Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu đẩy sớm 1-2 ngày đối với lưu thông đường bộ, đường sắt - Ảnh: CHÍ TUỆ
Phó thủ tướng Lê Văn Thành - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - đã kết luận như vậy tại cuộc họp ứng phó với bão số 7 diễn ra sáng 10-10.
Đề nghị 4 tỉnh, thành phố phía Nam thông báo người dân thời tiết 10 ngày tới
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cho rằng việc dòng người hồi hương bằng xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch có thể sẽ gặp nguy hiểm khi nhiều tỉnh đã có mưa lớn do bão số 7.
"Dự báo thời tiết xấu còn kéo dài tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong khoảng 10 ngày tới, do đó Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi các địa phương để thông báo cho người dân, đảm bảo an toàn cho bà con trong quá trình di chuyển về quê tránh dịch", ông Hoài nói.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết Ban Chỉ đạo đã có công văn gửi tới 4 tỉnh thành là TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai - nơi có lượng công nhân, lao động các tỉnh lớn - để thông báo cho bà con nắm được diễn biến thời tiết trong 10 ngày tới.
"Không cấm bà con về quê, nhưng thông báo cho bà con nắm được thông tin thời tiết 10 ngày tới, từ đó để bà con có thể lùi thời điểm về quê nhằm tránh được rủi ro thiên tai", ông Hiệp nói.
Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, phó chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết theo báo cáo của các địa phương, từ ngày 5 đến 10-10, có hơn 26.000 người dân lao động ở phía Nam di chuyển dọc tuyến đường Trường Sơn và quốc lộ 1.
Theo ông Nguyên, hiện nay lượng lao động hồi hương rất hạn chế trong tiếp cận thông tin nên nhiều người dân vẫn di chuyển về quê khi có mưa bão.
"Như tại Hà Nam 12h đêm qua, chúng tôi yêu cầu giám đốc công an tỉnh dừng toàn bộ di chuyển của người dân kể cả xe máy và đi bộ. Lực lượng công an chủ động báo cáo lãnh đạo tỉnh cho sử dụng một số nhà văn hóa để người dân tạm trú", ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, từ ngày 5 đến 10-10, trên tuyến quốc lộ 1 qua Hà Nam có có 49 đoàn/5.709 người, đáng chú ý có 1.892 người dân đi bộ (có 153 trẻ em), điều này rất nguy hiểm khi bão vào kèm theo mưa, vừa đói, vừa rét.
"Lực lượng công an rất trăn trở và suy nghĩ việc này nên đã sử dụng xe chở quân, xe chở vũ khí để đưa bà con vào một số nhà văn hóa. Khi bão vào, chúng tôi yêu cầu công an trên các chốt dừng toàn bộ hoạt động đi lại, đặc biệt là người dân từ phía Nam về", ông Nguyên cho biết thêm.
Đẩy nhanh lưu thông đường sắt, đường bộ
Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh dù bão số 7 đã giảm cấp nhưng còn diễn biến phức tạp. Do đó, cần phải gia tăng chỉ đạo, giám sát và tuyên truyền đến người dân để không chủ quan.
"Qua báo cáo có 2 tàu thuyền ở Nghệ An không vào bờ, nguyên nhân do cơ chế (15 ngày mới hỗ trợ dầu trong khi tàu cá còn 2 ngày nữa mới đủ điều kiện), đề nghị văn phòng Ban Chỉ đạo để thay đổi cơ chế, thiên tai 10 ngày, 1 ngày cũng được hỗ trợ", ông Thành nói.
Đối với cơn bão số 8, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát bởi cường độ mạnh hơn và đi nhanh hơn, dự báo khoảng ngày 13, 14-10 vào đất liền.
"Khâu dự báo phải thật sát, các bản tin dự báo chính xác sẽ là cơ sở cho Ban Chỉ đạo và các địa phương đưa ra các kịch bản ứng phó sát thực tế hơn. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập, công trình đê điều, rà soát các điểm xung yếu; đẩy mạnh việc thu hoạch lúa theo phương châm 'xanh nhà hơn già đồng'…", ông nói.
Trước kiến nghị việc đảm bảo an toàn lưu thông cho dòng người từ các tỉnh phía Nam hồi hương về các tỉnh phía Bắc, Phó thủ tướng yêu cầu đẩy sớm 1-2 ngày đối với lưu thông đường bộ, đường sắt.
"Chiều nay ban hành công điện gửi các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi 2 ngày phải cho tàu hỏa và đường bộ (hoạt động liên tỉnh) hoạt động", Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng, hiện nay lượng người hồi hương rất nhiều, có 26.000 người đang đi xe máy, đi bộ thì phải có giải pháp phối hợp chặt chẽ với các địa phương.
"Trước khi bão số 8 vào phải công bố hằng ngày, hằng giờ, thông báo làm sao để bà con vùng bão đổ bộ phải dừng lại. Giao các địa phương mời người dân về nhà văn hóa, khi bão qua thì mời bà con di chuyển. Trong điều kiện tiền, lương thực đều không còn mà gặp bão thì dứt khoát phải hỗ trợ, đảm bảo cho bà con về quê", ông yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận