Câu nói trên có phần ngoa dụ và nếu cả một bộ phim mà chẳng có lời thoại nào kể cũng... chán (trừ thời kỳ phim câm). Nhưng khán giả xem phim giải trí mà như đi đánh vật với mớ tiếng ồn thừa thãi thì "khó chịu vô cùng".
Các nhân vật liên tục nói
Những ngày qua các phim Tết được đưa ra mổ xẻ nhiều. Khen, chê đủ cả. Trong đó Bộ tứ báo thủ bị đưa lên bàn cân nhiều nhất; chung quy cũng bởi nó là phim của Trấn Thành.
Khi chia sẻ với báo chí hôm ra mắt Bộ tứ báo thủ, Trấn Thành phát biểu phim khác hoàn toàn với ba phim trước đó của anh (Bố già, Nhà bà Nữ, Mai).
Song có một đặc tính "bốn phim như một", dễ nhận thấy nếu xem phim của Trấn Thành là quá ồn ào. Các nhân vật trong phim nói liên tục, "va" nhau loạn xạ. Khi không có ai thoại nữa, nhạc phim/nhạc nền lại "thoại".
Trong Bộ tứ báo thủ, các nhân vật không lúc nào "ngơi" cái miệng. Hết người này tới người kia. Cảnh đám giỗ ở quê, cảnh đánh ghen ồn ào như một cái chợ. Xem phim, khán giả cũng nhức não, căng như dây đàn.
Hay trong Nhà bà Nữ, dẫu doanh thu lên tới 475 tỉ đồng (sau 11 tuần chiếu, theo công bố của nhà sản xuất) thì khi xem có không ít khán giả chẳng hiểu vì sao phải bỏ tiền vé để đi xem một gia đình cãi nhau, chửi bới om sòm gần hết cả bộ phim.
Từ bà Nữ chửi con cái trong nhà, con gái đầu Ngọc Như chửi chồng Phú Nhuận, tới cặp đôi Ngọc Nhi và John cũng yêu nhau thì ít mà cãi nhau thì nhiều.
Không ồn bằng phim của Trấn Thành nhưng khi xem Nụ hôn bạc tỉ của Thu Trang, lắm lúc nghĩ giá như thoại bớt đi, có phải "xinh" không?
Một phim Việt trăm tỉ khác thời gian gần đây là Chị dâu của Khương Ngọc. Bộ phim ổn so với mặt bằng phim thương mại nói chung nhưng cũng đi vào vết xe đổ của nhiều phim Việt là quá ồn ào.
Xem phim này, phân đoạn gây ấn tượng nhất không phải là cảnh người ta cãi nhau hay thoại mà chính là cảnh mấy chị em ngồi bên nhau trong khung cảnh nhà cửa tan hoang vì mưa bão và xập xệ. Ơn giời cuối cùng cũng có đoạn nói ít mà hay.
Tất nhiên, ồn ào, nói lắm, chửi bới loạn xạ... không phải là cái tội. Nếu kịch bản hay, phim chất lượng, người ta quên tiệt những phần thoại ầm ào đó đi hoặc thấy đó là những tiếng ồn hợp lý/có dụng ý nghệ thuật.
Nhưng hỡi ôi vì dở nên mới thấy nó ồn! Nhiều phim có thoại ồn ào lại khá kịch hoặc sến. Nghe càng chán. Ngay cả một câu thoại khá viral thời gian qua của nhân vật Quốc Anh trong Bộ tứ báo thủ là "Để yên cho tôi yêu em" thì một số người nghe lại cảm thấy... nổi da gà vì phô và sến.
Khoảng lặng điện ảnh
Trong phim ảnh, âm thanh (lời thoại, âm nhạc hoặc tiếng ồn) là một chất liệu độc đáo nhưng cũng đầy thách thức. Nó có sức mạnh không kém gì hình ảnh.
Một bộ phim gần gũi hơn với khán giả Việt là The way home (2002) của điện ảnh Hàn Quốc. Không ồn ào, đao to búa lớn, cũng không rao giảng đạo lý, hai nhân vật Sang Woo và người bà bị câm không nói với nhau nhiều nhưng xem phim cảm thấy họ nói với nhau rất nhiều điều.
Để rồi khi theo dõi bộ phim giản dị này, không ít người đã rớt nước mắt vì xúc động, gần gũi và chân thật.
Nhà thơ Bằng Việt có mấy câu thơ rất hợp để diễn giải những điều này: "Biết làm sao! Chúng ta quá nhiều lời/ Ngay ở chỗ lẽ ra cần nói ngắn/ Bao lần em lẳng lặng/Đủ khiến tôi bàng hoàng".
Nhiều phim Việt hình như thiếu những khoảng lặng mang tính điện ảnh có thể khiến khán giả "bàng hoàng" như vậy. Nếu không tạo ra được thứ âm thanh hay như người ta thì làm ơn đừng quá ồn.
"Ở Việt Nam, tính chuyên nghiệp chưa cao"
Thoại hay hay không phụ thuộc vào kịch bản rất nhiều. Ở các nước thường có một người viết thoại riêng. Ở Việt Nam, tính chuyên nghiệp trong vấn đề này chưa cao do nhiều yếu tố. Người viết kịch bản cũng chính là người viết thoại. Vì phải làm nhiều thứ khác nữa nên họ chưa tập trung được vào vấn đề thoại.
Thoại phải mang sự tươi mới của đời sống, phù hợp với chủ đề, câu chuyện của phim và hơi thở của nhân vật. Những nhà làm phim nước ngoài nghiên cứu rất kỹ chủ đề phim và bám sát tính hiện thực trong phim, từ đó đưa ra thoại hợp lý.
Ví dụ phim lịch sử, thoại thời kỳ đó ra sao. Phim hình sự - tội phạm, thoại mang ngôn ngữ tội phạm ra sao? Phim hiện đại thì thoại mang tính hiện đại như thế nào?... Ngôn ngữ của người chức cao vọng trọng sẽ khác với người bình dân. Không phải ai cũng như nhau.
Thoại Việt Nam không những dài dòng, ồn ào, còn kinh viện, sách vở quá. Muốn thoại hay, người viết thoại phải có vốn sống, hiểu biết về lịch sử, văn hóa, phong tục và tập quán, ngôn ngữ vùng miền và các tầng lớp xã hội khác nhau.
Đạo diễn LÊ ĐỨC TIẾN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận