
Phó tổng thống Mỹ JD Vance ngày 22-4 - Ảnh: AFP
“Chúng tôi đã đưa ra đề xuất rất rõ ràng cho cả Nga và Ukraine. Đã đến lúc họ phải đồng ý, nếu không thì Mỹ sẽ rút khỏi tiến trình này - tiến trình đàm phán hòa bình Nga - Ukraine”, ông Vance phát biểu trước truyền thông.
Bên cạnh đó ông Vance nêu rõ việc hoán đổi lãnh thổ sẽ là yếu tố then chốt trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, theo Hãng tin AFP.
“Điều đó có nghĩa là cả Ukraine và Nga đều sẽ phải từ bỏ một phần lãnh thổ mà họ đang nắm giữ hiện tại”, ông Vance nhấn mạnh.
Trước đó Đài CNN ngày 19-4 dẫn lời một nguồn thạo tin tiết lộ chính quyền Tổng thống Donald Trump sẵn sàng công nhận quyền kiểm soát của Nga với bán đảo Crimea, như một phần trong đề xuất của Mỹ nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.
Tuyên bố của phó tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các đại diện từ Ukraine, Anh, Pháp, Mỹ theo kế hoạch sẽ có cuộc họp tại thủ đô London (Anh) vào ngày 23-4.
Tuy nhiên Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và đặc phái viên Steve Witkoff thông báo sẽ rút khỏi cuộc đàm phán này. Trong khi đó các đại diện từ Ukraine, Anh và Pháp vẫn sẽ họp như dự kiến.
Tờ Financial Times dẫn nguồn từ các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết tuy hai ông Rubio và Witkoff rút khỏi cuộc họp, đặc phái viên tổng thống Mỹ về Ukraine, ông Keith Kellogg vẫn sẽ tham dự.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce, ông Rubio rút khỏi cuộc đàm phán hòa bình vì lý do vướng lịch trình, dù vậy điều này không báo hiệu sự thay đổi trong cam kết của Mỹ đối với tiến trình hòa bình.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày 23-4 nhấn mạnh các quốc gia tham gia vào những cuộc đàm phán hòa bình liên quan đến Ukraine cần thu hẹp những bất đồng, cũng như vẫn còn "rất nhiều điểm cần làm rõ" trước khi có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Khi được hỏi liệu Matxcơva có xem cảnh cáo của Mỹ về việc rút khỏi vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraine là một "tối hậu thư" hay không, ông Peskov khẳng định "không", đồng thời cho biết Điện Kremlin hoan nghênh những nỗ lực của Mỹ với vai trò trung gian cho các cuộc thảo luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận