21/08/2024 20:16 GMT+7

Phát triển giao thông xanh: mục tiêu đã có nhưng chưa rõ nguồn lực

Chính sách về nguồn lực, hỗ trợ đầu tư để phát triển giao thông xanh nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về mức 0 vào năm 2050 là mối quan tâm lớn nhất của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Phát triển giao thông xanh: mục tiêu đã có nhưng chưa rõ nguồn lực - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: TẠ HẢI

Đó là nội dung đáng chú ý trong cuộc tọa đàm Phát triển giao thông xanh: thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư do Bộ Giao thông vận tải tổ chức ngày 21-8.

Phát thải carbon trong giao thông bằng 0 để hướng tới giao thông xanh

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thực hiện các cam kết của Việt Nam tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tháng 7-2022, Thủ tướng đã ban hành quyết định 876 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon (CO2) và khí mê tan của ngành giao thông vận tải.

Mục tiêu cụ thể của chương trình hành động là chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050.

Sau hai năm thực hiện quyết định của Thủ tướng, bên cạnh kết quả ban đầu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt các giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư chuyển đổi cơ sở hạ tầng xanh, chuyển đổi phương tiện xanh.

Trình bày tại tọa đàm, ông Lê Hoàn - phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM - cho biết để đến năm 2030 toàn bộ xe buýt TP.HCM sử dụng điện, năng lượng xanh, cần thực hiện hai mục tiêu đầu tư chuyển đổi phương tiện xanh và đầu tư phát triển trạm sạc.

Để huy động nguồn lực nhà nước và xã hội hóa thực hiện mục tiêu trên, hiện một số chính sách đang được xem xét đề xuất cơ quan có thẩm quyền để thực hiện như:

Hỗ trợ 50% lãi suất đối với phần vốn vay mua xe buýt sử dụng năng lượng xanh. Giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến có 2.849 xe buýt sử dụng năng lượng xanh thì cần tổng vốn đầu tư khoảng 14.165 tỉ đồng.

Hỗ trợ 50% lãi suất đối với phần vốn vay đầu tư trạm sạc điện. Dự kiến đầu tư 464 trụ sạc, tại 29 vị trí lắp đặt, khoảng 650 tỉ đồng.

Với Hà Nội, ông Thái Hồ Phương - giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng - cho biết đang có 1.905 xe buýt trợ giá với 281 xe dùng năng lượng sạch hoạt động. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 70 - 90% xe buýt điện và năng lượng xanh và đạt 100% vào năm 2035.

Để thực hiện, Hà Nội cần huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước (chi phí phục vụ chuyển đổi, chi phí duy trì trợ giá hàng năm...) và từ doanh nghiệp (mua xe, đầu tư hạ tầng trạm sạc điện, nạp khí...).

Cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ vốn, đầu tư trạm sạc

Tại tọa đàm, các nhà đầu tư trạm sạc cho rằng ngoài nguồn vốn, vướng mắc khác đang gặp phải là nhiều nơi hạ tầng điện còn chưa cung ứng đủ cho trạm sạc; các chính sách pháp lý, chính sách về quỹ đất cho trạm sạc chưa được ban hành.

Phát triển giao thông xanh: mục tiêu đã có nhưng chưa rõ nguồn lực - Ảnh 3.

TP.HCM đặt mục tiêu sử dụng toàn bộ xe buýt điện, năng lượng sạch vào năm 2030 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tựu trung các ý kiến tại tọa đàm thống nhất cần sớm hoàn thành khung pháp lý để có chính sách cụ thể về hỗ trợ đồng bộ về tài chính, trạm sạc, nguồn điện cho nhà sản xuất ô tô điện, người dùng xe điện và nhà đầu tư trạm sạc để thực hiện mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Về nguồn tài chính để hỗ trợ chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện, năng lượng xanh, ông Đỗ Lê Ninh - đại diện Vụ đầu tư khu vực tư nhân của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - cho biết ADB đặt mục tiêu đến 2030 sẽ tài trợ 100 tỉ USD cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm khí thải carbon.

Các dự án được vay phải có hai yếu tố là tác động phát triển lớn như chuyển đổi phương tiện giao thông điện và khả thi về mặt tài chính. Tuy nhiên, đối với mỗi dự án khác nhau ADB có cách đánh giá và mức lãi suất khác nhau chứ không có mức chung.

Theo ông Vũ Đức Công - quản lý cơ sở hạ tầng và cố vấn chính sách cấp cao, Đại sứ quán Úc - việc hình thành một số quỹ "tài chính xanh" là một giải pháp tốt để doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng khi đầu tư xe sử dụng điện, năng lượng sạch.

Hiện tại, Chính phủ Úc dự kiến lập quỹ trái phiếu chính phủ về năng lượng sạch lên tới 7 tỉ USD để doanh nghiệp tiếp cận vốn. Hiện thị trường "tài chính xanh" tại Úc ước tính khoảng 1,9 tỉ USD nhưng đến năm 2040 có thể lên tới 5.900 tỉ USD. 

Tuy nhiên, khả năng huy động nguồn lực hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế công bằng để các nhà tài trợ yên tâm bỏ tiền vào quỹ, yên tâm sinh lời.

Phát triển giao thông xanh: mục tiêu đã có nhưng chưa rõ nguồn lực - Ảnh 3.Chuyển đổi xe xăng qua xe điện: Cần hỗ trợ đồng bộ

Thông tin người tiêu dùng được hỗ trợ 1.000 USD/xe khi mua ô tô điện mới đây được nhiều người quan tâm, bắt nguồn từ đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên