10/10/2021 14:19 GMT+7

Phí môi giới dự án đô thị du lịch biển Phan Thiết lên tới 19,5% giá bất động sản

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Kiểm toán ngân sách bộ, ngành, địa phương, Kiểm toán Nhà nước phát hiện loạt sai phạm về tài chính đất đai, các hành vi 'lách luật' để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Phí môi giới dự án đô thị du lịch biển Phan Thiết lên tới 19,5% giá bất động sản - Ảnh 1.

Một góc dự án đô thị du lịch biển Phan Thiết - Ảnh: ĐỨC TRONG

Theo đó, tại tỉnh Bình Thuận, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết ký hợp đồng với 2 công ty môi giới bất động sản tại TP.HCM với mức phí môi giới bất động sản lên tới 19,5% giá trị bất động sản giao dịch thành công.

Trong khi mức phí môi giới bất động sản phổ biến hiện nay trên thị trường là 1-2% giá trị bất động sản. Việc Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết ký các hợp đồng môi giới với mức chi phí cao bất thường, gấp khoảng 10 lần so với mức chi phí môi giới phổ biến trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, theo Kiểm toán Nhà nước, đã làm tăng chi phí hợp lý và làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp rất lớn.

Hiện Kiểm toán Nhà nước đã chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý hành vi có dấu hiệu trốn thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết.

Báo cáo công tác kiểm toán năm 2021 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi tới các đại biểu Quốc hội cũng cho thấy các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, TP Hải Phòng chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê.

Tình trạng cho thuê đất nhưng chưa có hồ sơ liên quan nên cơ quan thuế tạm thu theo giá đất từ nhiều năm trước hoặc theo giá đất hiện hành. Cụ thể, tại tỉnh Vĩnh Phúc có 7 lô đất với diện tích là 136.960m2 tạm thu theo giá đất từ năm 2006.

Tại tỉnh Hưng Yên, có 97 dự án đã được giao đất, chậm đưa vào sử dụng nhưng đến thời điểm kiểm toán UBND tỉnh chưa ban hành quyết định xử lý; tại tỉnh Thanh Hóa có tình trạng tổ chức thực hiện đấu giá đất khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Tỉnh Bình Phước có 31 tổ chức, cá nhân; tỉnh Ninh Bình có 15 mỏ khoáng sản đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng chưa làm thủ tục thuê đất. Tỉnh Bình Thuận có 23 dự án đã được cấp phép nhiều năm nhưng chưa tiến hành khai thác mỏ theo đơn xin cấp phép, trong đó có một số mỏ đã được cấp phép từ 5-10 năm.

Cũng liên quan tới lĩnh vực đất đai, khi kiểm toán báo cáo tài chính tại một số doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện một số doanh nghiệp còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. 

Trong đó, Tổng công ty Khí Việt Nam (PVgas) để 6.863,70m2 đất trống, quá thời hạn đầu tư, Công ty CP Phân phối khí thấp áp dầu khí Việt Nam để 13.000m2 đất chờ thực hiện dự án, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau: chưa sử dụng 34.228m2 đất theo đúng kế hoạch, Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí Đông Nam Bộ để không 17.284m2 đất chưa sử dụng.

Một số doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích như Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam sử dụng không đúng mục đích 34.100m2, Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí Miền Trung sử dụng không đúng mục đích 6.602m2.

Bất động sản có thể thành nơi trú ẩn của tội phạm ‘rửa tiền’ Bất động sản có thể thành nơi trú ẩn của tội phạm ‘rửa tiền’

TTO - Luật kinh doanh bất động sản 2014 chưa quy định giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng, nên kinh doanh bất động sản có thể thành nơi trú ẩn của tội phạm “rửa tiền”, che giấu tài sản bất minh, tham nhũng, hoặc do phạm tội mà có.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên