Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (giữa) trong chuyến thăm một căn cứ quân sự. Mối quan hệ giữa cảnh sát, quân đội và Tổng thống đang hết sức tốt đẹp dưới thời ông Duterte - Ảnh: REUTERS
Kết quả bỏ phiếu ngày 13-12 được xem là thắng lợi quan trọng của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Đảo Mindanao với thành phố Marawi, là nơi vừa dứt tiếng súng sau 5 tháng giao tranh giữa quân đội Philippines và các tay súng thân Nhà nước Hồi giáo (IS). Thực tế, dù trở về sau chiến thắng ở Marawi, quân đội Philippines vẫn còn rất nhiều việc phải làm tại vùng đất luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn này.
"Tôi buộc phải đi đến quyết định này nếu không muốn Mindanao banh chành", hãng tin Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Philippines.
Trong bức thư gửi tới các nhà lập pháp được văn phòng Tổng thống công bố, ông Duterte cho rằng việc gia hạn thiết quân luật ở khu vực Mindanao là cần thiết để ngăn chặn các cuộc nổi dậy của các phần tử thân IS.
Ông Duterte nhấn mạnh mối đe dọa đến từ các phần tử IS và những lực lượng ly khai ở Mindanao là ngang nhau.
Chính phủ Philippines lo ngại Mindanao, nơi có địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở và có đông người Hồi giáo sinh sống, sẽ là nơi tập kết của bọn khủng bố quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh chúng bị thất bại nặng nề ở Trung Đông. Thực tế, trong chiến sự Marawi vừa qua, hàng chục tay súng đa quốc gia đã đổ về Marawi, chia lửa với nhóm khủng bố Maute ở địa phương.
Hôm tháng 5, không lâu sau khi chiến sự bùng nổ ở Marawi, lệnh thiết quân luật đã được ban bố tại tỉnh Mindanao. Theo Hiến pháp 1987, tình trạng thiết quân luật chỉ có hiệu lực trong 60 ngày, tuy nhiên theo đề nghị của ông Duterte, Quốc hội đã gia hạn nó đến hết năm nay.
Chính phủ của ông Duterte khi đó lập luận rằng việc thiết lập tình trạng thiết quân luật sẽ giúp cuộc chiến ở Marawi kết thúc nhanh chóng. Thực tế, phải mất tới 154 ngày quân đội Philippines mới có thể dứt điểm chiến sự, biến Marawi trở thành cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở nước này trong hàng chục năm qua.
Một công trình tại Marawi bị tàn phá sau chiến sự. Bức ảnh này đã lọt vào những bức ảnh tiêu biểu của năm 2017 của hãng tin Reuters - Ảnh: REUTERS
Mặc dù vậy, đề nghị gia hạn thiết quân luật tới hết năm tới của ông Duterte vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận Philippines.
Tuy nhiên cũng có một số nghị sĩ đối lập phản đối việc gia hạn này, cáo buộc nó là âm mưu để ông Duterte tuyên bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc. Họ cho rằng việc gia hạn thiết quân luật là vi hiến, bởi tình trạng này chỉ có thể được thiết lập khi có bạo loạn ly khai hoặc đất nước bị xâm lược.
Dưới thời cố Tổng thống Macros, Philippines đã trải qua 9 năm thiết quân luật - giai đoạn mà báo chí phương Tây hay gọi là "thời kỳ đen tối" và chỉ kết thúc khi ông rời nhiệm sở năm 1986, sau gần 20 năm liên tục cầm quyền.
Ngày 13-12, đứng trước rừng câu hỏi liệu ông Duterte có lặp lại lịch sử đó hay không, nhà lãnh đạo Philippines chỉ trả lời ngắn gọn: "Còn tùy vào kẻ thù của đất nước là ai".
Tổng thống Philippines cũng nói thẳng các ông nghị phản đối chẳng biết gì về tình hình ở Mindanao, nơi có toán Abu Turaifie đang hoạt động tích cực và sẽ sớm trở thành IS 2.0 ở Đông Nam Á.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận