![Phát hiện ung thư thể hiếm gặp từ vết máu hồng trên áo - Ảnh 1. Phát hiện ung thư thể hiếm gặp từ vết máu hồng trên áo - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/8/z6297690098733c588400ba75249a77ac0bf533a926275-17389769652341046931600.jpg)
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC
Mắc ung thư vú cùng lúc cả hai bên
Bệnh viện Phụ sản trung ương vừa thông tin các bác sĩ bệnh viện mới đây đã phẫu thuật thành công ca bệnh mắc ung thư vú hai bên cùng lúc - một trường hợp vô cùng hiếm gặp.
Bệnh nhân là bà P.T.Y. (68 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội). Trước khi vào viện 3 tháng, bà Y. tình cờ phát hiện một vết máu hồng trên áo lót. Vì không cảm thấy đau đớn hay bất thường, bà chủ quan bỏ qua dấu hiệu này.
Một tháng sau, tình trạng tái diễn, kèm theo dịch dính trên đầu ngực. Lúc này, bà mới quyết định đến bệnh viện khám. Kết quả chẩn đoán ban đầu phát hiện u nhỏ ở cả hai bên vú, điều vô cùng bất thường.
Sau quá trình sinh thiết, kết luận cuối cùng xác nhận bệnh nhân mắc ung thư vú hai bên.
Bác sĩ Phạm Duy Duẩn - phó trưởng khoa phụ ung thư 3, Bệnh viện Phụ sản trung ương - cho biết: Việc bệnh nhân ung thư vú hai bên đồng thời một lúc là tình trạng ung thư vú rất hiếm gặp.
Theo nghiên cứu, tỉ lệ gặp chỉ khoảng 0,2% trong tất cả ca bệnh ung thư vú. Tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, đây là trường hợp đầu tiên.
"Việc phẫu thuật cho bệnh nhân 68 tuổi với bệnh nền tiểu đường, cao huyết áp lại càng khó khăn hơn. Quá trình gây mê, phẫu thuật và hồi sức hậu phẫu đều đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn" - bác sĩ Duẩn chia sẻ thêm.
Sau khi được tư vấn kỹ càng, bệnh nhân lựa chọn cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú hai bên và nạo vét hạch nách để loại trừ nguy cơ tái phát. Đây là phương pháp triệt để nhất, giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị dứt điểm.
"Ung thư vú hai bên là một thể bệnh hiếm, nhưng hoàn toàn có thể phát hiện sớm qua tầm soát. Phụ nữ trên 40 tuổi nên đi khám định kỳ 2 năm/lần, còn những người có yếu tố nguy cơ cao (gia đình có tiền sử ung thư vú, đột biến gene) cần được tầm soát hằng năm.
Chi phí tầm soát thấp nhưng mang lại giá trị vô cùng lớn, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tăng khả năng điều trị thành công và giảm chi phí điều trị", bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, trưởng khoa phụ ung thư 3, nhấn mạnh.
Thời điểm vàng tầm soát ung thư vú
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ nhiều nước trên thế giới và Việt Nam. Trong các bệnh ung thư ở nữ, ung thư vú chiếm 35%. Bệnh được phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì tỉ lệ chữa khỏi bệnh càng cao.
Tỉ lệ tử vong của bệnh nhân ung thư vú phụ thuộc nhiều vào thời điểm phát hiện. Người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn càng sớm thì khả năng sống sót càng cao và ngược lại, tỉ lệ sống sót giảm thấp khi phát hiện bệnh vào giai đoạn muộn.
Vì thế, việc xác định khi nào cần sàng lọc ung thư vú và ai cần khám vú là việc làm cần thiết để giảm thiểu số lượng người tử vong do mắc bệnh ung thư vú trong cộng đồng.
![Bàng hoàng phát hiện ung thư thể hiếm gặp từ vết máu hồng trên áo - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/7/ung-thu-vu-17389399946611662018335.png)
Ung thư vú là căn bệnh đáng lo ngại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn - Ảnh minh họa
Trước đây, tự khám vú tại nhà là một phần quan trọng trong chiến lược sàng lọc ung thư vú. Những người phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú thường được tư vấn tự quan sát và kiểm tra vú của mình vào thời điểm 5 đến 7 ngày sau sạch kinh.
Phương pháp tự khám vú bao gồm các bước:
- Quan sát: Xuôi tay, quan sát xem có các thay đổi ở vú như u cục, dày lên, lõm da hoặc thay đổi màu sắc da. Đưa tay ra phía sau gáy sau đó quan sát lại.
Chống tay lên hông làm cử động cơ ngực lên xuống bằng động tác nâng vai lên hoặc hạ vai xuống. Động tác này làm rõ hơn các thay đổi ở vú nếu có.
- Sờ nắn: Nắn nhẹ đầu vú xem có dịch chảy ra hay không?. Đưa tay phải ra sau gáy. Dùng tay trái sờ nắn vú phải, 4 ngón tay đặt sát nhau thành một mặt phẳng, ép đều đặn lên các vùng khác nhau của tuyến vú, thành ngực theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú ra phía ngoài.
Kiểm tra từng vùng của vú và hố nách.
Độ tuổi nên bắt đầu sàng lọc ung thư vú
Theo các bác sĩ, phụ nữ từ 30 tuổi trở lên nên bắt đầu định kỳ đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa 1 năm/lần.
Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên khám sàng lọc ung thư vú hằng năm bằng chụp X-quang tuyến vú.
Với phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú nên được tầm soát thêm bằng chụp MRI tuyến vú hằng năm bắt đầu từ tuổi 30.
Nhóm nguy cơ cao gồm những người có đột biến BRCA, bố, mẹ, anh chị em ruột hoặc con của người mang đột biến BRCA, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú 20% đến 25%, có tiền sử xạ trị vào vùng ngực từ 10 đến 30 tuổi, hội chứng Li‐Fraumeni, hội chứng Cowden- Bannayan Riley-Ruvalcaba.
Xác định nguy cơ trung bình với bệnh ung thư vú cần được tham vấn bởi ý kiến của các chuyên gia dựa trên tiền sử gia đình và tiền sử bệnh tật bản thân.
Một cách tổng quát, phụ nữ có nguy cơ trung bình mắc bệnh ung thư vú bao gồm các đặc điểm sau: có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú ở thế hệ thứ nhất như mẹ và chị em gái ruột, mang đột biến gene đã được xác định và tiền sử bản thân mắc bệnh ung thư vú.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận