Ban tổ chức cuộc thi - Ảnh: NAM TRẦN
Hướng nghiệp cho trẻ em, học sinh, sinh viên và người đang đi làm hiện rất yếu trong xã hội chúng ta. Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú ý đến vấn đề này
Thứ trưởng Lê Quân - Bộ Lao động, thương binh và xã hội
Cuộc thi viết "Tôi chọn nghề" lần 2 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức. Còn cuộc thi video clip "Giáo dục nghề nghiệp thực học, thực hành - vững khởi nghiệp, sáng tương lai" do tổng cục phối hợp với Trung tâm truyền hình thông tấn và Trường CĐ Truyền hình tổ chức.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Lê Quân - thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội - mong mỏi "sẽ có nhiều người trong xã hội chia sẻ, động viên con cháu, giới trẻ học nghề để có lựa chọn nghề nghiệp tương lai tốt cho bản thân".
Ông Lê Quân - thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội - Ảnh: NAM TRẦN
Theo ông Quân, hai cuộc thi của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị là rất hay: "Tuy nhiên, xa hơn nữa cần truyền thông cho thí sinh, phụ huynh, xã hội biết danh mục của ngành nghề đó học gì, cơ hội phát triển, thăng tiến và lộ trình công danh nghề nghiệp ra sao...".
Ông Trương Anh Dũng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - cho biết trong những năm qua, công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp đã luôn nhận được sự quan tâm của các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà báo.
"Các hoạt động, sự kiện của giáo dục nghề nghiệp đã kịp thời được đưa đến với người đọc, qua đó đã là thay đổi hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp đối với xã hội" - ông Dũng nói.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc quảng bá hình ảnh giáo dục nghề nghiệp, việc tìm hiểu và viết về những tấm gương trong giáo dục nghề nghiệp, nói lên những suy nghĩ của các bạn trẻ học nghề còn hạn chế.
Ông Trương Anh Dũng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Ảnh: NAM TRẦN
Đó cũng chính là khoảng trống trong truyền thông mà giáo dục nghề nghiệp cần lấp đầy, vun cao để tôn vinh những tấm gương tiêu biểu của giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ, Trung tâm truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Trường Cao đẳng Truyền hình tổ chức phát động cuộc thi viết Tôi chọn nghề và cuộc thi video clip Giáo dục nghề nghiệp: thực học, thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai
Ông Trương Anh Dũng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng nhấn mạnh: "Để triển khai và thực hiện thành công hai cuộc thi này, ngay sau lễ phát động, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị tham gia tổ chức sẽ triển khai đẩy mạnh truyền thông để mọi người biết và thu hút được đông đảo nhất số người tham gia cuộc thi nhất.
Đề nghị các sở lao động, thương binh và xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực hưởng ứng, tham gia với sự đầu tư về ý tưởng, nội dung để cuộc thi có được bức tranh tổng quan về giáo dục nghề nghiệp. Động viên các thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên mạnh dạn tham gia và cổ vũ cho 2 cuộc thi".
Cuộc thi viết "Tôi chọn nghề" lần 2 dành cho học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước; người đã tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; học sinh các trường THPT, THCS dự định sẽ theo chọn trường nghề để học; phụ huynh có con đã, đang và dự định sẽ cho con học trường nghề; các nhà văn, nhà báo, độc giả quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp ở trong và ngoài nước.
Chủ đề xoay quanh những câu chuyện có thật về lựa chọn nghề nghiệp của các cá nhân khi xã hội vẫn coi trọng con đường đại học. Bên cạnh đó, bài viết cũng có thể thể hiện tình yêu nghề nghiệp, những thành công của các cá nhân khi lựa chọn theo học nghề.
Bài dự thi không quá 1.500 chữ và phải để tên thật, địa chỉ của nhân vật, số điện thoại để ban tổ chức liên lạc khi cần thiết. Thời gian nhận bài dự thi từ khi phát động đến hết ngày 29-5-2020.
Gửi bài qua địa chỉ email toichonnghe@tuoitre.com.vn hoặc địa chỉ ban giáo dục - khoa học báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ghi rõ dự thi "Tôi chọn nghề".
Giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng, giải ba 10 triệu đồng và năm giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng.
Cuộc thi làm video clip dành cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, trường cao đẳng.
Sản phẩm dự thi có thể là tác giả, nhóm tác giả với clip không quá 7 phút phản ánh, giới thiệu về cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giới thiệu, mô tả các ngành nghề cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang trực tiếp đào tạo.
Nhận tác phẩm dự thi tại email: tk.gdnn@molisa.gov.vn; sản phẩm dự thi nếu được in ra VCD hoặc lưu trong USB gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp theo địa chỉ: phòng thông tin - truyền thông, văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (37B Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Ghi rõ: Dự thi video clip "Giáo dục nghề nghiệp thực học, thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai". Ban tổ chức sẽ xác nhận khi nhận được sản phẩm dự thi.
Nhận tác phẩm dự thi từ khi phát động đến hết ngày 29-2-2020.
Cuộc thi sẽ trải qua ba vòng sơ loại, trực tuyến và chung khảo trước khi chọn ra các tác phẩm để trao giải vào tháng 5-2020. Giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng, giải ba 10 triệu đồng và năm giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng.
Cuộc thi nhỏ mang ý nghĩa lớn
Phát biểu tại lễ phát động, nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - đánh giá cuộc thi "Tôi chọn nghề" lần 1-2017 diễn ra trong thời gian ba tháng đã nhận được 300 bài dự thi từ các tác giả trong cả nước.
"Từ thành công của cuộc thi lần thứ nhất, năm nay ban tổ chức quyết định cuộc thi sẽ diễn ra trong sáu tháng nên hi vọng số lượng bài dự thi sẽ gấp đôi cuộc thi lần thứ nhất" - nhà báo Lê Xuân Trung nói.
Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: NAM TRẦN
Bên cạnh đó, nhà báo Lê Xuân Trung cho rằng "Tôi chọn nghề" là cuộc thi nhỏ mang ý nghĩa lớn vì những lý do sau:
- Thứ nhất, giải quyết bài toán chọn nghề của thí sinh khi hằng năm nhiều bạn chỉ tập trung vào các trường đại học, khi không theo nổi mới chọn trường nghề. Do đó, cuộc thi góp phần định hướng ngay từ đầu cho thí sinh để các bạn chủ động chọn nghề nghiệp cho tương lai.
- Thứ hai, cuộc thi góp phần truyền đi thông điệp "nhất nghệ tinh nhất thân vinh" để giải quyết thực trạng "thừa thầy thiếu thợ" hiện nay. Như vậy, cuộc thi cũng hướng đến phụ huynh chứ không chỉ thí sinh vì có những bạn trẻ chiều theo ý phụ huynh lao theo con đường đại học.
- Thứ ba, cuộc thi cũng hướng đến các nhà làm chính sách và các trường nghề. Đó là trường nghề phải đáp ứng được nhu cầu xã hội về nhu cầu và chất lượng của nguồn nhân lực. Do đó, trường nghề phải được mở rộng, nâng cấp và nâng cao đào tạo nghề cho xã hội. Từ đó xây dựng xã hội thực học, thực làm chứ không phải chạy theo bằng cấp. Từ nhu cầu đó của xã hội, Nhà nước nên khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các tổ chức có thể đầu tư trường nghề chất lượng cao đáp ứng cho từng địa phương, từng lĩnh vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận