15/06/2017 14:00 GMT+7

Còn dự án 'đắp chăn đắp chiếu' chứ không chỉ 12

TTO
TTO

TTO - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình là người "khóa sổ" phiên chất vấn tại Quốc hội kỳ này. Ông cho biết còn dự án "đắp chăn đắp chiếu" chứ không chỉ có 12 dự án như đã biết.

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trả lời chất vấn "khóa sổ" trước Quốc hội

Theo dự kiến trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đăng đàn. Nhưng theo lịch làm việc mới điều chỉnh của phiên chất vấn, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình sẽ là người phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trong hai ngày rưỡi vừa qua, lần lượt các bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời chất vấn trước Quốc hội.

 

15/06/2017 17:00 GMT+7
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Tổng kết toàn bộ 3 ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự thẳng thắn của các thành viên Chính phủ khi trả lời chất vấn, đánh giá cao sự tích cực của các đại biểu trong việc đặt câu hỏi và tranh luận tại hội trường.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng dù đã tăng thêm nửa ngày chất vấn nhưng vẫn còn nhiều đại biểu đăng ký chưa đến lượt được hỏi.

Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo nghị quyết về chất vấn và trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp.

"Đề nghị các bộ ngành thực hiện nghiêm các vấn đề nghị quyết nêu ra", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

15/06/2017 16:54 GMT+7

Đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu việc đất ở TP.HCM bị các bộ ngành đem cho thuê sai công năng rất nhiều. "Bao giờ Chính phủ công khai các nơi gây lãng phí này?", đại biểu TP.HCM hỏi.

Rất nhiều đại biểu đặt câu hỏi nhưng do thời gian phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã kết thúc nên các câu hỏi này sẽ được Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và các phó thủ tướng khác trả lời bằng văn bản.

15/06/2017 16:44 GMT+7
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chất vấn chuyện khai thác cát: "Nên tổng kết lại trong 10 năm qua, chính sách cho phép nạo vét, tận thu cát đã đem lại mối lợi gì? Ai hưởng lợi? Đem lại nguy hại gì, và sẽ khắc phục ra sao?"

15/06/2017 16:40 GMT+7

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục tham gia trả lời thêm về việc chi ngân sách cao hơn thu GDP, ông cho rằng quan ngại này của các đại biểu là có cơ sở.

Ông cho biết buộc phải cơ cấu lại chi ngân sách, chỉ chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế, trong một số trường hợp có lý do bất khả kháng như thiên tai dịch bệnh, an ninh quốc phòng thì cần phải chi.

"Giảm những khoản chi không cần thiết về lễ tân, tiếp khách, đi nước ngoài", phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

15/06/2017 16:38 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) chất vấn: Mấy ngày chất vấn vừa qua, có một số bộ ngành làm tốt, nhân dân hoan nghênh nhưng cũng có những khuyết điểm mà bộ trưởng nhận sai sót thẳng thắn.

"Thường trực Chính phủ có kiểm tra gì để xử lý trách nhiệm? Vì có những bộ nhận trách nhiệm mà không khắc phục, nhiệm kỳ sau lại nhận lỗi tiếp".

Đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) trước hết hỏi về cải cách hành chính và tinh giản biên chế.

Sau đó ông Hải hỏi về vấn đề Formosa: "Cử tri còn rất băn khoăn về mức độ ô nhiễm môi trường biển miền Trung. Nếu như biển sạch thì sao Chính phủ lại khuyến cáo không đánh bắt cá tầng đáy? Sẽ có biện pháp gì để ngăn chặn ô nhiễm ở Formosa tiếp tục xảy ra?"

Đại biểu Đào Thị Như Hoa (Đà Nẵng) hỏi biện pháp nào để thu hồi tài sản tham nhũng, các giải pháp cụ thể.

15/06/2017 16:21 GMT+7

Về vấn đề ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP.HCM, phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói đây là vấn đề rất nan giải, do quy hoạch chưa tốt, do văn hóa giao thông kém.

Ông Trương Hòa Bình cũng cho rằng “phải hình thành lớp người mới” tuân thủ pháp luật, thông qua giáo dục.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Anh Tuấn về việc phát triển vùng kinh tế, phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói vùng kinh tế không phải là cấp hành chính, để phát huy thế mạnh của vùng, Thủ tướng đã thành lập ban liên kết vùng, xác định rõ trách nhiệm của ban, phát huy tối đa liên kết vùng.

"Do đó phải củng cố ban chỉ đạo này nhưng cũng phát huy trách nhiệm của từng địa phương, bộ ngành để liên kết cho tốt", phó thủ tướng nói.

15/06/2017 16:14 GMT+7

Với câu hỏi của đại biểu Ngọ Duy Hiểu về biện pháp giảm khiếu kiện đông người, phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: "Tình hình khiếu kiện đông người năm 2016 có giảm nhưng đầu năm 2017 lại tăng, nguyên nhân chủ yếu là tập trung khiếu kiện về đất đai, quy hoạch treo..."

"Vấn đề khiếu kiện này có thời gian rất lâu dài, có cái hai ba chục năm về trước. Chính quyền tập trung giải quyết, nhưng còn một số vụ việc cứ kéo dài, tuy không nhiều nhưng rất dai dẳng, không giải quyết dứt điểm được", ông Bình nói.

"Một phần là trách nhiệm của chính quyền địa phương, một phần nữa liên quan đến giải phóng mặt bằng, xây dựng đô thị, quốc phòng an ninh, giá cả đền bù không phù hợp nên bà con khiếu kiện rất nhiều".

Phó thủ tướng nhận định, qua thanh tra giải quyết các vụ này thấy nổi lên một vấn đề là việc hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân là chưa tốt.

"Những nhà đầu tư có lương tâm trách nhiệm đứng ra giải quyết với dân thì rất thuận lợi. Nhưng khi có những việc chính quyền ưu ái nhà đầu tư thì sẽ xảy ra khiếu kiện. Có những vụ việc ban đầu đền bù cho người dân giá rẻ, nhưng rồi chuyển đổi mục đích sử dụng khác với ban đầu, giá tăng lên, người dân khiếu kiện", ông Bình nói.

"Nếu chính quyền giải quyết công tâm thì sẽ ổn. Có những giải tỏa nhưng đền bù, giải quyết không đúng luật, thay vì bồi thường chỉ hỗ trợ, không tính đầy đủ quyền lợi của người dân thì sẽ có khiếu kiện".

15/06/2017 16:05 GMT+7

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) về sai phạm trong bổ nhiệm người nhà, phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết đây là việc gây phản ứng dư luận thời gian qua.

"Với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, Thủ tướng giao cho bộ Nội vụ kiểm tra các vụ việc báo chí phản ảnh và bộ Nội vụ cũng đã kiểm tra rà soát ở 11 địa phương", ông Bình nói.

"Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý nghiêm, thu hồi các quyết định trái pháp luật, xem xét miễn nhiệm, có hình thức xử lý. Tinh thần chỉ đạo chung là tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ".

15/06/2017 15:31 GMT+7

Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thể về cao tốc Trung Lương - Cần Thơ bao giờ hoàn thành, phó thủ tướng nói như bộ trưởng GTVT đã nêu, khó khăn là về vốn, tinh thần là dự án BOT thì phải là nhà đầu tư có lực, có tiềm năng.

"Tới đây Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế minh bạch vốn với các dự án BOT. Tinh thần của Thủ tướng là tìm mọi giải pháp cùng nhau đẩy nhanh tiến độ công trình rất quan trọng này để hoàn thành trước 2020", ông Trương Hòa Bình nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại ý đại biểu Nguyễn Văn Thể là trong dự án cao tốc Bắc - Nam không có dự án cao tốc Trung Lương - Cần Thơ này, và Chính phủ cần bố trí vốn ngoài BOT.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói sẽ giao cho các bộ ngành xem xét để cân đối vốn, tạo điều kiện để hoàn thành trước 2020, kể cả vốn ngoài BOT.

15/06/2017 15:28 GMT+7

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) thì đề nghị phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ làm gì để giảm tình trạng khiếu kiện đông người.

15/06/2017 15:27 GMT+7
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên)

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chất vấn: "Các DNNN trước đây là 'nắm đấm thép' của nền kinh tế, giờ thì các dự án 'đắp chiếu' và nợ công cao đang là 'nắm đấm thép' hướng tới sự lo lắng, bất an của người dân, trẻ em sinh ra cũng không tránh được".

"Trong công tác cán bộ, 'người nhà', 'giọt máu đào hơn ao nước lã' đang là yếu tố quyết định, con đường tìm công lý của người dân ngày càng chông chênh", bà Hiền nói.

"Là Chính phủ kiến tạo, hành động, Chính phủ đang đặt tâm thế của mình ở đâu, ở lợi ích của dân hay vào ai? Mà những vấn đề bức xúc vẫn không giảm mà càng phức tạp hơn? Chính phủ có cần niềm tin của người dân nữa hay không? Thế thì đâu là giải pháp căn cơ, mở đúng các từ khóa?"

Bà Hiền nói thêm là các khái niệm "đúng quy trình", "bổ nhiệm thần tốc", "giải cứu" đang làm giảm niềm tin của người dân.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) nêu việc đầu tư phát triển đồng bộ trong vùng kinh tế là tránh lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên cấp vùng không phải là cấp hành chính hoàn chỉnh, không có nguồn lực chung để phát triển.

"Xin phó thủ tướng cho biết giải pháp để tăng sự kết nối, tăng giá trị liên kết cho các vùng kinh tế?", đại biểu hỏi.

15/06/2017 15:17 GMT+7

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn về công tác tư pháp và bổ trợ tư pháp trong chức năng của Chính phủ. Đề nghị phó thủ tướng cho biết phương án nào để nâng cao công tác này?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nói qua theo dõi phiên chất vấn khi các bộ trưởng trả lời có nhiều vấn đề vướng do nhiều bộ cùng thực hiện, rồi các lãnh đạo địa phương phát biểu cho thấy sự hài lòng của các địa phương với các bộ là chưa cao.

"Chính phủ sẽ có giải pháp gì để giúp các tư lệnh ngành thực hiện tốt vai trò của mình", bà Hoa nói.

"Vấn đề thứ hai là tư duy nhiệm kỳ thể hiện rất rõ, dẫn đến sự cắt khúc trong từng ngành từng cấp, lãng phí nguồn lực. Chính phủ làm gì để xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ?"

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) chất vấn: Nhiều năm gần đây GDP không đạt nhưng chi ngân sách lại tăng cao.

"Nguyên tắc là làm nhiều chi nhiều, nhưng chúng ta làm ít hơn mà chi cao hơn. Phó thủ tướng có cho rằng việc chi ngân sách có cần phải tương thích với GDP? Giải pháp nào?", đại biểu hỏi.

15/06/2017 15:13 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) tranh luận rằng cao tốc Trung Lương đi Cần Thơ tiến độ quá chậm, dù con đường này có lưu lượng giao thông cực cao, trên 50.000 xe/ngày, cao nhất nước, vận tốc chỉ 40km/h, thực sự là quá tải.

"Dự kiến 2012 hoàn thành nhưng đến 2015 lại tái khởi động, thành lập liên danh 5 nhà đầu tư BOT nhưng không xong, giờ lại giao cho Vietinbank sắp xếp vốn. Nhưng cách làm này không biết khi nào xong. Đề nghị Chính phủ có giải pháp thu xếp vốn", đại biểu nói.

15/06/2017 15:06 GMT+7

Trả lời đại biểu Trần Văn Tiến về 12 dự án thất thoát, lãng phí, phó thủ tướng nói: Chính phủ đã công khai, minh bạch, rõ ràng trong thông tin, truyền thông đã đưa thông tin cơ bản về 12 dự án này, Chính phủ cũng đã báo cáo tại phiên khai mạc.

Ông Bình khẳng định quan điểm không dùng ngân sách trả nợ, xử lý theo cơ chế thị trường, xử lý nghiêm vi phạm.

Nói ước lệ là vẫn còn những dự án tương tự, phải rà soát mới biết, phó thủ tướng nhấn mạnh "làm hết sức để không còn những dự án như thế, tăng cường thực hiện chỉ đạo để ngăn ngừa lãng phí, tham nhũng".

15/06/2017 14:58 GMT+7

Trả lời câu hỏi về việc tránh lãng phí ở các dự án bị đình hoãn, ông Trương Hòa Bình cho biết Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và giải ngân cho một số dự án.

"Như vậy các dự án thật sự cần thiết đều đã được bố trí vốn trong gói trung hạn", ông Bình nói.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Sơn về chuyện giải cứu ngành chăn nuôi - có liên quan tới quyền lợi của các doanh nghiệp FDI không, phó thủ tướng nói đã chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, có biện pháp xử lý thích hợp.

Về nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giải trình thêm bằng văn bản.

15/06/2017 14:52 GMT+7

Với câu hỏi của đại biểu Ngô Thị Minh về quy chế phối hợp các ban chỉ đạo liên ngành còn yếu, phó thủ tướng thừa nhận đó là thực trạng, thời gian tới Chính phủ sẽ quan tâm sâu sát chấn chỉnh việc này, buộc các cơ quan tham gia chấp hành nghiêm các hoạt động phối hợp.

Ông Trương Hòa Bình thừa nhận vẫn có ban chỉ đạo còn hình thức, chưa thực hiện tốt công việc được giao.

Đối với câu hỏi của đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về giải pháp phát triển toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số, phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói Chính phủ đang tập trung nhiều giải pháp để nâng cao đời sống của đồng bào.

"Giải pháp chủ yếu là Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững, đã được bố trí 48 ngàn tỉ đồng, đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển", ông Bình nói.

Cùng với các chương trình mục tiêu, Thủ tướng đã chỉ đạo bố trí vốn, phê duyệt chính sách đặc thù ở vùng miền núi dân tộc, giai đoạn 2017 - 2020.

15/06/2017 14:44 GMT+7

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời. Với câu hỏi về biên chế giáo viên thành hợp đồng, ông Bình cho biết vấn đề này được đề xuất là để thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ công.

"Nhưng đây là vấn đề liên quan đến chủ trương, đồng thời liên quan đến pháp luật và chính sách. Ý chung là để công chức trở thành người tác nghiệp chuyên nghiệp trong bộ máy công quyền, còn trong đơn vị sự nghiệp là viên chức theo chế độ hợp đồng", phó thủ tướng nói.

"Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ, mới là đề xuất của bộ Giáo dục, là ý kiến của bộ, chưa quyết định. Chính phủ đang giao bộ Nội vụ và Tài chính xây dựng đề án".

15/06/2017 14:38 GMT+7

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: "Ngoài 12 dự án 'đắp chiếu' mà Chính phủ đã nêu, còn bao nhiêu dự án có tình trạng tương tự? Chính phủ có giải pháp thế nào đối với các dự án tương tự nếu có? Và để xảy ra vấn đề đó, trách nhiệm thuộc về ai?"

15/06/2017 14:35 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) nói ông đã chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT về chuyện giải cứu ngành chăn nuôi, nay tiếp tục chất vấn phó thủ tướng Trương Hòa Bình: "Trong các giải pháp mà bộ trưởng NN&PTNT nêu ra có việc giảm đàn lợn nái. Việc này có hợp lý, khi mà tỉ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp nói chung là cao, là kết quả của một quá trình phấn đấu. Có phải việc giảm này nằm trong chiến lược của các doanh nghiệp FDI, nông dân thực tế vẫn gặp bất lợi?"

15/06/2017 14:29 GMT+7
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang)

Các đại biểu bắt đầu đặt câu hỏi. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) tiếp tục đặt câu hỏi về dự án cao tốc Trung Lương – Cần Thơ hiện đang bị chậm: "Phó thủ tướng có thấy sự yếu kém của ngành chuyên môn hay không? Đề nghị phó thủ tướng cho biết giải pháp khắc phục yếu kém?"

Bà Kim Bé cũng hỏi quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về việc chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng đang khiến cử tri ngành giáo dục lo lắng.

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nêu việc lãng phí và giàn trải trong đầu tư công, nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ cần luật hóa quy chế chịu trách nhiệm trong các ban chỉ đạo hiện nay, nhất là mỗi lần họp cử một người trong ban chỉ đạo tham gia mà không ai chịu trách nhiệm.

15/06/2017 14:24 GMT+7

Về an ninh trật tự, an toàn xã hội, phó thủ tướng nói đã thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài.

"Xử lý ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo và kích động, lôi kéo hoặc lợi dụng khiếu kiện để gây rối; đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp chính quyền", phó thủ tướng cho biết.

"Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất. Khẩn trương đưa hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo vào khai thác, sử dụng hiệu quả". 

15/06/2017 14:15 GMT+7

Về giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ nhất quán quan điểm tăng trưởng phải gắn với ổn định vĩ mô, chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đạt mức tăng GDP 6,7%.

Ông Trương Hòa Bình khẳng định việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và xử lý các dự án thất thoát ngàn tỉ là ưu tiên trọng tâm của Chính phủ.

Đồng thời sắp xếp kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp, không để tình trạng trục lợi, phải tính đúng tính đủ trong quá trình thực hiện; đẩy nhanh việc thành lập cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ này.

15/06/2017 14:08 GMT+7

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình mở đầu phần chất vấn bằng việc báo cáo một số vấn đề mà cử tri quan tâm trước khi nhận câu hỏi.

Phó thủ tướng cho biết tình hình tháng 5-2017, các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, các chỉ số đều tăng hơn các tháng trước, trong đó khách quốc tế, tín dụng, thị trường chứng khoán, xuất khẩu tăng mạnh.

Có trên 50 ngàn doanh nghiệp được thành lập mới, tổng số vốn bổ sung thêm 1,2 triệu tỉ đồng. Đặc biệt tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trên các mặt và thời gian tới Chính phủ sẽ chỉ đạo sát sao để khắc phục.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên