11/11/2012 15:45 GMT+7

Phạt xe không chính chủ: không thực tế, dễ tiêu cực

Nguyễn Văn Triệu
Nguyễn Văn Triệu

TTO - Không thực tế, dễ sinh tiêu cực... là ý kiến hầu hết độc giả quanh việc phạt xe không chính chủ. Bạn đọc cũng đề nghị Bộ GTVT tạo thuận lợi cho người đã mua xe chưa sang tên đăng ký tên mình.

Phạt xe không chính chủ: Ngày đầu... nhắc nhởBắt đầu tăng mức phạt vi phạm giao thông

e8O5mRqI.jpgPhóng to

Một trường hợp vượt đèn đỏ bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe xuất trình giấy tờ trên phố Trần Duy Hưng, Hà Nội ngày 10-11. Với lỗi này, mức phạt từ ngày 10-11 là 400.000-800.000 đồng (mức phạt cũ 300.000-500.000 đồng), áp dụng cho năm thành phố lớn trực thuộc trung ương - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Tôi cho rằng đã đến lúc quản lý xe cộ chặt chẽ, nhưng với cơ chế hiện nay, những chiếc xe đã mua chưa sang tên mà đi rút hồ sơ quả là một vấn đề. Vì vậy Bộ Giao thông vận tải nên làm thế nào tạo ra cơ chế thuận lợi cho người đã mua xe từ lâu nhưng chưa sang tên có điều kiện đăng ký tên mình. Trên thực tế không ai là không muốn xe mang tên mình, chính vì thủ tục hành chính phiền hà quá nên người ta không muốn sang tên.

Nhân đây tôi có một ý tưởng cho các nhà quản lý, là mỗi chiếc xe từ khi bắt đầu lưu hành nên được cấp một “giấy khai sinh” đứng tên chủ đầu tiên, sau đó cấp thêm một giấy phép lưu hành chứng minh chiếc xe đó đủ điều kiện lưu hành. Nếu người chủ đó bán xe cho người thứ hai, họ chỉ việc giữ lại giấy lưu hành và có trách nhiệm giao nộp cho cơ quan chức năng quản lý, còn người mua xe chỉ cần cầm “giấy khai sinh” và đi đăng ký mới ở bất kỳ đâu trong nước, không phải làm thủ tục rút hồ sơ.

Hơn nữa để tránh gian lận, làm giả hồ sơ, đề nghị chuyển chức năng đăng ký xe sang sở giao thông tỉnh - thành, cơ quan CSGT chỉ thực hiện công tác kiểm tra giám sát, chứ không thể để vừa đá bóng vừa thổi còi như hiện nay.

* Theo tôi thấy luật đưa ra là có lý do của người ban hành, nhưng đối với việc sử dụng xe chính chủ có phần hơi hà khắc. Ví dụ người trong nhà đi xe của nhau là chuyện bình thường, nếu bị CSGT bắt phải kêu người nhà tới thì rất mất thời gian và công ăn việc làm. Như vậy cả xã hội đều bỏ việc để đi xác nhận xe hay sao, hay cứ một lần đi ra khỏi nhà lại cầm theo cả hộ khẩu và một đống giấy tờ?

Luật này nhắm tới việc dễ tìm người gây ra tai nạn, nhưng chưa chi đã thấy một mớ rắc rối xảy ra với toàn xã hội. Thay vì quy định như vậy, ta có thể quy định khác đi, ví dụ: người nào cho mượn xe, mua bán xe mà chưa sang tên thì phải chịu phạt (bao nhiêu tiền) khi người lái xe gây ra tai nạn, như vậy sẽ sát với thực tế hơn.

* Tôi thật sự bức xúc khi đọc về quy định mới này. Nếu thế, những sinh viên như chúng tôi đến trường bằng xe máy của ba mẹ phải bị xử phạt hết sao? Thử đặt vấn đề: cứ cho là một nửa xe đang di chuyển thì có bao nhiêu người là sở hữu chính thức, bao nhiêu người còn đang nương tựa, mượn, nhận được... từ người thân, bố mẹ?

Nếu cứ theo quy định mà áp dụng thì gia đình nghèo 5 người chia sẻ chung chiếc xe đi làm phải giải quyết ra sao? Tôi thấy có rất nhiều điều bất cập, phi lý ở quy định này. Cơ quan quản lý không nên cứ bắt người dân làm thí điểm cho những quy định mới mà không xem xét kỹ lưỡng.

* Trường hợp của tôi không thể tìm được chủ xe, tôi phải làm sao? Luật đã tính đến việc này cho chúng tôi chưa? Tôi nghĩ phải có kế hoạch cho những người không tìm thấy chủ xe cũ (vì đã quá nhiều lần trao tay, hoặc chủ cũ đã chết hoặc đi nước ngoài sinh sống...) để họ có thể chuyển đổi tài sản đã mua sang tên của họ.

* Nghị định 71 khi thực hiện sẽ xảy ra một số tiêu cực như sau:1/ Tăng quyền lực cho lực lượng kiểm tra giao thông: tạo điều kiện xin - cho, tạo điều kiện cho nhũng nhiễu thêm đất sống. 2/ Người dân khi tham gia giao thông phải mang theo hộ khẩu để chứng minh xe của gia đình khi không phải xe đứng tên mình...

* Phạt người lái xe không chính chủ là một quy định hết sức phi lý, hành dân và gây thiệt hại cho nền kinh tế. Bởi lẽ, cả nhà có một chiếc ôtô, chỉ một người đứng tên, khi thì người này dùng, khi thì người khác dùng nhằm phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư... mà bị phạt thì hành dân, sách nhiễu dân quá. Chẳng lẽ bây giờ ra đường phải chuẩn bị sẵn bản tường trình chứng minh ôtô, môtô là của người thân... cho mượn?

* Tôi đồng tình với chủ trương mua bán xe phải sang tên đổi chủ và nộp thuế cho Nhà nước, nhưng phản đối biện pháp kiểm tra giấy tờ xe đang chạy trên đường để nhắc nhở hoặc xử phạt. Xin hỏi người đề ra quy định này có bao giờ đi xe của người khác không? Có thì xử lý thế nào? Bắt vợ con hoặc người cho mượn xe phải mang giấy tờ ra lấy xe à? Vô lý, hết sức vô lý!

* Ai cũng biết kinh tế nước ta còn nghèo, nhiều vùng người dân thậm chí còn không đủ cơm để ăn, bây giờ đề ra luật này, người nghèo sẽ suốt đời không bao giờ biết đi xe máy. Đã vậy luật mới được ban hành đã đi vào thực hiện, thử hỏi bao nhiêu người mua xe cũ hay nhờ người khác đứng tên làm sao xoay xở kịp? Kính mong các ban ngành có thẩm quyền xem lại vấn đề này, 100 người đọc quy định này thì 100 người đều phản đối.

* Tôi nghĩ Nhà nước đã ban hành nghị định thì nhân dân phải chấp hành, nhưng cũng cần xem xét để có lợi cho người dân mà vẫn thực hiện nghiêm pháp luật. Nếu phạt do lỗi vi phạm xe không sang tên đổi chủ, mặt tốt là chấp hành nghiêm Luật giao thông, nhưng người dân phải tăng chi phí.

Ví dụ trong gia đình thường là 3 - 4 người trung bình có 2 xe máy, nếu có con lớn thì 3 xe, theo quy định phạt như trên, người dân phải sang đúng tên và phải mua thêm 1-2 xe nữa mới giải quyết công việc được, thế là vô tình tăng chi phí của người dân, mặt khác còn lãng phí vì xe không thể phát huy hết hiệu quả sử dụng. Vì vậy theo tôi, các cơ quan nên truyên truyền giáo dục là chính, trường hợp các xe dùng để kinh doanh mà không sang tên thì hãy phạt.

Bạn suy nghĩ gì về vấn đề này, hãy gửi ý kiến của bạn về cho chúng tôi theo địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn hoặc phần ý kiến bạn đọc phía dưới. Cảm ơn.

Nguyễn Văn Triệu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên