31/01/2019 20:11 GMT+7

Phố ông đồ ở Sài Gòn: Người xin chữ và cho chữ cùng vui

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Tại Sài Gòn, những ngày này, phố ông đồ khu vực Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tấp nập người đến xin chữ.

Phố ông đồ ở Sài Gòn: Người xin chữ và cho chữ cùng vui - Ảnh 1.

Em nhỏ đi theo mẹ đến phố ông đồ háo hức xem "bà đồ" cho chữ - Ảnh: VŨ THỦY

Các ông đồ, bà đồ trong những tà áo dài đen, nâu sồng mải miết ngồi viết những chữ Xuân, chữ Phúc, chữ Tâm… trên giấy liễn dưới những mái lều lợp tranh, cỏ với hoa mai, hoa đào

Chiều 25 tết, ngay giữa trưa nắng rất nhiều bạn trẻ vẫn náo nức trong tà áo dài tạo dáng chụp ảnh trong khung cảnh xuân rồi tranh thủ xin chữ, mua đôi liễn, phong bao lì xì đỏ ghi lời chúc cho người thân.

Phố ông đồ năm nay có khoảng 20 ông đồ, bà đồ. Bình thường họ làm đủ thứ ngành nghề nhưng vì say mê thư pháp, yêu quý những khoảnh khắc ngồi tỉ mẩn đưa nét gửi gắm ước vọng, lời cầu chúc của người xin chữ đến người thân, bạn bè của họ.

Bà đồ Thiên Thanh (50 tuổi) đã 5 năm cho chữ ở phố ông đồ chia sẻ: "Tôi làm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nhưng mê chữ quá nên học thư pháp đã 8 năm rồi, thấy thầy nào hay là đến xin học. Ngày tết ra đây nắng nôi cả ngày, cũng không bao nhiêu đâu nhưng không bỏ được" - chị kể.

Ông đồ Đức Dự thì mới 24 tuổi nhưng đã 11 năm học thư pháp. Công việc của Dự là thiết kế 3D, thiết kế, trang trí nội thất nhưng Dự và một bà đồ nữa đã có 6 năm ngồi cho chữ ở phố ông đồ, ngày nào cũng ngồi từ 8 giờ sáng tới 10 giờ đêm.

Từng sáng tạo những tác phẩm thư pháp 3D hiện đại, thư pháp đắp nổi bằng bột đá, cánh hoa đào, hoa mai làm bằng đất sét, anh chia sẻ: "Ngày xưa thì chỉ mực tàu, giấy dó, mành tre nhưng nay thì chất liệu thư pháp có vô vàn loại khác nhau, bền hơn, thẩm mỹ cao hơn, từ gỗ, gốm, nhưng vẫn giữ được cái hồn của thư pháp".

Phố ông đồ ở Sài Gòn: Người xin chữ và cho chữ cùng vui - Ảnh 2.

Phố ông đồ đã trở thành một không gian văn hóa đặc sắc dịp tết thu hút nhiều người đến thăm quan, du xuân - Ảnh: VŨ THỦY

Người đến xin chữ cũng đủ cả già trẻ, lớn bé, đủ ngành nghề, nhiều người đã giữ nếp xin chữ dịp tết ở phố ông đồ nhiều năm nay.

Chị An Nhiên (43 tuổi) - nhân viên văn phòng tranh thủ buổi trưa ghé xin chữ tặng "những người tôi yêu kính". Chị xin chữ Lương Sư Hưng Quốc tặng một người thầy, một chữ Tâm với đôi câu đối Tâm hạnh bao dung/ Phước tự nhiên thành tặng một người bác sĩ.

"Năm nào tôi cũng đến đây xin chữ, xin câu đối để treo trong nhà và tặng ba mẹ, thầy cô. Với tôi thì đó là món quà đầu xuân gửi gắm nhiều tình cảm, sự trân trọng và cả suy nghĩ của bản thân của người tặng với người được tặng.

Tôi đi một vòng rồi thấy nét chữ thư pháp nào có duyên với mình thì dừng lại xin chữ. Người xin chữ vui mà người cho chị cũng vui" - chị kể.

Bao lì xì ghi lời chúc thư pháp được ưa chuộng

Tại TP.HCM, nhiều bạn trẻ thích mua những phong bao lì xì đỏ ghi lời chúc thư pháp: Chúc Nội mạnh khỏe, Chúc Ngoại phúc khang, Chúc Nội Vạn thọ trường niên, Chúc bé Thỏ chăm ngoan, mau lớn...

Cô Đặng Ngọc Liên (57 tuổi, ngụ quận 5) cũng mua ba phong bao lì xì tặng cho ba người anh chị lớn của cô với lời chúc: Chúc anh chị mạnh khỏe, Chúc chị Ngọc sức khỏe...

"Nhận phong bao lì xì đỏ có ghi chữ thư pháp cho riêng mình vui lắm. Cô cũng được con trai cô lì xì như thế nên cũng muốn lì xì cho anh chị em của cô như vậy" - cô chia sẻ.

29 ông đồ ‘trượt’ kì thi khảo tuyển của Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 29 ông đồ ‘trượt’ kì thi khảo tuyển của Hội chữ Xuân Kỷ Hợi

TTO - ‘Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019’ có 68 người tham gia thi tuyển ‘ông đồ’, 39 người đã vượt qua kỳ thi, còn 29 người ‘trượt’. Hiện tượng ‘chim mồi’ tại Hội chữ cũng sẽ bị loại bỏ.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên