Nói chuyện riêng, học sinh bị phạt ăn... ớtĐừng “mổ” chú heo đấtPhạt học sinh - có còn hiệu quả?
Khi phạt như vậy vừa vi phạm điều lệ nhà trường, có khi còn bị phụ huynh thưa gửi khắp nơi. Bản thân giáo viên nếu lỡ dính vào trường hợp này sẽ gặp ít nhiều phiền toái. Trước mắt là bị ban giám hiệu nhà trường mời trao đổi, làm việc nhiều lần, viết tường trình, nhẹ thì làm kiểm điểm, cuối năm học bị cắt thi đua, nặng thì ra hội đồng kỷ luật chịu hình thức sa thải, buộc thôi việc. Nhưng cũng có khi chưa bị xử lý kỷ luật thì giáo viên đã “sốc”, tinh thần mệt mỏi, sức khỏe sa sút vì bị áp lực nhiều người dòm ngó, bàn tán. Có khi cả báo chí cũng tham gia phản ánh sự việc nên giáo viên vi phạm chịu hết nổi đành phải bỏ việc, chia tay bục giảng, chia tay bảng đen, phấn trắng mà trong lòng lưu luyến, bịn rịn.
Không phải nhà trường “né” dùng hình phạt với học sinh mà nhà trường nghĩ ra cách khác làm hình phạt “biến tướng” thêm, “sáng tạo” hơn, để tránh bị học sinh, phụ huynh phản ảnh. Tôi từng chứng kiến trường THPT nọ trong tuần học sinh nào vi phạm nội quy nhà trường, không thuộc bài, đi học trễ, nghỉ học không phép... thì tổ giám thị ghi vào sổ để sáng thứ hai sau nghi lễ chào cờ, giám thị gọi lên từng em nêu lý do lỗi vi phạm thật cụ thể. Các em này tự rời vị trí xếp hàng của lớp bước lên trước sân lễ để nghe thầy giám thị “giáo huấn” cho đến hết giờ sinh hoạt mới được vào lớp. Trong khi đó, các bạn phía dưới ngồi nghe sinh hoạt dưới cờ thấy cảnh này có khi tụm năm tụm ba xì xào, bàn tán các hành vi vi phạm của các bạn đứng phía trên.
Theo tôi, sinh hoạt dưới cờ nhà trường cần nêu gương những em học tốt, ngoan hiền mới có tác dụng giáo dục một cách tích cực và là hình thức trực quan sinh động nhất, hiệu quả nhất chứ đưa hình ảnh “gương mặt đen” không hay như vậy càng phản giáo dục. Tôi còn chứng kiến cũng tại trường này khi phát hiện học sinh chửi thề thì phạt cho súc miệng đầy cả xô nước lớn, mà dụng cụ múc nước chỉ là cái ly nhỏ xíu. Nhìn học sinh khổ cực múc từng ly nước đưa lên miệng hớp ngụm nhỏ rồi súc miệng nhả nước vào chiếc xô khác, tôi nghĩ thời gian em này thực hiện xong hình phạt chắc hết cả buổi. Cách phạt như vậy vừa mất giờ buổi học ngày hôm đó của các em, mà không biết các em có sợ hình phạt này mà tự sửa chữa lỗi không. Theo tôi, tình trạng chửi thề nói tục trong học sinh là có. Nhà trường nghe và chứng kiến cảnh này hoài mà không có cách nào hay để giải quyết dứt điểm một cách triệt để, đành chấp nhận áp dụng hình phạt “súc miệng” không được hay và có vẻ phản cảm đó.
Phạt học sinh nhiều khi là thói quen của một số ít giáo viên. Thực chất khi áp dụng hình phạt với học sinh không có hiệu quả gì, thì tại sao không chấm dứt để nhà trường thật sự là nơi đầy ắp không khí thân thiện, thầy trò thương yêu, tôn trọng và gần gũi nhau?.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận