09/12/2020 17:56 GMT+7

Phó chi cục Giám định xây dựng không biết tin 'đá lát vỉa hè bền 70 năm' ở đâu ra

PHẠM TUẤN
PHẠM TUẤN

TTO - Vỉa hè ở một số tuyến đường tại Hà Nội được 'lát đá có độ bền 70 năm', sử dụng 3 năm đã nứt vỡ. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội lại cho biết, nếu chỉ dùng cho người đi bộ, vỉa hè lát đá này chỉ có thể sử dụng được khoảng 20 năm.

Phó chi cục Giám định xây dựng không biết tin đá lát vỉa hè bền 70 năm ở đâu ra - Ảnh 1.

Vỉa hè hư hỏng, bong tróc sau gần 3 năm sử dụng, ghi nhận tại đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) sáng 17-11-2020 - Ảnh: PHẠM TUẤN

Ngày 17-11, Tuổi Trẻ Online có bài phản ánh về tình trạng vỉa hè tại một số tuyến đường ở Hà Nội như Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến... các lớp gạch đá lát vỉa hè dù được giới thiệu có độ bền 50-70 năm, chỉ trong một thời gian ngắn sử dụng đã nứt vỡ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 9-12, ông Nguyễn Quang Huy, phó chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), cho biết qua phản ánh của báo chí, Sở Xây dựng đã nắm bắt được tình hình và thừa nhận có tình trạng vỉa hè lát đá tự nhiên bị xuống cấp, nứt vỡ sau thời gian ngắn sử dụng.

Ông Huy nói, độ bền của một công trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài vật liệu, chất lượng đá thì quá trình thi công, quá trình sử dụng rất quan trọng. "Vỉa hè vừa lát xong, đến đêm đã có xe leo lên. Như thế không đá nào chịu được", ông nói.

Cũng theo vị đại diện Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), ngoài việc xe cộ leo lên vỉa hè, việc thi công dàn trải, độ dày của đá chưa đảm bảo, thiết kế chưa phù hợp cũng là nguyên nhân dẫn tới việc vỉa hè xuống cấp nhanh hơn dự kiến.

Khi được hỏi về cơ sở nào để khẳng định việc lát đá tự nhiên tại các vỉa hè Hà Nội sẽ có thời gian sử dụng tới 70 năm, ông Huy cho biết không biết ý kiến này xuất phát từ đâu, còn Chi cục Giám định xây dựng chỉ kiểm tra theo hồ sơ mời thầu từ phía thành phố.

Phó chi cục Giám định xây dựng không biết tin đá lát vỉa hè bền 70 năm ở đâu ra - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Huy, phó chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), cho biết đá tự nhiên lát vỉa hè tại Hà Nội chỉ "bền được ở một mức độ, chừng mực" - Ảnh: PHẠM TUẤN

"Theo tôi nghĩ, không có công trình nào có độ bền được như thế đâu, nó chỉ bền được ở một mức độ, chừng mực nào đó. Đá granite ở nước ngoài cũng không bền được tới mức độ 70 năm", ông Huy nhận định. 

Còn theo ông Hoàng Ngọc Thắng, phó chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), lại cho rằng nếu vỉa hè được lát đá tự nhiên sử dụng đúng công năng dành cho người đi bộ, độ bền có thể lên đến 20 đến 30 năm. Điều này khác xa với tuyên bố của Sở Xây dựng Hà Nội vào năm 2016 là việc lát đá tự nhiên sẽ có độ bền 50-70 năm.

"Nếu xe cộ không đi lên, không đỗ trên vỉa hè, chỉ để dùng đi bộ, tôi dám chắc vỉa hè được lát đá tự nhiên sẽ có độ bền từ 20 đến 30 năm", ông Thắng nói.

Nói về trách nhiệm của Sở Xây dựng Hà Nội trong việc vỉa hè xuống cấp nhanh hơn so với dự kiến, đại diện Sở này cho hay, phía Sở chỉ kiểm tra tổng quan quá trình thi công, còn trách nhiệm kiểm tra chính, xử phạt thì thuộc về các chủ đầu tư là UBND các quận, huyện có thi công vỉa hè.

"Chúng tôi có kiểm tra, nhưng không thể kiểm tra hết được, vì phía Sở có quá nhiều công trình, dự án cần phải quan tâm, đôn đốc. Trách nhiệm chính trong việc kiểm tra thi công vỉa hè thuộc về các quận, huyện", ông Huy nói.

Còn UBND quận Thanh Xuân, địa phương có vỉa hè bị bong tróc sau khi lát đá tự nhiên, lại cho rằng, việc vỉa hè bị bong tróc, vỡ, sụt lún là do các phương tiện đi thường xuyên đi lên vỉa hè vào giờ cao điểm, chứ không phải do quá trình thi công, giám sát.

Phó chi cục Giám định xây dựng không biết tin đá lát vỉa hè bền 70 năm ở đâu ra - Ảnh 3.

UBND quận Thanh Xuân cho rằng, vỉa hè bị bong tróc, nứt vỡ là do xe cộ "đi trên vỉa hè" - ẢNH: PHẠM TUẤN

"Hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị thi công, sửa chữa, khắc phục các vị trí vỉa hè bị hư hỏng, sụt lún để đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Dự kiến sẽ xong trước ngày 30-12", ông Đặng Hồng Thái, phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, nói.

Trước đó, trao đổi với Tuổi trẻ Online, KTS Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý, cụ thể là Sở Xây dựng Hà Nội.

"Sở Xây dựng Hà Nội là đơn vị liên quan chính, là cơ quan quản lý cần phải chịu trách nhiệm trước thành phố về toàn bộ công tác giám sát, thi công lát đá vỉa hè", ông Nghiêm nói.

Cũng theo ông Nghiêm, các công ty vật liệu xây dựng phải chịu trách nhiệm về chất lượng đá. Đá được đóng theo kiện, tuy nhiên khi được giao đá để lát vỉa hè, các công ty vật liệu xây dựng cũng cần phải kiểm tra chứ không chỉ đếm theo kiện.

Vào năm 2016, giám đốc Sở Xây dựng khi đó là ông Lê Văn Dục cho rằng, Hà Nội phải thay thế gạch đá lát vỉa hè chất lượng thấp bằng việc lát đá tự nhiên có độ bền 50 - 70 năm.

“Tại nhiều tuyến phố, gạch lát được vài tháng là bắt đầu mất màu và xuất hiện hiện tượng rỗ mặt. Kết quả, sau vài cơn mưa là bám rêu mốc, không an toàn và mất mỹ quan đô thị. Khả năng chịu tải rất kém, xe tải nhẹ cỡ 1 tấn leo lên là vỡ hết gạch. Độ bền cũng ở mức thấp, gạch lát loại tốt nhất cũng chỉ 3-4 năm là phải thay, dẫn tới tình trạng lấp xuống, đào lên liên tục gây nhiều bức xúc”, ông Dục phát biểu ngày 7-9-2016.

Theo Sở Xây dựng, để đảm bảo tính đồng bộ, văn minh và sử dụng lâu bền các công trình hạ tầng, ngày 23-4-2016, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các dự án hạ tầng trên địa bàn thành phố phải thiết kế đồng bộ hào kỹ thuật hạ ngầm đường dây, cáp điện lực, viễn thông, cấp nước… Trong đó, yêu cầu vật liệu lát vỉa hè, bó vỉa là vật liệu tự nhiên, kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50 - 70 năm.

Hà Nội lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên Hà Nội lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên

TTO - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản yêu cầu lát vỉa hè, bó vỉa bằng vật liệu tự nhiên, có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50 - 70 năm.

PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên