Cá băng trưởng thành tại vùng biển ở gần Nam Cực - Ảnh: Viện Alfred Wegener
Trong chuyến thám hiểm kéo dài 6 tuần đến vùng Nam Cực năm 2021, nhà khoa học Autun Purser tại Viện nghiên cứu biển và địa cực Alfred Wegener ở Đức và các đồng nghiệp của ông đã tình cờ phát hiện nơi sinh sản của loài cá băng Jonah (Neopagetopsis ionah).
Họ ở trên tàu RV Polarstern, con tàu khổng lồ được thiết kế để điều hướng các tảng băng trôi bằng cách xuyên thủng chúng trong hành trình khảo sát, thăm dò ở Nam Cực. Công việc của ông Purser là theo dõi một camera phía sau con tàu để ghi lại hình ảnh đáy biển.
Khi các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu định kỳ vùng đáy biển, tình cờ họ phát hiện thấy hàng nghìn tổ cá băng Jonah, một loại cá vây tia nhỏ thường tìm thấy ở Nam Đại Dương. Ông Purser nói: "Sau đó chúng tôi tiếp tục di chuyển trong 4 giờ và nhìn thấy nhiều tổ cá khác".
Các tổ cá này trông như những vòng tròn màu xanh trên đáy biển và mỗi tổ sâu khoảng 15cm, theo trang New Scientist.
Các nhà nghiên cứu đã dành 4 ngày tiếp theo để ghi lại hình ảnh các tổ cá. Ông Purser nói: "Có những ngày chúng tôi nghiên cứu tới 19 tiếng đồng hồ".
Ông và các đồng nghiệp ước tính khu vực này có hơn 60 triệu tổ cá nằm trên diện tích ít nhất 240km2.
"Mỗi tổ có một con cá trưởng thành và khoảng 1.500 - 2.000 quả trứng. Chúng tôi không biết bao lâu trứng sẽ nở hay bao nhiêu con sẽ sống", ông Purser nói.
Bà Katrin Linse tại Cơ quan khảo sát Nam Cực của Anh chia sẻ: "Tôi đã thực hiện một chuyến thám hiểm đến khu vực này khoảng 25 năm trước. Một trong những câu hỏi lớn được đặt ra với tôi lúc đó là liệu đây có phải là nơi sinh sản của loài cá băng này không. Việc phát hiện ra một khu vực với quy mô trên 60 triệu tổ cá, là thông tin thật tuyệt vời đối với tôi".
Nhóm nghiên cứu của ông Purser cũng tìm thấy một tổ cá băng rỗng ở cách chỗ tìm thấy đàn cá khoảng 20km.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận