Trước giờ khai mạc, các đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp trù bị để xem xét, thông qua chương trình kỳ họp.
Quốc hội cũng nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với bà Trương Thị Mai, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.
Tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 có Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cùng các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng và Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tham dự còn có Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết đây là kỳ họp quan trọng, bàn nhiều vấn đề của đất nước.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong 26,5 ngày, từ ngày 20-5 đến ngày 28-6, chia làm hai đợt: đợt 1 từ 20-5 đến 8-6 và đợt 2 từ 17-6 đến 28-6.
Quốc hội sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian của kỳ họp với số lượng 24 dự án luật, dự thảo nghị quyết. Đây là khối lượng nội dung về lập pháp lớn nhất được xem xét tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Trong đó, Quốc hội xem xét thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến lần đầu với 11 dự án luật. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết liên quan nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Cũng tại kỳ họp, các đại biểu sẽ nghe và thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Quốc hội tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn và thảo luận về báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội về thực hiện nghị quyết số 43 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Ông Mẫn cho biết khối lượng công việc của kỳ họp rất lớn. Ông đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước cũng như sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.
Trước đó, ông Trần Thanh Mẫn được Trung ương giới thiệu bầu làm Chủ tịch Quốc hội.
Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Ông đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận