Theo báo Nikkei Asia, kể từ khi Mỹ chấp thuận việc bán 12 chiến đấu cơ F-16 cho Philippines vào năm 2021, Manila vẫn đang chật vật trong vấn đề tài chính để chi trả cho vụ mua bán này.
"Chúng vẫn quá đắt, chúng tôi phải tìm ra cách để đảm bảo tài chính cho việc chi trả. Chúng tôi muốn cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế của mình", đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez trả lời phỏng vấn báo Nikkei Asia trong tháng này.
Khi thương vụ được thông báo vào tháng 6-2021, Mỹ ước tính giá trị của các tiêm kích F-16 và thiết bị đi kèm khoảng 2,43 tỉ USD - hơn một nửa ngân sách quốc phòng hằng năm của Philippines.
Các máy bay này được dự định sử dụng trong việc giám sát các hoạt động trên không và trên biển của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.
Giải pháp cho Manila có thể là mua lại máy bay F-16 đã qua sử dụng hoặc nhận tài trợ tài chính từ Washington.
Theo ông Romualdez, việc hủy bỏ thỏa thuận mua F-16 mới từ Mỹ là "có thể", và thay vào đó là mua lại F-16 đã qua sử dụng từ các quốc gia thứ ba như Đan Mạch.
"F-16 có sẵn ở Đan Mạch. Tôi nghĩ ở đó họ có khoảng một tá, hoặc nhiều hơn nữa những chiếc F-16 ít được sử dụng", ông Romualdez nói. Ông cũng thông tin rằng Philippines sẽ cần phải chỉnh sửa luật để cho phép việc sử dụng ngân sách quốc gia cho các thiết bị đã qua sử dụng.
Tuy nhiên F-16 ở Đan Mạch sẽ khó có thể được chuyển giao cho Philippines. Vào tháng 10-2023, Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm rõ việc chuyển giao các chiến đấu cơ này từ Đan Mạch cho Argentina.
Cần phải có sự chấp thuận của Mỹ để Đan Mạch có thể chuyển giao các chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất cho một nước thứ ba.
"Việc chuyển giao này thể hiện mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ và sự ủng hộ kiên định của chúng tôi cho nỗ lực hiện đại hóa không quân của Argentina", bộ này viết trên mạng xã hội X.
Ngoài Argentina, Đan Mạch quyết định chuyển giao F-16 cho Ukraine trong sự hỗ trợ dành cho Kiev cho cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra.
Một lựa chọn khác cho Manila để chi trả cho chiến đấu cơ F-16 là nhận viện trợ tài chính của Mỹ.
"Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ có thể cung cấp cho chúng tôi một số hỗ trợ. Qua đó, chúng tôi sẽ có thể hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình nhanh nhất có thể", ông Romualdez nói thêm.
Các lực lượng vũ trang Philippines đã đặt ra chương trình hiện đại hóa trong vòng 15 năm kể từ năm 2012, nhằm nâng cấp các trang thiết bị quốc phòng. Philippines cũng vừa mua các loại radar do Nhật sản xuất để có thể theo dõi các xâm nhập với khoảng cách lên đến 300km.
Ông Patrick Cronin, phụ trách mảng an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ), lập luận đã đến lúc Mỹ chuyển hướng quỹ hỗ trợ an ninh Tài trợ quân sự nước ngoài (FMF) đến châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc nổi lên là đối thủ cạnh tranh lâu dài và nghiêm trọng nhất trong khu vực.
Quỹ FMF do Bộ Ngoại giao Mỹ quản lý. Quỹ này cung cấp các khoản tài trợ hay khoản vay cho chính phủ các nước mua các thiết bị quốc phòng và các huấn luyện quân sự của Mỹ.
Tháng 8-2023, Mỹ bổ sung Đài Loan vào danh sách nhận hỗ trợ FMF.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận