14/04/2016 18:14 GMT+7

Câu chuyện hòa bình 4: xúc động thông điệp hòa bình từ Tokyo 9 2 8

QUỲNH NGUYỄN - TRẦN TIẾN DŨNG (từ Tokyo)
QUỲNH NGUYỄN - TRẦN TIẾN DŨNG (từ Tokyo)

TTO - Chương trình nghệ thuật Câu chuyện hòa bình số 4 chủ đề Cánh hoa hòa bình khép lại ấm áp và xúc động tại Tokyo (Nhật Bản) tối 14-4.

Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Tăng Hữu Phong, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc điều hành tập đoàn Holdings - ông Teruo Tsuneda tặng hoa cho các nghệ sĩ cuối chương trình -Ảnh: Trần Tiến Dũng

Trước đó, triển lãm ảnh Việt Nam hòa bình khai mạc lúc 18g ngày 14-4 (giờ Nhật Bản) tại sảnh khán phòng C Tokyo International Forum.

Phát biểu tại Tokyo International Forum chiều 14-4, ông Tăng Hữu Phong - Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết:

"Chương trình âm nhạc đặc biệt với tên gọi Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình - số 4, với chủ đề “Cánh hoa hòa bình” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và báo Mainichi tổ chức với mong muốn cùng gửi đi thông điệp khát khao, yêu chuộng hòa bình của tuổi trẻ, góp phần kết nối tinh thần đoàn kết vì một thế giới bình yên của sinh viên, thanh niên trong và ngoài nước.

Chúng tôi tin rằng “Câu chuyện hòa bình” sẽ tiếp tục truyền đi thông điệp mà nó hàm chứa, và nhận được sự đồng cảm của bạn bè Nhật Bản nói riêng và quốc tế nói chung".

Ông Tăng Hữu Phong - Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu khai mạc triển lãm tại Tokyo chiều 14-4.
Ông Tăng Hữu Phong - Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu Tokyo International Forum chiều 14-4.

Lúc 19g, khi 1.500 khán giả đã yên vị chỗ ngồi trong khán phòng, người dẫn chương trình Hoàng Thảo giới thiệu: "Tuổi Trẻ Việt Nam- Câu Chuyện Hoà Bình” là một thương hiệu nghệ thuật cộng đồng của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và báo Tuổi Trẻ tổ chức từ năm 2014, với sự cố vấn của ông Phạm Phú Ngọc Trai.

Chương trình ra đời như một nhu cầu tất yếu đại diện cho tinh thần yêu chuộng hoà bình của giới trẻ, đặc biệt là sinh viên thanh niên Việt Nam, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật âm nhạc chất lượng cao để lan toả trong cộng đồng trong nước và quốc tế".

Với sự thành công vượt mong đợi của ban tổ chức, ekip sản xuất chương trình và tất cả những nghệ sỹ tham gia trong chương trình số 1 năm 2014, số 2 năm 2015, số 3 vào tháng 3-2016 vừa qua, giờ đây lần đầu tiên chương trình Tuổi Trẻ Việt Nam - Câu Chuyện Hoà Bình số 4 với chủ đề Cánh Hoa Hòa Bình đến với đất nước Nhật Bản".

Rất nhiều người Việt sinh sống, du học tại Tokyo đến xem chương trình.

Phát biểu mở màn chương trình, ông Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên VN - nói:

"Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình là chương trình do Trung ương Hội sinh viên VIệt Nam và Báo Tuổi Trẻ TP.HCM phối hợp tổ chức. Chương trình là một chuỗi các hoạt động hướng đến mục tiêu giáo dục, lan tỏa lòng yêu nước, tình yêu hòa bình cho thanh niên Việt Nam, đặc biệt là sinh viên Việt Nam.

Qua ba lần tổ chức trong nước, bên cạnh chương trình nghệ thuật được đầu tư chất lượng cao, chương trình còn tổ chức nhiều buổi nói chuyện giữa đại sứ chương trình, những người có uy tín, định hướng đối với thanh niên, sinh viên Việt Nam để thắp lên ngọn lửa, khát vọng hành động, cống hiến của thanh niên cho sự phát triển của đất nước, giữ gìn hòa bình, nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Chương trình còn xây dựng học bổng Câu chuyện hòa bình với bước đầu trao 85 suất, tổng trị gia 850 triệu đồng, cho con em cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc.

Ông Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên VN - phát biểu khai mạc.

Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình bước đầu thành công khi sử dụng ngôn ngữ âm nhạc, thông qua sự thể hiện mới mẻ của các ca sĩ trẻ nổi tiếng của Việt Nam để truyền đi thông điệp, khẳng định tình yêu hòa bình, ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam đối với hòa bình của đất nước, hòa bình trong khu vực và trên toàn thế giới. 

Hôm nay, tại Tokyo, Câu chuyện hòa bình lần đầu tiên ra khỏi phạm vi Việt Nam, đến với bà con kiều bào, các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản và bạn bè Nhật Bản. Những câu chuyện về tình yêu, giá trị, của hòa bình được kể hôm nay mong sẽ nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của quý vị, góp sức truyền đi thông điệp về niềm tin, khát vọng và nỗ lực hành động vì hòa bình của thanh niên, sinh viên Việt Nam, của mọi người Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu.

Chúng tôi, những người tổ chức chương trình, mong rằng, Câu chuyện hòa bình tại Nhật Bản lần này cũng sẽ góp phần mở rộng hơn sự hiểu biết gắn bó của thanh niên, sinh viên Việt Nam - Nhật Bản, đóng góp thêm vào mối quan hệ, hợp tác toàn diện, ngày càng sâu sắc của Việt Nam - Nhật Bản".

1500 khán giả Nhật Bản, kiều bào và du học sinh Nhật đến dự Câu chuyện hòa bình 4 chiều 14-4.

Ông Nguyễn Quốc Cường - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản - có những lời chào mừng:

"Việt Nam và Nhật Bản là hai nước yêu chuộng hòa bình, chúng ta cùng chia sẻ nhiều lợi ích chung vì hòa bình, ổn định và phát triển. Hai nước chúng ta đều trải qua chiến tranh và hơn ai hết chúng ta càng hiểu rõ cái giá của chiến tranh. Và chúng ta lại càng hiểu rằng cần chung tay nhau vun dắp cho hòa bình, hợp tác với nhau vì hòa bình và thịnh vượng cho đất nước chúng ta, cho khu vực và trên thế giới.

Đấy cũng chính là ý nghĩa sâu xa và nhân văn của chương trình Cánh hoa hòa bình ngày hôm nay. Với sự kết hợp giữa hình ảnh hoa sen của Việt Nam và hoa anh đào của Nhật Bản, tôi mong muốn bữa tiệc văn hóa ngày hôm nay sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa tình cảm thân thiết giữa nhân dân hai nước, giữa thế hệ trẻ hai nước chúng ta".

Ông Nguyễn Quốc Cường - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản phát biểu chào mừng.

Sau phần phát biểu chào mừng của ngài đại sứ, ông Tomioka Tsutomu - thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản - phát biểu:

"Hôm nay tôi hết sức vui mừng được tham dự chương trình. Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản hết sức coi trọng việc giao lưu thanh thiếu niên hai nước, trong đó có việc hỗ trợ các du học sinh. Tôi biết có không ít các bạn du học sinh VN đến tham dự chương trình hôm nay.

Tại Nhật Bản, có rất nhiều chương trình giao lưu thanh thiếu niên, thanh niên Nhật Bản sang thăm các nước và ngược lại dể tìm hiểu văn hóa của nhau. Quê hương của tôi ở Nagashaki, vùng phía Nam Nhật Bản. Hiện nay các học sinh cấp 3 ở đây đang có chương trình tìm hiểu các nước và sẽ có 3.000 học sinh ở vùng sang VN trong thời gian sắp tới.

Mọi người ở vùng quê tôi đặc biệt có tình cảm với VN bởi hơn 400 năm trước có những thương nhân đầu tiên đến VN để làm ăn mua bán.

Có rất nhiều câu chuyện thú vị trong lịch sử, ví dụ như chuyện chúa Nguyễn gả công chúa cho một trong các thương nhân đó.

Chúng tôi dự kiến sẽ làm một lễ hội tại Đà Nẵng hay Hội An vào thời gian tới với con thuyền giao ấn đưa công chúa về Nhật Bản.

Tôi kể một vài câu chuyện để các bạn thấy được mối quan hệ mật thiết của hai dân tộc chúng ta.

Thông qua chương trình Câu chuyện hòa bình, xin mến chúc hai dân tộc chúng ta nắm tay chặt hơn nữa, cùng nhau xây dựng hòa bình, nhân rộng cánh hoa hòa bình ra nhiều quốc gia hơn nữa".

Ông Tomioka Tsutomu - thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản - phát biểu

Sau phần phát biểu của ông Tomioka Tsutomu, ban tổ chức trao tặng một phần quà trị giá 500.000 yên cho Tổ chức Thanh niên, sinh viên VN tại Nhật Bản (VYSA) để tổ chức tiếp tục sứ mệnh của mình tại Nhật Bản.

Ban tổ chức cũng tặng kỷ niệm chương cho các đơn vị đồng hành cùng chương trình: Đại sứ quán VN tại Nhật Bản, báo Mainichi, công ty Tempo Primo, tổ chức VYSA, Vietinbank, Yến Sào Khánh Hòa, Suntory PepsiCo, GIBC, Thái Bình và Vietnam Airlines.

Ban tổ chức tặng kỷ niệm chương cho các đơn vị đồng hành cùng chương trình
Ban tổ chức trao tặng một phần quà trị giá 500.000 yên cho Tổ chức Thanh niên, sinh viên VN tại Nhật Bản (VYSA) để tổ chức tiếp tục sứ mệnh của mình tại Nhật Bản.

Đúng 19g30 (giờ địa phương), chương trình nghệ thuật Câu chuyện hòa bình số 4 - Cánh hoa hòa bình chính thức bắt đầu với tiếng hát của ca sĩ Hà Anh Tuấn.

Ca khúc Hello Vietnam vang lên trên nền sân khấu có với 500 chiếc nón lá trong tiếng pháo tay hòa vang của 1.500 khán giả tại khán phòng Tokyo International Forum.

Với lời hát bằng tiếng Việt và cả tiếng Nhật cùng phần bè của nhóm Oplus và sự bay bổng của những vũ công Arabesque, Hello Vietnam một lần nữa chạm đến trái tim người nghe với thông diệp đặc biệt của nó.

Sau đó, ca sĩ Phương Linh xuất hiện và chinh phục người xem bằng giọng ca trong trẻo với bài dân ca mà có lẽ người VN nào cũng thuộc, được rất nhiều bạn Nhật yêu thích: Bèo dạt mây trôi.

Kết thúc bài hát, Phương Linh tiếp tục ở lại sân khấu để cùng hai bạn diễn của mình là Uyên Linh và Hoàng Quyên trình diễn ca khúc Việt Nam quê hương tôi.

Ca sĩ Phương Linh hát dân ca Bèo dạt mây trôi trong đêm diễn.

Hai MC của chương trình Hoàng Thảo và Maiko giới thiệu đến người xem một câu chuyện khác - Câu chuyện Người cộng sự. Đây là bộ phim do VTV và TBS hợp tác sản xuất nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật.

Phim kể lại câu chuyện hơn 100 năm trước về một tình bạn tri kỷ và cảm động giữa hai con người từ hai quốc gia, khác nhau cả ngôn ngữ và văn hóa nhưng rất chân thành và sâu sắc: chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro.

"100 năm trước đã có những con người như thế vượt biển tìm đến nhau, để tìm một chân trời mới cho đồng bào đang lầm than của mình. Đó là câu chuyện lớn về hòa bình và lịch sử vẫn còn giữ mãi cho thế hệ thanh niên, tuổi trẻ không chỉ ở Việt Nam mà kể cả thanh niên Nhật Bản.

Sự giống nhau giữa VN và Nhật Bản không chỉ có những con người cùng chung chí hướng mà còn là những tình cảm hữu nghị trải dài những bờ biển và những hòn đảo nên thơ. Biển đảo và hòa bình cũng chính là điều mà cả hai quốc gia đều đang gìn giữ" - người dẫn chương trình nói.

Nơi đảo xa là một ca khúc rất ý nghĩa về biển đảo mà chương trình chọn giới thiệu tiếp theo. Ca sĩ Tấn Minh đã thể hiện ca khúc này thật mềm mại cùng bản phối mang phong cách world music tươi mới.

Đó cũng là ca khúc kết thúc phần giới thiệu về "Việt Nam quê hương tôi" để chuyển qua phần "Đi qua chiến tranh".

Tốp ca và nhóm múa biểu diễn bài Và hoa sẽ nở.

Phần hai bắt đầu với ca khúc Vì đâu em chết, một câu chuyện mà cả Việt Nam lẫn Nhật Bản đều đã trải qua bởi chiến tranh, bởi chất độc da cam.

MC của chương trình không quên nhắc lại sự kiện Đêm trắng mà báo Tuổi Trẻ từng tổ chức rất thành công tháng 9-2004 tại TP.HCM để gây quỹ giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam. "Ở đó những người trẻ gấp những chú hạc bằng giấy để nhớ và chia sẻ nỗi đau với những nạn nhân chất độc màu da cam".

Ca sĩ Hoàng Quyên trình bày ca khúc Vì đâu em chết (sáng tác Thanh Trúc) tạo sự lắng đọng trong chương trình.

Dẫu đi qua chiến tranh đau buồn nhưng những tình cảm đẹp đẽ của con người vẫn tồn tại và tinh thần tự nguyện của thanh niên Việt Nam trong công cuộc bảo vệ hòa bình luôn sáng mãi, thể hiện qua ca khúc Điệp khúc tình yêu (Trần Tiến) và Tự nguyện (Trương Quốc Khánh) do ca sĩ Đoan Trang trình bày.

Ca sĩ Đoan Trang hát hai ca khúc trong chương trình.

Biểu diễn tại Câu chuyện hòa bình 4 - Cánh hoa hòa bình không chỉ có những nghệ sĩ từ VN sang mà còn có những giọng ca của các nghệ sĩ VN sinh sống tại Nhật Bản. Một trong số đó là Hoàng Minh Hiệp - chàng kỹ sư VN học tập và làm việc tại Nhật hơn 14 năm qua.

Hoàng Minh Hiệp chọn ca khúc Enki Wo Dashite - Vì giấc mơ trẻ thơ trình diễn trong chương trình lần này. Giai điệu đẹp, lời ca đầy xúc cảm cùng phần trình diễn mộc với guitar thùng khiến ca khúc chạm thẳng đến trái tim người nghe. Những tràn pháo tay vang lên từng hồi sau phần trình diễn của Hoàng Minh Hiệp.

"Hãy nhìn chú bé đôi chân giờ tàn phế. Bán dạo khắp lối nhỏ, biết đâu ngày mai. Hãy nhìn cô bé mất cha vì chinh chiến, nỗi buồn trong mắt em, mãi không nhạt phai. Em đã có một cuộc đời đầy ắp tiếng cười. Cớ sao giờ chỉ còn là bọt bong bóng tan. Để rồi em chợt tỉnh giấc. Thấy mình lạc loài giữa thế gian. Những ngày giá rét mưa về giăng lối, âm thầm ngõ nhỏ, em biết đi về đâu. 

Vẫn còn bao trẻ thơ không được may mắn. Vì những hơn thiệt toan tính của con người. Hãy giữ lấy thế giới trong hòa bình khi con tim ta trao nhau bao tình thân ái. Hãy gữ lấy những giấc mơ trẻ thơ được cùng sớm khuya sum vầy bên gia đình" - phần lời hát tiếng Việt do chính Minh Hiệp chuyển dịch và thể hiện nhận được nhiều đồng cảm của khán giả qua những tràn pháo tay không dứt.

Tiếp mạch chương trình là tiếng hát của Hải Triều - một ca sĩ Việt Nam ở Nhật - qua ca khúc Lời mẹ ru (Trịnh Công Sơn), ca khúc mà Hải Triều từng tiết lộ là rất được người Nhật yêu mến.

Nhạc Trịnh không chỉ được yêu mến tại VN mà còn được rất nhiều người Nhật ngưỡng mộ. Vậy nên, loạt ca khúc Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Hồng Nhung là điểm nhấn không thể thiếu của chương trình.

Ngoài ca khúc Ngủ đi con, Hồng Nhung còn trình bày ca khúc Diễm xưa với hai lời Việt - Nhật.

Không chỉ vỗ tay tán thưởng, rất nhiều khán giả tham dự chương trình hát theo Hồng Nhung ca khúc này và đặc biệt phấn khích khi đến phần cô hát Diễm xưa bằng tiếng Nhật.

Hồng Nhung trình bày ca khúc Ngủ đi con và ca khúc Diễm xưa tại Tokyo.

Những ca khúc phản chiến khép lại phần "Đi qua chiến tranh", dẫn người nghe vào phần "Ngợi ca hòa bình".

Bởi có hòa bình mới có những con người, nghệ sĩ Nhật Bản đến Việt Nam và yêu đất nước hình chữ S này. Trong số đó có Oguri Kumiko.

Cô xuất hiện trong bộ áo dài trắng thêu hoa sen thanh thoát, giới thiệu rành rọt bằng tiếng Việt: "Tôi là Oguri Kumiko, là nghệ sĩ đàn T'rưng của Việt Nam".

Bài Trở về Tây Nguyên vang lên đầy sảng khoái, rộn rã qua tiếng đàn điêu luyện của Oguri. Khán phòng một lần nữa lại vang lên những tráng pháo tay nhiệt thành.

Oguri Kumiko đàn T'rưng bài Trở về Tây Nguyên 

Và nếu như ngày xưa người trẻ sôi sục bởi những câu chuyện phản chiến (tiết mục Imagine - sáng tác: John Lennon - biểu diễn Uyên Linh) thì người trẻ hôm nay không thể bỏ qua nạn khủng bố (tiết mục Người - sáng tác: Phạm Toàn Thắng - biểu diễn: Hà Anh Tuấn).

Câu chuyện "Họ (quân khủng bố) có súng còn chúng ta có hoa" một lần nữa khiến người xem lặng người xúc động.

Hà Anh Tuấn biểu diễn ca khúc Người

Những tràng vỗ tay như tiếp thêm sức mạnh cho các nghệ sĩ, cho ban tổ chức thực hiện thêm những chương trình lan tỏa tình yêu cùng những giá trị của hòa bình.

Hoa cũng là biểu tượng của hòa bình nên ban tổ chức chọn đóa hoa sen tươi thắm bên cạnh những cánh đào rực rỡ làm hình ảnh của chương trình.

Ca khúc Hãy là đóa hoa duy nhất - Sekai Ni Hitoshu Dake No Hana vang lên rộn rã. Chỉ một vài nốt nhạc đầu tiên của ca khúc này cất lên, khán giả vỗ tay theo nhịp nhàng. Bốn chàng trai nhóm Oplus mang đến một tiết mục tuyệt vời dù phải thể hiện một ca khúc hoàn toàn mới với riêng họ bằng cả hai thứ tiếng Việt - Nhật.

Và hoa sẽ nở - Hana Wa Saku tiếp tục mạch câu chuyện Cánh hoa hòa bình. Ca sĩ Tấn Minh mở đầu tiết mục tốp ca toàn thể nghệ sĩ đặc biệt này.

Lần lượt là Phương Linh, Hà Anh Tuấn, Oplus, Minh Hiệp, Hải Triều, Hoàng Quyên, Uyên Linh, Đoan Trang, Hồng Nhung... cùng hòa giọng vào chương trình.

Những bông hoa sen trôi bên dưới và hàng vạn cánh đào bay bay trên sân khấu tạo nên một quang cảnh tuyệt đẹp giữa lòng Tokyo.

Khán phòng Tokyo International Forum tràn ngập khán giả theo dõi Câu chuyện hòa bình 4

Lúc 21g30 (giờ địa phương), chương trình Câu chuyện hòa bình 4 - Cánh hoa hòa bình thành công rực rỡ trong niềm hân hoan của tất cả khán giả và nghệ sĩ. 

Giây phút quyến luyến trong tiếng nhạc Tình yêu hòa bình như hứa hẹn sẽ còn thêm thật nhiều nhiều lần gặp gỡ nữa.

Những tràng pháo tay không ngớt, khán giả nán lại ở khán phòng vẫy tay chào cám ơn các nghệ sĩ cống hiến cho họ một đêm nghệ thuật tuyệt vời. Và hơn hết, đó là một tình cảm Việt Nam - Nhật Bản với chung thông điệp hòa bình đầy ý nghĩa như lời MC nói khép lại đêm diễn:

“Câu chuyện hoà bình của chúng tôi đã hoàn thành vai trò sứ mệnh của mình tại Tokyo, mở ra một khát khao mới của tuổi trẻ Việt Nam, đó là bằng âm nhạc, bằng trí thức và bằng tình bạn hữu nói lên tình yêu chuộng cũng như quyết tâm gìn giữ hoà bình mà đất nước chúng tôi có được bằng bất cứ giá nào". 

Khán giả và nghệ sĩ vui mừng chụp ảnh sau khi kết thúc Câu chuyện hòa bình số 4 tại Tokyo.

 

*Xem clip quay màn kết thúc Câu chuyện hòa bình 4 tại Tokyo:

(Clip: Phan Đắc)

 

*Xem những hình ảnh tuyệt đẹp từ đêm nghệ thuật Câu chuyện hòa bình 4 tại Tokyo

Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình là thương hiệu nghệ thuật cộng đồng của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và báo Tuổi Trẻ TP.HCM sáng lập từ năm 2014 với sự cố vấn của ông Phạm Phú Ngọc Trai, Công ty Viet Vision sản xuất.

Đồng hành cùng chương trình Câu chuyện hòa bình số 4 - Cánh hoa hòa bình diễn ra tại Tokyo là Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC, báo Mainichi, Công ty Tempo Primo, Tổ chức VYSA cùng các nhà tài trợ VietinBank, Yến sào Khánh Hòa, Suntory Pepsico, Công ty Thái Bình và Vietnam Airlines. Chương trình có sự tham gia của các ca sĩ: Hồng Nhung, Tấn Minh, Đoan Trang, Hà Anh Tuấn, Phương Linh, Uyên Linh, Hoàng Quyên, nhóm Oplus, Hải Triều, Minh Hiệp, Oguri Kumiko, nhóm Arabesque...

 

 

QUỲNH NGUYỄN - TRẦN TIẾN DŨNG (từ Tokyo)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục