Phim Người vợ cuối cùng được chuyển thể dựa trên tiểu thuyết Hồ oán hận của nhà văn Hồng Thái (bố vợ đạo diễn Victor Vũ).
Đây cũng là phim cổ trang thứ hai của đạo diễn Victor Vũ sau Thiên mệnh anh hùng ra mắt hơn 10 năm trước.
Trailer Người vợ cuối cùng cuốn hút
Trong trailer gần 3 phút mà đoàn phim tung ra ba tuần trước đó, phim Người vợ cuối cùng có đủ các yếu tố để "dẫn" khán giả ra rạp.
Cốt truyện ly kỳ hấp dẫn, có lãng mạn, có bi kịch, có cả yếu tố trinh thám thu hút khán giả. Phim có sự đầu tư về trang phục, dựng bối cảnh hoành tráng.
Đồng thời, dán nhãn 18+, tung hậu trường cảnh nóng giữa Kaity Nguyễn và Thuận Nguyễn tạo sự tò mò.
Theo tiết lộ của một trong những nhà sản xuất phim, diễn viên Đinh Ngọc Diệp, phim Người vợ cuối cùng sẽ hoà vốn nếu thu về khoảng 80 tỉ đồng.
Cùng với các phim Em và Trịnh, Đất rừng phương Nam, Tro tàn rực rỡ, Mười: Lời nguyền trở lại, Nhà bà Nữ…, phim Người vợ cuối cùng góp mặt tranh giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 sắp diễn ra tại Đà Lạt.
Dưới trailer phim, nhiều khán giả bày tỏ sự háo hức: "Phim Victor Vũ luôn được đón nhận", "Mới trailer thôi đã bánh cuốn (lôi cuốn) rồi", "Nghe nhạc phim đã thấy phim chất lượng", "Góc máy, màu phim đẹp", "Phim đậm văn hóa Việt"…
Có đáng xem như lời đồn?
Kỳ vọng thì nhiều nhưng phim Người vợ cuối cùng có đáng xem như lời đồn?
Lấy bối cảnh thời đại nhà Nguyễn tại một ngôi làng vùng Bắc Bộ, phim Người vợ cuối cùng kể về chuyện tình của Linh (Kaity Nguyễn đóng) và Nhân (Thuận Nguyễn đóng) giữa hàng rào lễ giáo phong kiến.
Linh cũng chính là người vợ lẽ, người vợ cuối cùng trong phim của quan tri huyện Đức Trọng (NSƯT Quang Thắng đóng).
Trong một lần gặp lại người tình cũ (Nhân), khát vọng về một cuộc sống bình yên, được yêu thương của Linh trỗi dậy...
Màu phim đẹp, được khai thác song song cùng diễn biến câu chuyện. Lúc miêu tả cảm xúc tình yêu, phim có màu sáng, ấm. Lúc nhân vật đau khổ, bi kịch, phim chuyển sang tông màu lạnh, trầm, buồn.
Người vợ cuối cùng có một số phân cảnh ấn tượng. Chẳng hạn, cảnh làm tình với hai người đàn ông trong cuộc đời của Linh được miêu tả ở hai trạng thái đối lập, một bên nâng niu và trân trọng Linh, một bên thì xem cô như cái "máy đẻ" không hơn không kém.
Diễn xuất Kaity Nguyễn ổn định, có nhiều bứt phá và sinh động cùng tâm lý nhân vật.
Các diễn viên còn lại: NSƯT Kim Oanh (vai vợ cả), NSƯT Quang Thắng, Thuận Nguyễn, bé Lưu Ly (Đông Nhi), Quốc Huy (Kiên)… chỉ ở mức tròn vai. Đinh Ngọc Diệp có vài phân cảnh gây hài hước, duyên dáng.
Phim có sự nghiên cứu văn hóa tỉ mỉ nên yếu tố trang phục và bối cảnh trở thành một trong những điểm đáng khen nhất của phim. Cảnh sắc và văn hóa Việt Nam lên phim ấn tượng, hút mắt.
Tuy nhiên, diễn biến phim khá dễ đoán, thiếu những cú twist gây bất ngờ. Việc phim không sử dụng lồng tiếng, giọng diễn viên Nam - Bắc xen lẫn trong bối cảnh làng quê Bắc Bộ cuối thế kỷ 19 cũng khiến một số khán giả thắc mắc.
Về điều này, trước đó, Victor Vũ giải thích anh "chọn diễn viên chứ không chọn giọng nói". Điều đạo diễn quan tâm hơn cả là cách diễn viên thổi hồn vào câu chuyện và khiến khán giả tin vào những gì diễn ra trên màn ảnh rộng.
Câu chuyện người phụ nữ thấp cổ bé họng vượt rào lễ giáo phong kiến trong phim Người vợ cuối cùng khiến khán giả đồng cảm và hồi hộp cùng nhân vật.
Dẫu vậy, kịch bản phim mới dừng ở mức an toàn. Có một số phân đoạn tình cảm giữa Linh và Nhân bị cho là khá sến kiểu Hàn Quốc.
Người vợ cuối cùng có các suất chiếu sớm vào ngày 1, 2-11; chính thức khởi chiếu tại tạp từ 3-11.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận