những khoảnh khắc sống động nhất của lễ hội, Trang lấy áo mưa che cho máy, còn mình đội mưa.

Hay như có lần nghe tin có lũ quét qua bản người Mông, Trang bất chấp trời mưa, đường lầy lội, cô vẫn một mình phóng xe máy, đeo máy quay trên lưng đến trung tâm xã, rồi bỏ xe vác máy lội bộ vào hiện trường. 

"Khi đó mình chỉ nghĩ phải đến tận nơi, ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về những mất mát của người dân. Nhìn hình ảnh nhà cửa tan hoang, đồng bào đói rét, mình quên hết mệt mỏi, chỉ mong những tin tức, hình ảnh của mình sẽ sớm lan tỏa, sẽ có sự giúp đỡ người dân vượt qua nỗi khó khăn.

Đầu năm nay, mình được phân công theo đoàn công tác của huyện đi triệt phá cây thuốc phiện, ở nơi hẻo lánh, xa khu dân cư nhất. Mình phải vác máy cùng các vật dụng gần 10kg đi bộ, băng rừng, leo núi 15km. Đường xa nên ai cũng khẩn trương. 4-5km đầu tiên mình cố theo đoàn, nhưng càng về sau sức con gái có hạn, cứ tụt dần. Càng đi càng lên cao, dốc đứng, nhiều chỗ trơn trượt, vẫn phải nhìn theo hút người phía trước để bước. Nhiều lúc vắt bám cắn chảy máu chân mà kệ, vẫn cứ đi.

Khi đến nơi, nhìn xuống thấy vắt bám đầy chân, giật gỡ vắt ra thì túa máu. Thuốc không có, chỉ biết xin mấy anh đi cùng có điếu cày lấy nước điếu đổ lên các vết thương, vừa để sát trùng, vừa để đỡ bị vắt cắn", Trang nói về những kỷ niệm làm báo.

Nghề chọn người. Nghề đã cho mình cơ hội đi nhiều nơi, gặp được nhiều người, tìm hiểu nhiều điểm mới. Mỗi lần vượt qua các thử thách, mình thấy nghề đã cho mình thêm kinh nghiệm và trưởng thành hơn. Phóng viên khi vào cuộc thì cần một trái tim nóng và cái đầu lạnh, một cái nhìn sáng suốt cùng cách đạt vấn đề và cách tiếp cận đúng đắn. Đó là những thứ nghề đã cho mình. Cho dù khó khăn, vất vả, tình yêu nghề tạo cho mình nghị lực để vượt qua tất cả

Phóng viên Nguyễn Trang

Cũng vì thu nhập từ nghề quá thấp, để trang trải thêm, Trang phải làm thêm bằng việc bán hàng online kiêm luôn giao hàng. Vào trang facebook của Nguyễn Trang, ít khi thấy cô nói chuyện nghề, chuyện đời mà chỉ toàn hình ảnh giày dép, áo, ví…

Điều tra vụ phóng viên tố bị đánh khi xác minh "áo mưa giá 1 triệu đồng" Điều tra vụ phóng viên tố bị đánh khi xác minh 'áo mưa giá 1 triệu đồng'

TTO - Công an TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình đang tập trung truy tìm đối tượng được cho là có hành vi đánh hai phóng viên chuyên trang Phapluatnet.vn và tạp chí điện tử Luật sư sau khi cả hai có buổi làm việc tại Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình.

Đ.BÌNH - VŨ TUẤN - CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên