16/05/2020 08:55 GMT+7

Phòng dịch xâm nhập từ bên ngoài

X.LONG - H.LỘC - S.LÂM - B.ĐẤU
X.LONG - H.LỘC - S.LÂM - B.ĐẤU

TTO - Ngày 15-5, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ nghe Ban chỉ đạo quốc gia báo cáo về công tác phòng chống COVID-19, tại điểm cầu Hà Nội, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết "Hà Nội đã đủ điều kiện công bố hết dịch".

Phòng dịch xâm nhập từ bên ngoài - Ảnh 1.

Tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 Đồn biên phòng Phú Hữu (An Giang) tuần tra khu vực biên giới - Ảnh: CHIẾN KHU

Lúc 0h ngày 14-5, UBND huyện Thường Tín (Hà Nội) đã công bố dỡ bỏ các chốt kiểm soát, cách ly đối với thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến) sau 28 ngày cách ly.

Hà Nội: không có ca mới vẫn tiếp tục phòng chống dịch

Ông Quý cho biết trong 29 ngày liền, Hà Nội không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ông Quý khẳng định Hà Nội đang kiểm soát được dịch, không để phát sinh ca lây nhiễm trong cộng đồng.

"Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã đủ điều kiện để công bố hết dịch. Việc Thủ tướng Chính phủ có quyết định công bố hết dịch hay không, Hà Nội vẫn luôn xác định nhiệm vụ quan trọng là tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội" - ông Quý nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã có văn bản chỉ đạo cần xác lập tình trạng bình thường trong các hoạt động kinh tế - xã hội để dần đưa xã hội trở lại bình thường trên tinh thần tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế. 

Ông Chung khẳng định hiện tại mới chỉ nới lỏng hạn chế phòng chống dịch, vì vậy vẫn tiếp tục một số biện pháp phòng chống dịch.

Ông cũng quyết định chỉ tổ chức họp khi cần thiết và có vấn đề phát sinh, đột xuất cần triển khai về dịch COVID-19, tuy nhiên vẫn duy trì chế độ báo cáo hằng ngày và báo cáo đột xuất khi có diễn biến dịch bất thường.

TP.HCM: 2 nhiệm vụ quan trọng

Tính đến chiều 15-5, TP.HCM trải qua 36 ngày không phát sinh ca bệnh mới, số người cách ly tập trung và cách ly tại nhà giảm mạnh. Cụ thể tại các khu cách ly tập trung hiện chỉ còn 95 trường hợp, 42 trường hợp khác được theo dõi tại nơi lưu trú.

Một số ca tái dương tính, chủ yếu đến từ ổ dịch tại quán bar Buddha (P.Thảo Điền, Q.2) được phát hiện, kiểm soát kịp thời không lây nhiễm ra cộng đồng.

Đặc biệt, trong số 55 trường hợp được phát hiện nhiễm COVID-19 đến nay chỉ còn 2 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. 

Trong đó, bệnh nhân 91 (phi công người Anh) nhập viện từ mùng 7 tết âm lịch (31-1) đến nay là trường hợp nặng nhất và đang được ngành y tế dốc toàn lực để có thể ghép phổi duy trì sự sống.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định việc kéo dài thời gian không phát sinh ca bệnh mới là một tín hiệu đáng lạc quan. Và để nối dài chuỗi ngày này, ngành y tế TP.HCM đang rất thận trọng thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng đó là chống dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài và kiểm soát nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng. 

"Trong cộng đồng, các đơn vị đang thường xuyên rà soát những người có triệu chứng để đưa đi cách ly tập trung. Ngoài ra với nhóm từ bên ngoài, trong đó có thể kể đến như tiếp viên hàng không, các du học sinh, chuyên gia, Việt kiều về nước… đều được quản lý từ sân bay và có thời gian theo dõi nghiêm ngặt tại các khu cách ly tập trung" - ông Bỉnh nói.

Biên giới Tây Nam vẫn chốt chặn

Hôm qua 15-5, trên tuyến biên giới với Campuchia ở địa phận Long An nắng như đổ lửa, ba chiến sĩ của Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) vẫn túc trực trong chốt chặn dã chiến dựng lên trơ trọi giữa đồng. 

Thỉnh thoảng vài người dân đến gần khu vực chốt để bắt chuột đồng và dù đã quen mặt, nhưng các chiến sĩ vẫn gọi họ lại nhắc nhở việc không được đi qua phía bên kia biên giới.

Đó là hình ảnh chung thường thấy trên đường biên giới này hơn một tháng qua với 33 tổ, chốt chặn mới và 12 trạm kiểm soát cố định từ trước của Biên phòng Long An rải dọc 133km đường biên giới với Campuchia. Luôn đầy đủ quân số, thực hiện trực nghiêm 24/24 giờ.

Khu vực Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ) vốn là cửa khẩu khá nhộn nhịp, thường xuyên có nhiều người hai bên biên giới qua lại vì tập quán sinh sống gắn bó từ lâu đời. Tuy nhiên từ khi dịch COVID-19 bùng nổ ra đến nay, tất cả lượng người qua lại đều bị chặn đứng. 

"Từ khi có lệnh nới lỏng việc giãn cách xã hội vào đầu tháng 5, chúng tôi càng phải siết chặt hơn, động viên thêm anh em không được lơ là, chủ quan bởi khi xã hội đã trở lại bình thường thì khả năng nhiều người lại bắt đầu muốn qua lại biên giới hơn, việc canh phòng sẽ phức tạp hơn" - trung tá Lê Trọng Tình, đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mỹ Quý Tây, giải thích.

Tại An Giang, đại tá Nguyễn Thượng Lễ - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh - cho biết biên giới giữa tỉnh An Giang với Campuchia dài gần 100km. Đơn vị đã bố trí 136 chốt, tổ công tác ven biên giới ứng trực ngày đêm. 

Tuy nhiên, đại tá Lễ cũng thừa nhận: "Nhiều khi họ cố tình muốn trốn về nên họ sẽ có nhiều cách để né tránh lực lượng chức năng. Không thể đảm bảo 100% kiểm soát hết được nhưng chúng tôi đang cố gắng kiểm soát bằng mọi cách. Chúng tôi không đủ người để nắm tay giăng như hàng rào được".

Theo đại tá Lễ, các tổ, chốt ven biên giới đã túc trực xuyên suốt từ tháng 3 đến nay. Nhờ vậy các lực lượng đã bắt giữ một số người vượt biên trái phép, trong đó có cả người Việt Nam và cả Campuchia.

"Sau các vụ trốn từ biên giới về Việt Nam, sắp tới chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn và đẩy mạnh công tác tuần tra để kiểm soát dọc tuyến biên giới, không để ai qua lại trái phép. Vì hiện tại Việt Nam giáp với Lào và Campuchia nhiều nên toàn quân luôn đề cao cảnh giác những người cố tình đi đường mòn, lối mở sẽ nhiều khi biên giới đóng cửa như hiện nay" - đại tá Lễ nói.

1. Yêu cầu tất cả người nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, trừ các trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao có biện pháp cách ly phù hợp;

2. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp tiếp tục duy trì các đội phản ứng nhanh, phòng chống dịch cơ động để kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch hiệu quả;

3. Tại các cửa khẩu quốc tế và nội địa, yêu cầu thực hiện kiểm dịch y tế chặt chẽ hành khách, thực hiện việc giám sát cách ly tập trung theo quy định...

Sẽ thêm 21 chuyến bay "giải cứu" công dân về nước

Cục Hàng không Việt Nam dự kiến từ ngày 18-5 đến 15-6 sẽ có thêm 21 chuyến bay đưa công dân ở nước ngoài về nước vì lý do đặc biệt cần thiết.

Các chuyến bay đưa công dân từ các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Phần Lan, Thụy Điển, Canada, Angola, Kuwait, Mỹ.

Vietnam Airlines được triển khai phần lớn các chuyến bay (14 chuyến), Vietjet (5 chuyến) và Bamboo Airways (2 chuyến). Các chuyến bay trên sẽ đáp ở sân bay Nội Bài hoặc Vân Đồn (phía Bắc) và Tân Sơn Nhất hoặc Cần Thơ (phía Nam).

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 15-5, ông Phạm Ngọc Sáu - giám đốc sân bay Vân Đồn - cho biết đơn vị vẫn sẵn sàng lực lượng để đón thêm các chuyến bay khác từ vùng dịch.

Với kinh nghiệm đón 56 chuyến bay, trên 7.000 khách từ các vùng dịch trở về, ông Sáu cho biết các quy trình sẽ được siết chặt hơn nữa, đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh giữa hành khách với nhau và với nhân viên sân bay.

CÔNG TRUNG

Tổng thống Trump khen năng lực phòng dịch của Việt Nam Tổng thống Trump khen năng lực phòng dịch của Việt Nam

TTO - Trong cuộc điện đàm ngày 6-5, Tổng thống Trump đánh giá cao năng lực ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam và cảm ơn Việt Nam đã tạo điều kiện cung cấp và vận chuyển trang thiết bị y tế cũng như trao tặng khẩu trang cho phía Mỹ.

X.LONG - H.LỘC - S.LÂM - B.ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên