Nhà báo tác nghiệp trong phiên tòa ly hôn của vợ chồng "vua" cà phê tại TAND TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Tuy xử kín nhưng việc tuyên án là công khai nên việc xử kín vẫn đảm bảo tính minh bạch khi xét xử
Một thẩm phán
Trong đó, vấn đề làm thế nào để bảo vệ quyền hình ảnh, bí mật đời tư trong các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình... được nhiều chuyên gia pháp lý đặt ra khi hình ảnh cá nhân, bí mật đời tư của các đương sự bị báo chí và mạng xã hội "khai thác triệt để".
Vậy trường hợp nào được tòa án xử kín?
Xử kín để bảo vệ đời tư
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), quyền nhân thân, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (gọi chung là bí mật đời tư) là một trong những quyền cơ bản quan trọng nhất của con người được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.
Hiện nay việc ngăn chặn sự xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân thực sự khó khăn trong kỷ nguyên kỹ thuật số, khi mà thông tin trên các trang mạng như Facebook, Zalo, Viber... được lan truyền rất nhanh chỉ sau một cái nhấp chuột máy tính.
Nhiều người đã không hiểu, hiểu sai hoặc cố tình không hiểu quyền tự do ngôn luận, tự do thể hiện quan điểm cá nhân... vì vậy đã vô tình hay hữu ý làm lộ quyền riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác, đã gây ra những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội.
Những người có thông tin cá nhân hoặc người thân của họ bị tiết lộ đôi khi gặp quá nhiều rắc rối, phiền phức trong cuộc sống, dẫn tới nhiều hệ lụy không thể lường trước được như tự tử, stress, bất lực, bỏ việc, ly hôn, điên...
Trong nhiều trường hợp, để bảo vệ quyền hình ảnh, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, hội đồng xét xử đã quyết định xử kín. Xét xử kín có nghĩa là không phải ai cũng có quyền tham dự.
Vụ án được xử kín thì chỉ có hội đồng xét xử (gồm thẩm phán, hội thẩm nhân dân), kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch được tham gia phiên tòa.
Các chủ thể khác như người thân của đương sự, của bị cáo, bị hại, nhà báo... không được theo dõi quá trình xét xử tại tòa.
Chỉ khi có yêu cầu mới xử kín
Theo ông Quách Hữu Thái (chánh án TAND quận 2, TP.HCM), khoản 2, điều 15 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định tòa án xét xử công khai và trong trường hợp cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì tòa án có thể xử kín.
Như vậy, đối với các vụ án hôn nhân gia đình hay các vụ án dân sự nói chung, muốn xử kín thì bắt buộc đương sự phải có đơn yêu cầu.
Sau khi có đơn yêu cầu, hội đồng xét xử sẽ xem xét yêu cầu của họ có chính đáng hay không (có thuộc trường hợp giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình). Nếu đó là yêu cầu chính đáng, hội đồng xét xử quyết định xử kín.
Còn đối với những vụ việc mà đương sự không có yêu cầu xử kín thì tại phiên tòa đương sự vẫn có quyền yêu cầu hội đồng xét xử giới hạn những nội dung được đăng công khai hoặc không được phép đăng công khai.
Cần chú ý là tại điều 32 BLDS 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh và điều 38 BLDS 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, việc sử dụng hình ảnh, thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân bắt buộc phải được sự đồng ý của người đó.
Nghĩa là trước khi báo chí, các trang mạng xã hội đăng tin liên quan đến họ thì phải được sự đồng ý của họ, chứ không cần họ phải có yêu cầu tòa án cấm đăng tin công khai mới không đăng.
Theo ông Thái, trong trường hợp một bên đương sự yêu cầu xử kín, nhưng bên còn lại yêu cầu xử công khai thì hội đồng xét xử có thể xem xét xử kín.
"Với xu thế cải cách tư pháp như hiện nay và với việc quyền cá nhân ngày càng được đề cao thì cần thiết phải xử kín trong nhiều trường hợp.
Tuy nhiên, việc xử kín đương sự phải yêu cầu, còn nếu không xử kín mà báo chí hay một người nào khác tham dự phiên tòa muốn đăng hình ảnh, thông tin, bắt buộc phải có sự đồng ý của họ trước khi đăng" - ông Thái nêu.
Xử kín vẫn đảm bảo minh bạch
Tương tự, vấn đề đặt ra là đối với án hình sự, khi nào tòa án xử kín và việc xử kín có đảm bảo tính minh bạch khi xét xử.
Theo một thẩm phán công tác tại TP.HCM, điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự quy định tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do bộ luật này quy định.
Cụ thể, trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Tuy nhiên theo vị này, hiện nay khái niệm "thuần phong mỹ tục" và "bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự" vẫn chưa được hướng dẫn, giải thích cụ thể để áp dụng thống nhất.
Nếu vụ án thuộc trường hợp được xét xử kín, đương sự có quyền gửi đơn yêu cầu tòa án xử kín. Trên cơ sở yêu cầu của đương sự, tòa án sẽ xem xét, quyết định xét xử công khai hay xử kín.
Đối với những vụ án liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh quốc gia, việc xử kín do hội đồng xét xử quyết định.
Trên thực tế, các vụ án xâm hại tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô... hoặc những vụ án mà nạn nhân là người chưa thành niên thường được tòa án xét xử kín.
Có thể kiện nếu bị xâm phạm đời tư
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, việc đăng hình ảnh, thông tin trong các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình mà không được sự đồng ý của đương sự thì họ có thể khởi kiện yêu cầu người đăng thông tin, hình ảnh chấm dứt việc đăng hình ảnh, thông tin và bồi thường thiệt hại, gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận