26/08/2022 08:06 GMT+7

Phát hiện 'Trái nước' cách chúng ta 100 năm ánh sáng

MINH HẢI (Theo Space)
MINH HẢI (Theo Space)

TTO - Các nhà khoa học vừa phát hiện một hành tinh được bao phủ hoàn toàn bởi nước, cách Trái đất 100 năm ánh sáng.

Phát hiện Trái nước cách chúng ta 100 năm ánh sáng - Ảnh 1.

TOI-1452 b có kích thước và khối lượng lớn hơn một chút so với Trái đất và điều đặc biệt ở ngoại hành tinh này là nó được bao phủ hoàn toàn bởi một lớp nước dày - Hình ảnh đồ họa: Benoit Gougeo/ Université de Montréal

Ban đầu, nhóm nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu về ngoại hành tinh (iREx) sử dụng kính viễn vọng không gian TESS của NASA để khảo sát toàn bộ bầu trời, nhằm tìm kiếm các hệ hành tinh gần với Trái đất.

Họ phát hiện một tín hiệu từ TESS cho thấy độ sáng giảm nhẹ sau mỗi 11 ngày và dự đoán về sự tồn tại của một hành tinh lớn hơn Trái đất khoảng 70%.

Nhóm nhà khoa học đặt tên nó là TOI-1452 b, một ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao nhỏ trong hệ sao đôi thuộc chòm sao Draco.

Ngôi sao chủ của ngoại hành tinh TOI-1452 b là TOI-1452 nhỏ hơn nhiều so với Mặt trời của chúng ta và là một trong hai ngôi sao có kích thước giống nhau trong hệ nhị phân.

Hai ngôi sao quay quanh nhau và cách nhau một khoảng cách nhỏ, khoảng 2,5 lần khoảng cách giữa Mặt trời và sao Diêm Vương. Khoảng cách này nhỏ đến nỗi ban đầu kính thiên văn TESS và các nhà khoa học lầm rằng đây là một điểm sáng.

Tuy nhiên, khi quan sát sâu hơn, các nhà khoa học đã có thể xác định rằng TOI-1452 b quay quanh quỹ đạo TOI-1452. Phải mất thêm hơn 50 giờ để các nhà khoa học ước tính được khối lượng gần gấp 5 lần Trái đất của hành tinh này.

Lý giải vì sao chưa có hình ảnh rõ ràng, dù chỉ mới quan sát qua kính viễn vọng của NASA mà đã kết luận TOI-1452 b được bao phủ bởi nước, nhóm nhà khoa học, dẫn đầu bởi Charles Cadieux (nhà thiên văn học thuộc Viện Nghiên cứu về iREx, cho biết: "TOI-1452 b cũng có thể cấu tạo bằng đá giống như Trái đất, nhưng bán kính, khối lượng và mật độ của nó cho thấy đó là một thế giới rất khác với thế giới của chúng ta".

Bởi lẽ, Trái đất về bản chất là một hành tinh rất khô. Mặc dù khoảng 70% bề mặt của nó được bao phủ bởi đại dương, nhưng nước thực sự chỉ chiếm một phần không đáng kể so với tổng khối lượng của nó - cụ thể là dưới 1%.

Trong những năm gần đây, các nhà thiên văn đã xác định khối lượng và kích thước của nhiều ngoại hành tinh có kích thước lớn hơn Trái đất khoảng 3,8 lần. Một số ngoại hành tinh có tỉ lệ kích thước và khối lượng "không phù hợp" tới mức chỉ có thể giải thích được nếu một phần lớn khối lượng của chúng được tạo thành từ các vật liệu nhẹ hơn những vật tạo nên cấu trúc bên trong của Trái đất, chẳng hạn như nước.

Những ngoại hành tinh này được coi là "hành tinh đại dương".

TOI-1452 b chính là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho một hành tinh đại dương. Việc phân tích TOI-1452 b cho thấy nước có thể chiếm tới 30% khối lượng của nó.

Tỉ lệ này tương tự như tỉ lệ của một số vệ tinh tự nhiên trong Hệ Mặt trời của chúng ta, chẳng hạn như các vệ tinh Ganymede và Callisto của sao Mộc, hay như vệ tinh Titan và Enceladus của sao Thổ.

Trong công bố trên tạp chí Thiên Văn hôm 25-8, các nhà khoa học cho biết hiện tại họ vẫn đang dành thời gian quan sát thêm TOI-1452 b. Nhóm hy vọng trong thời gian tới, bằng việc sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb trị giá 10 tỉ USD mới của NASA, sẽ phát hiện thêm những thông tin mới và thú vị về ngoại hành tinh này.

Kỳ lạ hành tinh có mây kim loại và mưa đá quý Kỳ lạ hành tinh có mây kim loại và mưa đá quý

TTO - WASP-121b - hành tinh khí khổng lồ quay quanh một ngôi sao cách Trái đất 855 năm ánh sáng - có thể có các đám mây kim loại và những cơn mưa đá quý dạng lỏng, theo một nghiên cứu công bố ngày 21-2 trên tạp chí Nature Astronomy.

MINH HẢI (Theo Space)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên