Ông Rodrigo Duterte tại một điểm bỏ phiếu ở Davos, năm 2016 - Ảnh: REUTERS
Hôm cuối tuần, mạng xã hội Philippines sôi sục với hình ảnh chụp văn bản "nghị quyết" của Ủy ban bầu cử Philippines, trong đó có nội dung loại bỏ tư cách ứng cử của ông Oscar Moreno ra khỏi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại nước này.
Ông Moreno hiện là thị trưởng thành phố Cagayan de Oro, đang mong muốn tái đắc cử tại ngày bỏ phiếu tới đây. Câu chuyện này dĩ nhiên khiến lãnh đạo Cagayan de Oro gặp rắc rối, vì trước đó bản thân Moreno đã bị đối thủ yêu cầu bãi bỏ tư cách ứng cử năm nay, một câu chuyện có thật.
Chính vì vậy, phe Moreno ngày 10-5 đã phải tổ chức cuộc họp báo khẩn để đính chính rằng quyết định bãi tư cách vừa qua lan truyền trên Facebook là giả mạo.
Dale Mordeno, luật sư của ông Moreno, khẳng định "đầu tiên là việc văn bản được ký ngày 1-5-2019, tức là một ngày nghỉ lễ. Ai lại đi làm việc ở một ngày lễ cơ chứ".
Dù sao, câu chuyện về ông Moreno cũng đang phản ánh sự thật nhức nhối rằng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Philippines năm nay đã xác định một trở ngại rõ ràng: tin giả.
Tin giả được cho rằng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới tại Philippines - Ảnh: REUTERS
Philippines hiện có 76 triệu người dùng Internet. Người dân nước này cũng có thời gian trực tuyến trung bình cao nhất thế giới.
Theo lẽ thường, việc chống các tin tức giả mạo tràn lan trong cộng đồng người dùng đông đảo như vậy đòi hỏi lực lượng hùng hậu từ công tác kiểm định, báo cáo.
Thế nhưng, Philippines chỉ sử dụng đội ngũ 10 người cho chuyện này.
Đội ngũ trên do Ủy ban Bầu cử Philippines tạo ra nhằm phát hiện và phản hồi các thông tin sai sự thật cho Facebook, theo một thỏa thuận kiểm soát tin giả giữa hai bên.
Theo Bloomberg, chỉ vài tuần trước khi đợt bầu cử bắt đầu vào ngày 13-5, đội chống tin giả đã phát hiện hàng trăm nội dung đăng tải sai sự thật liên quan tới cuộc bầu cử. Chúng chủ yếu tung tin các điểm bỏ phiếu đã bị thao túng và kết quả bầu cử được định trước.
Lưu ý về độ nghiêm trọng của vấn đề, người phát ngôn Ủy ban bầu cử Philippines, James Jimenez, cho biết: "Tin giả có thể ảnh hưởng đến cách người dân nghĩ về uy tín của cuộc bầu cử cũng như người thắng cuộc".
Với lượng cử tri sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng, Philippines lo ngại tin giả sẽ lan truyền nhanh hơn so với thời điểm năm 2016 khi Tổng thống Rodrigo Duterte thắng cử.
Tuy thế, Jimenez cho biết đội chống tin giả hiện không đủ người để chống lại tình trạnh tin giả tràn lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận