01/02/2017 10:43 GMT+7

Philippines có thể dùng quân đội chống ma túy 

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết có thể nhờ quân đội hỗ trợ sau khi rút cảnh sát khỏi cuộc chiến chống ma tuý để làm sạch tham nhũng trong lực lượng này. 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm doanh trại quân đội ở Maguindanao ngày 27-1 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Rodrigo Duterte thăm doanh trại quân đội ở Maguindanao ngày 27-1 - Ảnh: Reuters


Phát biểu trước binh sĩ Philippines ngày 31-1, ông Duterte để ngỏ khả năng sẽ đưa quân đội vào cuộc chiến chống ma túy, theo Reuters. Cuối tuần trước, ông đã nhắc đến việc yêu cầu quân đội tham gia bắt giữ tội phạm.

“Hãy để tôi tái tổ chức lại việc hành pháp trong cảnh sát. Trong thời gian đó, chúng (bọn tội phạm) sẽ bị bắt và tôi sẽ ra lệnh cho các bạn bắt giữ chúng” - ông Duterte tuyên bố.

Tại Philippines, việc thi hành luật pháp là nhiệm vụ của cảnh sát trong khi quân đội tập trung vào các vấn đề an ninh quốc gia.

Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon Jr cho rằng quân đội nước này vẫn có khả năng tham gia chiến dịch chống ma túy. Tuy nhiên có thể chỉ một số đơn vị đặc nhiệm tham gia thay vì toàn bộ lực lượng.

Trong khi đó, người phát ngôn Các lực lượng vũ trang Restituto Padilla cho biết trách nhiệm của quân đội trong cuộc chiến ma túy đang được thảo luận trong các cuộc họp an ninh nhưng chưa rõ kết quả.

Tuyên bố được đưa ra ngay sau ông Duterte yêu cầu cho toàn bộ lực lượng cảnh sát nước này tạm ngừng tham gia cuộc chiến chống ma túy trong bối cảnh lực lượng này bị cáo buộc tham nhũng tràn lan.

Thay cho cảnh sát, Cơ quan Chống ma túy của Philippines sẽ đảm nhiệm vai trò tiên phong trong chiến dịch chống tội phạm ma túy.

"Không một cảnh sát nào ở đất nước này được phép thực thi pháp luật liên quan tới chiến dịch chống ma túy" - Tổng thống Philippines tuyên bố sau khi miêu tả lực lượng cảnh sát nước này là "tham nhũng tận gốc rễ".

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cảnh sát cấp cao cho biết những nhiệm vụ đầu tiên nhằm làm trong sạch lực lượng là củng cố hoạt động phản gián, kiểm tra lối sống của những cảnh sát tham gia các hoạt động chống ma túy.

“Đây là một nhiệm vụ rất lớn. Tôi không rõ nó sẽ kéo dài bao lâu bởi cơ quan chức năng rất thiếu nhân lực” - quan chức này cho biết.

Trong thời gian qua, cảnh sát Philippines bị cáo buộc lợi dụng chiến dịch chống ma túy để che đậy cho hành động giết người, bắt cóc, cướp bóc và tống tiền. Tổng thống Duterte tuyên bố ông có kế hoạch "làm trong sạch" lực lượng cảnh sát trước khi cho phép họ trở lại trận tuyến chống ma túy.

Tổ chức Ân xá quốc tế trong khi đó khẳng định chính quyền Manila trả tiền cho cảnh sát và những người khác để giết nghi can, tạo bằng chứng giả, thêu dệt cuộc chiến chống ma tuý của ông Duterte. Tổ chức này đang điều tra 33 vụ giết người liên quan đến ma túy tại 20 thành phố của Philippines và cho biết phần lớn các vụ giết người là “bất hợp pháp”.

Nhiều nhân chứng trong cuộc điều tra khẳng định các nghi can ma túy đã đầu hàng trước khi bị bắn. “Cảnh sát thường tông cửa vào giữa đêm và giết thẳng tay những người không vũ trang mà họ nghi là sử dụng hay bán ma túy” - Tổ chức nhân quyền này viết trong báo cáo.

Ông Duterte sau đó khẳng định sẽ vẫn tiếp tục cuộc chiến ma túy bất chấp báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế. Trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu được ông Duterte tuyên bố từ khi tranh cử và tích cực triển khai kể từ khi ông lên nhậm chức giữa năm ngoái.

Từ đó đến nay, trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy tại Philippines, các lực lượng an ninh đã tiêu diệt 6.000 đối tượng liên quan ma túy. Ngoài ra, còn có hơn 1 triệu người đã bị bắt giữ hoặc ra đầu thú với chính quyền để hưởng khoan hồng.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên